Xen lẫn giữa không khí tết đoàn viên ở sân bay quốc tế Đà Nẵng để đón người thân từ Hàn Quốc trở về, tôi được biết câu chuyện của Hiền (một thạc sĩ... hụt) ngày ngày nén nỗi nhớ nhà để mưu sinh trả nợ ở xứ người.
Cầm bánh chưng mà nước mắt lưng tròng
Sinh ra trong gia đình có 4 anh em, sau 5 năm đèn sách, Nguyễn Công Hiền nhận tấm bằng kỹ sư chuyên ngành Xây dựng cầu đường tại một trường ĐH lớn ở miền Trung. Với hoài bão của tuổi trẻ cùng ước mơ xuất cảnh để đổi đời, gia đình Hiền vay mượn gần 200 triệu đồng để chàng thanh niên xuất ngoại đến Hàn Quốc để tiếp tục chương trình học.
Tuy nhiên, sau một năm học thạc sĩ tại xứ sở kim chi, mặc dù đã căng mình làm thêm kiếm tiền trang trải cuộc sống nhưng khoản nợ ở quê và tiền học phí khiến chàng kỹ sư không thể tiếp tục việc học…
Không thể trở về khi nợ nần chồng chất, Hiền cắn răng ở lại, tìm mọi cách đi lao động kiếm tiền. Dù xác định, đổi sức lao động của mình để kiếm tiền nhưng giấy phép lưu trú hết hạn nên đành sống với thân phận bất hợp pháp.
Chuỗi ngày nghiệt ngã bắt đầu, Hiền bán sức ở các công trình trên khắp đất nước Hàn Quốc. Hiền kể, từ ngày bước chân ra khỏi trường bắt đầu cuộc sống “cỏ” (giấy phép lưu trú hết hạn - PV) ở Hàn Quốc là chuỗi ngày dài với sự trốn chạy, tâm lý bất an.
“Ở đây, anh em sinh sống bất hợp pháp đa số đều gánh trên vai khoản nợ ở quê nhà hoặc là bất chấp mưu sinh trái phép để thay đổi cuộc sống gia đình. Đã có nhiều người bị cảnh sát bắt khi đang đi chợ, đang làm ở công trình…”, Hiền kể.
Cứ đến dịp tết đến xuân về, người dân Hàn Quốc cũng đón tết theo lịch âm, những ngày này không khí tết đã len khắp nơi, cũng là lúc những người con xa xứ lại nhớ về quê hương nhiều nhất.
Ngày mới đặt chân đến đất nước Hàn Quốc là sinh viên năm đầu nên Hiền được về thăm nhà dịp tết, đó cũng là cái tết đoàn viên quý giá với bản thân Hiền sau chuỗi hàng ngàn ngày tha phương ở xứ người.
Nhớ những đêm thức trắng cùng mẹ canh lửa cho nồi bánh chưng, cùng bố cắm cây nêu cao ngất trước cổng nhà… tất cả bây giờ chỉ còn lại trong ký ức đối với chàng trai 30 tuổi.
|
|
Hiền kể, còn nhớ năm đầu tiên không được về nhà dịp Tết, không dám lang thang ngoài phố hay đến nơi đông người, Hiền cùng những người chung cảnh ngộ chỉ dám đặt mua bánh chưng trực tuyến từ những cô dâu Việt ở Hàn Quốc.
“Cầm chiếc bánh chưng vuông, đẹp gói bằng lá chuối hẳn hoi khiến tôi nhớ mẹ, nhớ gia đình đến vô cùng, không kiềm được cảm xúc, nước mắt lưng tròng rồi chảy dài… Bên này đón giao thừa sớm hơn ở Việt Nam hai tiếng đồng hồ, nên chỉ dám gọi về nhà lúc đó nghĩa là lúc 22 giờ đêm giao thừa ở Việt Nam. Vì gọi về chúc tết ba mẹ đúng thời khắc thiêng liêng sợ không cầm được nước mắt”, Hiền nghẹn ngào.
Cũng theo lời Hiền, giờ đây thương nhớ gia đình chỉ biết nén trong lòng rồi gửi tiền về nhà để bố mẹ lo sắm sửa dịp tết, mẹ dắt 2 đứa em nhỏ đi sắm áo quần mới… cứ mỗi lần gọi về nhà, mẹ hỏi gì cũng chỉ dám trả lời: “Con vẫn ổn… cả nhà đừng lo”.
Những đám cưới chóng vánh
Khi được hỏi về sự chuẩn bị đón Tết của công nhân Việt Nam ở đất nước Hàn Quốc, Hiền cho biết 27 tháng Chạp, hàng chục công nhân người Việt Nam đã tập trung gói bánh chưng, những chiếc bánh chưng Việt ở đất nước Hàn Quốc này chứa đầy nỗi niềm nhớ quê hương. Sau khi bánh chưng được nấu chín, mọi người sẽ cùng nhau lập một mâm cổ, hương khói hướng về tổ tiên ông bà.
Theo lời Hiền, sau đêm giao thừa, những người đồng hương không thể trở về quê sẽ tự sưởi ấm nhau bằng việc đi chúc phúc đám cưới của những cặp uyên ương. Trong số các cặp đôi đó, có nhiều người sinh sống không hợp pháp vì nhiều lí do.
"Chúng tôi dành những ngày Tết để đi chúc phúc cho họ. Thế nhưng, lễ cưới diễn ra rất chóng vánh”, Hiền nói.
|
Kể về đám cưới nơi xứ người, những người con xa xứ này sẽ sắp xếp để cha mẹ, người thân có thể qua dự đám cưới bằng cách đăng ký tour du lịch. Đối với những cặp đôi không có điều kiện về kinh tế, họ sẽ nhờ họ hàng người Việt Nam sinh sống bên Hàn Quốc hoặc người hàng xóm lớn tuổi là người Hàn Quốc đứng ra làm chủ hôn.
"Thường thì mọi người là bạn bè, đồng hương sẽ sắp xếp công việc để nhất định phải đến dự đám cưới đông đủ nhằm bù đắp sự vắng mặt của gia đình. Đám cưới không cha mẹ, không tổ tiên. Hạnh phúc không trọn vẹn, có những giọt nước mắt đã rơi dài khi cầm trên tay ly rượu tạ ơn đấng sinh thành. Cả hôn trường cười nói nhưng mà buồn lắm", Hiền nghẹn ngào kể.
Bình luận (0)