Sự kiện này sẽ được đẩy đến đâu, định hướng người trẻ
điều gì về tinh thần thượng võ?
Hai trận đấu vừa kết thúc, kẻ thắng - người bại chóng vánh. Mặc họ tung hê nhau bằng nhiều mỹ từ, làng võ vẫn “nóng” đến khi vị lãnh đạo Liên đoàn Võ cổ truyền vô tư bảo: “Trình độ Pierre không có gì ghê gớm. VN có hàng chục cao thủ Vịnh Xuân có thể đánh bại cậu ấy nhanh chóng”. Thế là một số võ sư ta tiếp tục đăng đàn mời võ sư Tây tỉ thí phân cao thấp. Lại thách đấu.
Tinh thần thượng võ được hiểu là chuộng nghiệp võ, nghề võ với ứng xử thể hiện khí phách hào hiệp. Sâu sắc hơn, đó là sự học và hành đúng đắn những tinh hoa võ thuật và võ đạo, trong đó, võ đạo là yếu tố dẫn dắt. Tên môn phái thường có chữ đạo (do) gắn liền với hàm ý như thế; taekwondo, karatedo, judo… chẳng hạn.
Nguyên tắc dụng võ của vovinam - Việt võ đạo có 4 điểm: không thượng đài; không gây sự; không thử võ với người hoặc môn phái khác; học để tự vệ, đấu tranh cho lẽ phải. Tổ sư Morihei Ueshiba của môn phái aikido cả đời đúc kết: "Tập luyện võ nghệ với mục đích không phải để đánh bại kẻ khác mà ở chỗ thực hành lòng yêu mến trời đất trong chính bản thân mình"; theo đó, người tập võ chân chính thì không cao ngạo khoe khoang, chẳng thực hành võ công khi không cần thiết. Trong 20 điều răn môn đồ karatedo của tổ sư Funakoshi, điều thứ 20 là “luôn chín chắn khi dụng võ”. Theo “Thiếu Lâm thập điều giới ước” (10 quy định của võ phái Thiếu Lâm) thì môn sinh phải “có lòng từ bi sâu sắc, nhàn nhã quen với kỹ thuật; chỉ được sẵn sàng tự vệ, cấm tuyệt bừa bãi theo huyết khí riêng mà có hành động hiếu dũng ham đấu đá”. Chữ “đạo” đã ngấm sâu trong tâm thức các dân tộc Á Đông có nền võ học lâu đời, không hề cổ vũ cho việc đề cao cái tôi trong thách đấu, cả trên võ đài lẫn tỉ thí “chui” các kiểu. Thuật chỉ để giúp người ta biết võ; còn đạo mới đưa võ sinh đến tận cùng của cái biết võ mà hành võ, là chân lý để phấn đấu đạt đến.
Nhiều môn võ được đưa ra các giải thi đấu thể thao, tranh đua dưới góc độ đối kháng trực tiếp, được tổ chức nghiêm túc, nhân văn, chặt chẽ là chuyện bình thường lâu nay. Bất thường là những cuộc thách thức hơn thua phi võ đạo, phản thể thao và phạm pháp luật. Mặt khác, trong xu thế thương mại hóa, sự cạnh tranh võ học có khi được thể hiện bằng nhiều chiêu trò PR khó lường.
Giao lưu võ học không có nghĩa là vung tay múa chân, đá bồm bộp vào mặt nhau xem ai gục trước. Phải chăng đó là việc chia sẻ, đàm đạo, tìm hiểu lịch sử và nét tinh hoa của môn phái, xem môn sinh tập luyện và biểu diễn để hiểu biết và học hỏi lẫn nhau - nếu muốn? Liệu có thể chấp nhận các pha thử sức trên sàn gạch, trong nhà tường, rồi quay clip tung lên mạng mà gọi là giao lưu võ phái? Chắc chắn là không. Người trẻ học võ cũng sẽ nói không với kiểu cách phô diễn công phu lệch lạc đến vậy.
Bình luận (0)