Thạc sĩ bỏ việc nghìn USD đi trồng loại ớt cay nhất thế giới

28/07/2023 13:46 GMT+7

Từng tốt nghiệp thạc sĩ ngành tài chính ở Anh, làm ngân hàng quần áo là lượt, trắng trẻo, Đình Sơn sụt gần 20kg, da nhuộm đen màu nắng vì bỏ phố về vườn khởi nghiệp trồng ớt ngoại.

Chưa đến 10 giờ, cái nắng Khánh Hòa táp vào gương mặt thư sinh của người đàn ông gốc Hà Nội. Tăng Đình Sơn (36 tuổi) gác cuốc sang một bên, tìm bóng mát nghỉ ngơi giữa khu vườn 10 hecta.

"Đến một lúc nào đó, chúng ta sẽ muốn thay đổi cuộc sống của mình. Sau dịch Covid -19 từ 2 năm trước, thấy cuộc sống ở thành phố gò bó, ngột ngạt, mình quyết định về vườn khởi nghiệp", Sơn vui vẻ nói.

Thạc sĩ bỏ việc nghìn đô khởi nghiệp trồng loại ớt cay nhất thế giới - Ảnh 1.

Đình Sơn khoe mẻ ớt Carolina Reaper đỏ cay nhất thế giới vừa thu hoạch để làm tương ớt.

Nhân vật cung cấp

Sơn hướng dẫn cách làm tương ớt siêu cay từ nguyên liệu trong vườn nhà

Phải có kế hoạch

Sơn quyết định nhanh chóng. Song, ít ai biết trước đó, anh đã ấp ủ kế hoạch về vườn từ lâu bằng cách mua một mảnh đất để "làm vốn". Là dân kinh tế, tài chính, Sơn tính toán trước điều bất cập khi bỏ phố về vườn nhưng không có đất canh tác. Nếu thuê đất, anh có thể gặp rủi ro vì chủ có thể lấy lại bất cứ lúc nào. Khi đó sẽ rất khó khăn cho việc bắt đầu lại.

"Mình không bỏ phố về vườn theo 'trend'. Mình có sự chuẩn bị và khuyên những người có ý định khởi nghiệp ngành nông nghiệp nên tính phương án đầu tư một mảnh đất trong khả năng", anh Sơn nói.

Tự tin mình là dân thể thao, nhưng những ngày đầu, Sơn bị cái nắng miền Trung đánh gục. Chưa kể, vốn là sinh ra ở thành phố, việc cầm cuốc, phát cỏ với Sơn cũng là những trải nghiệm mới mẻ.

Trong khi tập quen với những công việc nhà nông, Sơn tình cờ đọc 1 bài báo nước ngoài viết về cuộc thi ăn cay. Nhớ lại 2 năm học thạc sĩ ở Anh, anh mê nhất là những loại tương ớt ở đó. Bản thân anh cũng là người rất thích ăn cay, nên thấy bị thu hút bởi loại trái này.

"Ớt là một loại gia vị phổ biến, có tiềm năng kinh tế nên mình nảy ra ý tưởng lập một nông trại trồng đủ loại ớt trên thế giới", Sơn chia sẻ. 

Vậy là anh lập tức nhờ bạn ở nước ngoài mua giúp hạt giống loại ớt Carolina Reaper đỏ về ươm. Đây là loại ớt đang nắm giữ danh hiệu cay nhất thế giới với hơn 2 triệu đơn vị cay (SHU), gấp 7 lần ớt chỉ thiên của Việt Nam. Giá bán đến gần 1 triệu đồng/kg. Sau nhiều ngày chờ đợi, tỉ lệ hạt nảy mầm chỉ được 30%.

Thạc sĩ bỏ việc nghìn đô khởi nghiệp trồng loại ớt cay nhất thế giới - Ảnh 3.

Vườn của Sơn cũng đón khách đến tham quan khu vực trồng 50 loại ớt trên thế giới.

Nhân vật cung cấp

Nhận thấy thời tiết Khánh Hòa nắng nhiều, phù hợp để ớt đạt đến độ cay tốt nhất. Song, cũng vì thế mà tỉ lệ hạt gieo nảy mầm thấp. Vậy là anh đầu tư thêm một mảnh vườn để ươm mầm ở Đà Lạt. Khi cây giống lớn khỏe, anh mới đem về vườn chăm sóc. Ớt ngoại Sơn trồng có ưu điểm, không chỉ thu hoạch 1 vụ mà có thể hái lai rai đến 3 năm.

Trồng số lượng ít vài trăm cây thì phát triển tốt, năng suất cao. Nhưng khi số lượng lên trên 1.000 cây, sâu bệnh phát triển nên thiệt hại nhiều. Chưa kể, bỏ nhiều mua nhiều giống ớt nhưng vì không hợp thổ nhưỡng, khí hậu Việt Nam nên cây chết, mất trắng vốn đầu tư. 

