Những 'quả ngọt' có được ngày hôm nay là công sức của cả một tập thể, trong đó không thể không kể đến thạc sĩ Đỗ Thị Nam Phương, Trưởng Trung tâm truyền thông UMC.
Hiện tại công tác truyền thông y tế tại Việt Nam chưa thực sự được quan tâm phát triển, nhiều khó khăn và thách thức. Vì sao Nam Phương lại đi theo marketing ngành y và lại chọn Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM là nơi gắn bó?
- Thạc sĩ Đỗ Thị Nam Phương: Ngay từ khi học đại học chuyên ngành thương mại, Nam Phương đã đi làm thêm, sớm có cơ hội làm tại một số công ty truyền thông, cảm thấy lĩnh vực này hay, tiềm năng và phù hợp với năng lực bản thân. Sau khi tốt nghiệp đại học, Nam Phương đăng ký học thạc sĩ chuyên sâu về lĩnh vực truyền thông, đặc biệt là theo xu hướng phát triển kỹ thuật số. Nam Phương quan niệm khi chọn một nghề, phải yêu nghề, đam mê, tìm hiểu, chuyên sâu thì mới có thể tiến bộ nhanh được. Nam Phương đã có cơ duyên làm truyền thông tại công ty quảng cáo, công ty bất động sản, phòng khám tư nhân, và làm truyền thông y tế tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM đến giờ, đến nay cũng đã hơn 15 năm trong lĩnh vực này.
Nam Phương còn nhớ những ngày đầu tiên chập chững với nghề truyền thông y tế, môi trường mới, với cảnh đông đúc quá tải của các phòng khám, phòng mổ lạnh toát, với những mảnh đời bất hạnh ốm đau, bệnh tật... Lạ lẫm là thế, áp lực, nhạy cảm là thế nhưng với đam mê, nhiệt huyết của mình, Nam Phương không ngại khó, nắm bắt thực tế để có thể viết những bài truyền thông chân thực và cảm xúc. Nam Phương cảm nhận được giá trị qua những bài viết, thước phim của mình sẽ làm cầu nối giữa bác sĩ và cộng đồng, người dân sẽ có thêm thông tin để bảo vệ sức khỏe, người bệnh có hoàn cảnh khó khăn sẽ được nhiều nhà hảo tâm giúp đỡ. Yếu tố này giúp Nam Phương giữ lửa yêu nghề và gắn bó đến tận bây giờ.
Tại UMC nói riêng và ngành y tế nói chung, công tác truyền thông - marketing có thể xem là một "mảnh đất màu mỡ", có thể thỏa sức "đào xới", sáng tạo. Ban Giám đốc UMC rất quan tâm và đầu tư cho công tác truyền thông. Càng làm, càng tích lũy nhiều kinh nghiệm, càng có nhiều mối quan hệ. Nam Phương và đội ngũ truyền thông bệnh viện càng làm, càng say mê. Mỗi thành viên đều nỗ lực "trồng cây" trên "mảnh đất màu mỡ" này để có được "quả ngọt" cho người bệnh, đội ngũ y bác sĩ và cộng đồng.
Trung tâm truyền thông UMC được thành lập vào năm 2020, khi đó Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM là đơn vị tiên phong đầu tư và chú trọng vào công tác truyền thông, đâu là động lực để Nam Phương có thể vượt qua những khó khăn trong giai đoạn này?
- Công tác truyền thông - marketing tại UMC gặp không ít khó khăn khi bệnh viện là một trong những cơ sở y tế đầu tiên chú trọng phát triển lĩnh vực này. Bên cạnh những thách thức của lĩnh vực truyền thông - marketing của ngành y tế nói chung, Nam Phương và các bạn ở trung tâm cũng đối mặt với không ít thách thức nói riêng của UMC. Đó là nguồn lực có hạn trong khi bệnh viện có đa khoa hoàn chỉnh, có quá nhiều sản phẩm, dịch vụ cần được truyền thông. Bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải đã tạo thách thức không nhỏ trong việc giải quyết nhu cầu thông tin và nắm bắt mong muốn của người bệnh, khách hàng. Số lượng nhân sự bệnh viện đông, đa dạng đối tượng nghề nghiệp đòi hỏi chú trọng nhiều truyền thông nội bộ để nhân viên hiểu, cùng chung mục tiêu.
