"CÁI KHÓ LÓ CÁI KHÔN"
Lâu nay, làm ruộng và trồng cây ăn trái là nghề truyền thống của người dân ấp Long Sơn 2, xã Long Thạch, H.Phụng Hiệp (Hậu Giang). Người dân nơi đây ngại đổi mới, nếu có thay đổi chăng chỉ là chuyển cây trồng ít hiệu quả sang loại cây được kỳ vọng tiềm năng hơn.
Thế nhưng, một ngày nọ, chàng trai Lưu Thạch Sanh bỗng nảy ra ý tưởng đào ao, cắm chòi làm du lịch sinh thái trên vườn mít của gia đình. Sanh đã đưa mọi người đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác khi kéo chân khách du lịch về một nơi vùng sâu để vui chơi, giải trí và trải nghiệm cảm giác hòa mình cùng thiên nhiên.
Đưa chúng tôi tham quan farm (khu du lịch nông trại) rộng hơn 1 ha, Sanh cho biết mình là người đầu tiên làm du lịch sinh thái ở địa phương. Sanh kể trước đây học hướng dẫn viên du lịch tại Trường ĐH Cần Thơ, sau khi ra trường, anh có 2 năm làm hướng dẫn viên rồi chuyển sang làm công việc hoạt náo team building. Những công việc này giúp Sanh nhận ra du lịch miệt vườn miền Tây đang là xu hướng "hot" được nhiều người ưa chuộng. Từ đó, Sanh nghĩ vườn mít Thái ở quê anh cũng có thể phát triển nếu kết hợp du lịch như cách một số nơi ở Đồng Tháp khởi nghiệp với sen, Vĩnh Long với chôm chôm và Cần Thơ với những vườn cây ăn trái.
Trong 2 năm 2020 - 2021, khi dịch Covid-19 bùng phát, ngành du lịch đóng băng, Sanh về quê làm vườn cùng cha mẹ. Cái khó ló cái khôn, trong thời gian này Sanh suy nghĩ rất nhiều về việc làm thế nào cải tạo vườn trái cây của gia đình thành địa điểm du lịch sinh thái miệt vườn. "Cũng có một số người địa phương chẳng ai tin vào ý tưởng của tôi khi thấy khu vườn quá xa xôi để có thể phát triển du lịch. Đường sá chưa có, xe cộ muốn đi vào rất khó khăn. Liệu khách có chịu đi quãng đường dài chỉ để đến trải nghiệm ở farm của mình không", Sanh nhớ lại.
Tuy nhiên, dường như trong những bất lợi luôn tiềm ẩn điều thuận lợi. Một nơi càng đậm chất chân quê, mộc mạc tự nhiên, tách biệt với phố xá có khi lại là một không gian trải nghiệm thú vị đối với du khách. Điều quan trọng là để du khách thực sự hòa vào thiên nhiên, cuộc sống, văn hóa của người dân địa phương. "Nghĩ vậy nên tôi đã cố gắng thuyết phục gia đình tạo điều kiện cho tôi thực hiện phép thử", Sanh kể.
Bắt tay vào việc, Sanh thuê máy móc cải tạo một phần diện tích vườn cây. Mặt tiền khu vườn, anh trang trí các tiểu cảnh check-in, đào ao để khách tham gia các trò chơi dân gian; thiết kế không gian cho du khách trải nghiệm cắm trại, xung quanh là vó lưới và sàn nước vốn là những hình ảnh dân dã rặt miền Tây. Phía sau là vườn cây trái xanh mát, Sanh bắc thêm vài cây cầu khỉ và bố trí xuồng ba lá cho khách trải nghiệm chèo xuồng, check-in trên những mương nước trồng bông súng…
Khách đến vườn của Sanh còn có thể hái trái, cắm câu, bắt cá và tự chế biến những món ăn yêu thích tại chỗ. Đặc biệt, để khắc phục trở ngại về đường sá, đi lại, Sanh mở tour đưa rước khách bằng vỏ lãi.
Khi ngành du lịch mở cửa đón khách trở lại sau dịch Covid-19 cũng là lúc Sanh đã kịp thời hoàn thiện farm của mình. Những hình ảnh ấn tượng về Thạch Sanh farm xuất hiện và được quảng bá rộng rãi trên mạng xã hội. Lúc mới ra mắt vào mùa giáp tết năm 2022, lượng khách du lịch, giới trẻ đổ về Thạch Sanh farm đông bất ngờ. Nhờ đó, gia đình Sanh có thêm thu nhập gấp 2 - 3 lần so với trồng cây trái đơn thuần...
CÁI KHÓ CỦA THẠCH SANH
Khởi đầu suôn sẻ, nhưng theo Sanh, khởi nghiệp với du lịch sinh thái không dễ như ban đầu anh nghĩ. Vườn cây trái trĩu quả tạo không gian xanh là điều kiện cần, song chưa đủ để kéo chân du khách nếu không thường xuyên cập nhật, đổi mới địa điểm check-in, hình thức vui chơi và sự trải nghiệm. Sanh đã đi học hỏi thêm những trò chơi mới lạ, cách hoạt náo sinh động để tạo không khí vui vẻ cho du khách. Phía UBND H.Phụng Hiệp cũng thường xuyên tạo cơ hội để anh đi trao đổi kinh nghiệm mô hình du lịch sinh thái ở nhiều địa phương.
Ông Trương Văn Minh, phụ trách mảng văn hóa - xã hội xã Long Thạnh (H.Phụng Hiệp, Hậu Giang), cho biết Lưu Thạch Sanh là người có chí cầu tiến, dám nghĩ dám làm. Hướng khởi nghiệp của anh được địa phương quan tâm, ủng hộ. Nơi này là vùng sâu, nghề trồng mít bấp bênh vì giá cả thất thường, nên việc kết hợp du lịch sinh thái là cách làm được đánh giá triển vọng, tầm nhìn xa có khả năng phát triển du lịch cộng đồng. Phía tỉnh Hậu Giang cũng đã xuống tham khảo mô hình, xem xét đến việc làm đường, kéo điện qua Thạch Sanh farm nhằm góp phần giúp cho hướng khởi nghiệp của chàng trai có cái tên đầy cổ tích càng phát triển.
Tuy nhiên, cái khó của Sanh hiện nay là quỹ đất gia đình còn nhiều nhưng hạn chế về vốn đầu tư các hạng mục nâng cao chất lượng phục vụ du khách. Sanh tâm sự: "Lợi thế, tiềm năng của quê hương sẵn có. Ý tưởng mở rộng farm cũng đã có nhưng tôi chưa thể thực hiện được vì chưa tìm được nơi hỗ trợ vốn thích hợp. Hiện tại, tôi vẫn chỉ biết trông chờ vào đồng lương hướng dẫn viên du lịch để nâng cấp dần khu vườn của mình; đồng thời chờ đợi có thêm những chính sách thiết thực hơn đến với những mô hình khởi nghiệp trẻ như tôi đang thực hiện".
Bằng vốn nội sinh, Sanh đang đầu tư xây thêm dãy nhà phục vụ nhu cầu trải nghiệm qua đêm của du khách. Song, mong mỏi lớn nhất hiện giờ của chàng trai này, cũng như của hàng chục hộ dân ấp Long Sơn 2, là được chính quyền làm đường dân sinh chạy qua farm để việc đi lại được dễ dàng.
Bình luận (0)