Sơn tìm đến các vườn ở Đà Lạt, Đak Lak... học hỏi các quy trình trồng ớt thành công ở Việt Nam về áp dụng cho mình. Sơn rút ra, kinh nghiệm "phòng bệnh hơn chữa bệnh" vẫn là cách tốt nhất cho cây.  Bằng cách phun thuốc trước cho cây con như một "liều liều vắc xin" phòng bệnh, Sơn khắc phục được tình trạng sâu bệnh về sau. 

Thay đổi cách làm nông truyền thống

Hiện tại, Sơn xây dựng một nông trại nhỏ với đủ các dịch vụ, trồng 50 loại ớt ngoại để khách tham quan. Cạnh bên, một khoảng vườn rộng trồng chủ lực các loại ớt: hơi thở rồng; carolina đỏ, vàng; palermo; habanero để làm tương ớt.

Nhiều người cũng cho rằng Sơn ôm đồm khi khởi nghiệp trồng ớt và làm sản phẩm thương mại cùng lúc.

Tuy nhiên, Sơn nhìn ra được vấn đề: "Nông dân xưa nay chỉ tập trung trồng trọt, tới mùa thu hoạch thì bị thương lái ép giá, không chủ động đầu ra. Làm thêm xưởng chế biến tương ớt là cách giải quyết bài toán muôn thuở".

Thạc sĩ bỏ việc nghìn đô khởi nghiệp trồng loại ớt cay nhất thế giới - Ảnh 4.

Sơn cũng không ngờ từ sở thích ăn cay lại khiến bản thân có động lực khởi nghiệp với trái ớt.

Nhân vật cung cấp

Ban đầu là những mẻ nhỏ gửi bạn bè dùng, khi đúc kết được quy trình riêng anh bắt đầu sản xuất số lượng lớn. Thương hiệu tương ớt của anh đã có mặt ở những nhà hàng, siêu thị chuyên bán đồ hữu cơ ở Hà Nội, TP.HCM. Những chuyến công tác về thủ đô gặp khách hàng, Sơn tranh thủ thăm gia đình.

"Đến giờ, bố mẹ mình vẫn xót khi thấy mình gầy và đen đi nhiều. Tuy nhiên, không có con đường nào trải đầy hoa hồng, miễn là mình hiện tại mình vẫn hài lòng và vui với chọn lựa này", Sơn nói.

Điều may mắn của Sơn trên chặng đường khởi nghiệp làm nông đó là được người bạn đời ủng hộ. Vợ anh là người thường quay, chỉnh sửa video để chồng đăng lên mạng xã hội chia sẻ về những loại ớt ngoại chưa được nhiều người biết đến.

Từ anh nhân viên ngân hàng suốt ngày ngồi phòng máy lạnh, giờ đây Sơn đứng trước ống kính, hướng dẫn cách trồng ớt bằng những bài học đã đổi bằng tiền, mồ hôi mà có được.

Thạc sĩ bỏ việc nghìn đô khởi nghiệp trồng loại ớt cay nhất thế giới - Ảnh 5.

Mẻ ớt Carolina vàng, một trong những loại dùng làm tương ớt của Sơn.

Nhân vật cung cấp

Ông Bùi Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch xã Ninh Tây, TX.Ninh Hòa cho biết, công ty TNHH Nông nghiệp xanh Ninh Tây Farm của Sơn đã tạo nhiều công ăn việc làm cho nhiều người dân địa phương. Bên cạnh những người làm thuê thì Sơn cũng hướng dẫn để mọi người chuyển đổi từ mía, mì sang trồng ớt, bao tiêu đầu ra.

"Địa bàn xã có hơn 50% là đồng bào dân tộc thiểu số, kinh tế khó khăn. Những năm qua, nhờ những doanh nghiệp như Sơn về đây phát triển nhiều mô hình làm ăn mới, giúp đỡ bà con nên chính quyền rất hoan nghênh và hỗ trợ", ông Hưng nói.

Đầu tháng 7, những trận mưa lớn và sạt lở đất ở Đà Lạt cũng làm ảnh hưởng đến vườn ươm giống của anh. Từ Khánh Hòa lên thăm vườn, nhìn những cây ớt hơi thở rồng lần đầu tiên thử nghiệm trồng ở Việt Nam của mình ngã rạp, Sơn chợt nghĩ, con đường khởi nghiệp này sẽ còn vô vàn thử thách buộc anh phải vượt qua. Vậy là xắn ngay tay áo, anh nông dân bắt đầu dọn dẹp, tiếp tục ươm thêm những mầm xanh mới cho vụ sau.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.