Nam Phương luôn trăn trở: "Làm thế nào để truyền thông bệnh viện có thể phát triển với rất nhiều trở ngại khách quan như thế này?". May mắn được thầy PGS-TS-BS Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM hướng dẫn và chỉ bảo tận tình, trung tâm đã đi đúng hướng và không ngừng phát triển.
Thời gian qua, công tác Marketing của Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM đã gặt hái được rất nhiều "quả ngọt", Nam Phương có thể cho biết những thành tựu đáng nhớ?
- Năm 2016, nhận thấy sự bùng nổ của mạng xã hội với xu hướng truyền thông trên các nền tảng số, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM đã tiên phong xây dựng và đầu tư phát triển Fanpage. Trong bối cảnh nhiều thông tin y khoa trên mạng xã hội chưa được kiểm chứng, thậm chí gây hại cho sức khỏe cộng đồng, Fanpage bệnh viện đã nhanh chóng trở thành kênh cung cấp thông tin y khoa chính thống, uy tín với nhiều nội dung hữu ích và nhận được tích xanh.
Để tiếp cận số đông người dân một cách nhanh nhất, trung tâm tập trung phát triển và hoàn thiện đa kênh tương tác với người bệnh, kết hợp kênh truyền thông xã hội (Website, Facebook, YouTube, Zalo), truyền thông nội bộ (Website Điều hành tác nghiệp, hệ thống LCD, email, SMS) và gắn kết chặt chẽ với các cơ quan thông tấn báo chí tạo nên một hệ sinh thái truyền thông với đa dạng các hình thức truyền tải, ứng dụng nền tảng kỹ thuật số.
Niềm hân hoan và vui mừng khó tả khi Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM nhận được nút Bạc YouTube với hơn 130.000 lượt đăng ký, hơn 16 triệu lượt xem trên tổng cộng hơn 1.250 video. Đây có thể chỉ là một kết quả khiêm tốn so với rất nhiều nội dung về giải trí trên nền tảng này, nhưng riêng với nội dung về y tế, nút Bạc là trái ngọt cho nỗ lực bền bỉ của Trung tâm Truyền thông UMC.
Nam Phương có thể chia sẻ kinh nghiệm với các bạn trẻ đang trên con đường thực hiện công tác truyền thông marketing bệnh viện?
- Lĩnh vực truyền thông - marketing thay đổi rất nhanh chóng, đòi hỏi Nam Phương và các bạn phải luôn học hỏi, cập nhật và linh hoạt. Các bạn trẻ cần hiểu rõ về đơn vị mình làm, hiểu về khách hàng mục tiêu, tập trung mang đến nội dung, sản phẩm khách hàng cần, nghiên cứu thị trường để truyền thông định hướng đúng tâm lý khách hàng. Trong quá trình thực hiện, cũng cần xác định mục tiêu - nguồn lực và kiểm soát, đánh giá hiệu quả làm việc xứng đáng với mức độ đầu tư. Với nguồn lực nhân sự - tài chính - thời gian của mình, học cách "đứng trên vai người khổng lồ", tận dụng mọi nguồn lực, từ đó xác lập các công việc theo 2 thước đo quan trọng là có giá trị và cần thiết để ưu tiên thực hiện.
Cảm ơn Nam Phương về buổi trò chuyện này!
'Truyền thông luôn đi trước và đi sau'
Là câu nói của PGS-TS-BS Nguyễn Hoàng Bắc mà Nam Phương và các bạn Trung tâm Truyền thông UMC luôn ghi nhớ.
"Đi trước" là để dẫn dắt, đón đầu, định hướng dư luận theo hướng tích cực, phù hợp với định hướng phát triển của bệnh viện. Còn "đi sau" là truyền thông phải nói được những điều bệnh viện đã làm được, làm tốt. Truyền thông - marketing cần định vị sản phẩm và hướng đến giá trị thật - bền, chắc, lâu dài để bệnh viện luôn là nơi đáng tin cậy, để người bệnh "Biết - Tin - Dùng" các dịch vụ.
Bình luận (0)