Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng biên tập báo Thanh niên cho biết, cuối tháng 2.2022, Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tích hợp vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050; trong đó cho phép giảm 88.560 ha diện tích đất trồng lúa, trong tổng số diện tích 3,9 triệu. Đồng thời, tổ chức lại không gian sản xuất, phối hợp với phát triển đô thị và công nghiệp chế biến.
Tổng biên tập báo Thanh Niên Nguyễn Ngọc Toàn phát biểu tại Hội thảo |
ĐỘC LẬP |
Theo nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, được coi là "vựa lúa" của cả nước, thậm chí cả khu vực nên bất kể một giải pháp nào liên quan đến phát triển kinh tế vùng ĐBSCL cũng phải bắt đầu từ cây lúa. Thực tế, nhiều thập niên qua, ĐBSCL đã gánh và làm tròn trách nhiệm an ninh lương thực của mình, đặc biệt trong giai đoạn vừa qua, khi hạn hán, đại dịch Covid-19 cùng chiến sự Nga - Ukraine gây đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, đe dọa an ninh lương thực - thực phẩm ở nhiều quốc gia.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam không những đảm bảo đời sống cho hàng trăm triệu người dân trong nước mà còn thể hiện rõ vai trò và trách nhiệm của nước xuất khẩu lúa gạo hàng đầu thế giới thông qua việc đẩy mạnh cung ứng lúa gạo ra toàn cầu. ĐBSCL đóng vai trò lớn nhất, quan trọng nhất trong thành tựu đó. Điều đó cho thấy vai trò của hạt gạo là vô cùng quan trọng ở bất kỳ thời điểm nào, bất cứ quốc gia nào.
Đó là lý do từ cách đây 47 năm, cố thủ tướng Võ Văn Kiệt đã trăn trở làm thế nào có thể giải quyết bài toán lương thực của người dân bắt đầu từ vấn đề cây lúa cho vùng ĐBSCL.
Mặc dù vậy, thị trường lương thực - thực phẩm thế giới và trong nước đã có nhiều thay đổi. Nhu cầu về tinh bột giảm, yêu cầu về chất lượng tăng. Trong nước, biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan và nghiêm trọng đã tác động sâu sắc đến cơ cấu kinh tế nông nghiệp của các tỉnh miền Tây, đến sinh kế của người dân.
Toàn cảnh Hội thảo “Phát triển ĐBSCL, giải pháp từ cây lúa” đang diễn ra tại Đồng Tháp |
ĐỘC LẬP |
Bối cảnh đó đòi hỏi nông nghiệp ĐBSCL phải có sự chuyển đổi để thích ứng với tình hình mới. "Nhưng, chuyển đổi thế nào để phát huy lợi thế của cây lúa, thế mạnh hàng đầu của ĐBSCL; để các sản vật ở các địa phương bứt phá, mang lại nguồn lợi kinh tế cao cho bà con nông dân? Làm thế nào để thu hút vốn đầu tư vào vùng đồng bằng trù phú bậc nhất thế giới của Việt Nam?" - Nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn đặt vấn đề.
Tất cả những vấn đề đó đang được các chuyên gia nông nghiệp hàng đầu Việt Nam, gắn bó và hiểu rõ về ĐBSCL phân tích, hiến kế, đề xuất tại Hội thảo “Phát triển ĐBSCL, giải pháp từ cây lúa”.
Bình luận (0)