Chiều 25.10 (giờ VN), tại Điện Buckingham ở thủ đô London, vua Charles III đã chấp nhận cho bà Liz Truss từ chức và bổ nhiệm ông Sunak làm thủ tướng tiếp theo của Anh. Việc nước Anh xuất hiện vị thủ tướng trẻ nhất trong 200 năm và cũng là nhà lãnh đạo da màu đầu tiên diễn ra trong bối cảnh nước này đối mặt khủng hoảng kinh tế và chính trị sâu sắc.
Tân thủ tướng Anh Rishi Sunak |
Reuters |
Tập trung vào kinh tế
Trong bài phát biểu nhậm chức, ông Rishi Sunak nói đã có những sai sót trong cách thực hiện của chính quyền tiền nhiệm và nhiệm vụ của ông là sửa sai. "Tôi sẽ đặt sự ổn định kinh tế vào trung tâm trong chương trình làm việc của chính phủ", ông nói. Theo ông, sẽ có nhiều quyết định khó khăn trước những thách thức hiện tại nhưng ông cam kết sẽ không để lại nợ cho thế hệ kế tiếp, và sẽ đoàn kết đất nước bằng hành động.
"Chúng tôi có sự chuyên nghiệp và trách nhiệm ở mọi cấp độ", ông phát biểu và cho biết chính phủ mới sẽ xây dựng nền kinh tế tận dụng tối đa những cơ hội sau khi Anh rời EU. Tân thủ tướng cam kết kiểm soát biên giới, môi trường và hỗ trợ lực lượng vũ trang. "Tôi hoàn toàn hiểu được mọi việc khó khăn như thế nào và cần phải khôi phục lòng tin", The Guardian dẫn lời ông Sunak. Trong bài phát biểu, ông nhấn mạnh sẽ đặt nhu cầu của người dân lên trên chính trị.
Anh có thủ tướng da màu đầu tiên |
Nội các “trong mơ”
Theo Đài BBC, việc ông Sunak trở thành thủ tướng Anh được cho sẽ làm phức tạp hơn sự chia rẽ trong nội bộ đảng Bảo thủ cầm quyền. Bất chấp nhận được sự ủng hộ đông đảo của các nghị sĩ đảng Bảo thủ, ông Sunak là nhân vật gây tranh cãi sau quyết định từ chức bộ trưởng tài chính dưới thời chính quyền cựu Thủ tướng Boris Johnson hồi tháng 7. Dù vậy, cũng nhờ sự ủng hộ này, tân thủ tướng có thể tự do chọn lựa những ứng viên tốt nhất cho nội các, thay vì như bà Truss chỉ tập trung vào các ứng viên trung thành.
Hôm qua, Sky News dẫn lời ông James Cleverly, ngoại trưởng Anh dưới thời bà Truss, nhận định rằng ông Sunak sẽ xây dựng được chính quyền “trong mơ”, cho phép dẫn dắt nước Anh khỏi tứ bề khủng hoảng như hiện tại.
Dự kiến tân thủ tướng sẽ vẫn giữ ông Jeremy Hunt ở vị trí bộ trưởng tài chính, người đã có công ổn định các thị trường trong giai đoạn bất ổn dưới thời chính quyền bà Truss. Các nhà đầu tư sẽ theo dõi sát sao ngân sách kế tiếp mà chính quyền Sunak chuẩn bị công bố, nhằm đánh giá mức độ thành công mà bộ đôi Sunak và Hunt sẽ áp dụng để bù đắp khoảng thiếu hụt 40 tỉ bảng Anh cho tài chính công.
“Nếu chính phủ mới đưa ra các quy định tài khóa quá lỏng lẻo hoặc những chính sách khó đạt được, điều này sẽ không giúp gầy dựng lại niềm tin đang mất đi trong các nhà đầu tư”, Đài CNBC dẫn lời ông Ruth Gregory, nhà kinh tế học kỳ cựu của Hãng Capital Economics (trụ sở London).
Vua Charles III ngày 25.10 bổ nhiệm ông Rishi Sunak làmthủ tướng nước Anh |
Reuters |
“Bão” chực chờ
Trong khi ông Sunak được nhiều sự tín nhiệm hơn về khía cạnh xử lý tài khóa so với bà Truss, các nhà đầu tư cảnh báo rằng chính phủ mới có thể sẽ mất nhiều thời gian để giải quyết các vấn nạn kinh tế trên diện rộng của nước này. Anh hiện là nền kinh tế duy nhất trong nhóm G7 mà đến quý 2 năm nay vẫn chưa quay lại tỷ lệ tăng trưởng GDP như trước đại dịch Covid-19.
Trên thực tế, nền kinh tế Anh đã giảm 0,3% trong tháng 8, theo số liệu của Văn phòng Thống kê quốc gia. Một số ngân hàng, trong đó có Goldman Sachs (trụ sở tại New York, Mỹ), dự đoán Anh đang tiến vào giai đoạn suy thoái. Cùng lúc, Anh đối mặt việc thiếu hụt nguồn nhân lực và các cuộc biểu tình tiếp diễn trong lĩnh vực công nghiệp, giao thông và dịch vụ.
Ý KIẾN: Dấu mốc lịch sử
Giáo sư Tariq Modood, Trường Nghiên cứu quốc tế, xã hội học và chính trị, Đại học Bristol (Anh): Đảng Bảo thủ và chính phủ thời gian qua đã khiến nền kinh tế Anh lâm vào bờ vực của khủng hoảng. Việc ông Rishi Sunak nhận được đa số phiếu của các nghị sĩ Bảo thủ để trở thành thủ tướng sẽ giúp ổn định cả tình hình kinh tế lẫn chính trị, bởi ông vốn được biết đến là người có năng lực trong các chính sách về kinh tế trong thời kỳ đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, đất nước Anh hiện phải đối mặt nhiều vấn đề lớn và nghiêm trọng nên con đường phía trước sẽ không hề dễ dàng và có thể ảnh hưởng trực tiếp đến mức sống của hầu hết người dân.
Việc ông Sunak trở thành thủ tướng là bước ngoặt mang tính lịch sử khi một người không phải da trắng, mang gốc Ấn theo đạo Hindu lên cầm quyền. Dù vậy, vẫn còn những ngờ vực liệu rằng ông ấy có thể giành chiến thắng trong một cuộc tổng tuyển cử hay không.
Ông Sunder Katwala, Giám đốc tổ chức British Future (Anh): Đây là thời khắc lịch sử. Điều đó cho thấy vị trí lãnh đạo cao nhất trong chính phủ Anh là cơ hội mở cho tất cả mọi người ở mọi tín ngưỡng và nguồn gốc dân tộc. Đây có thể xem là niềm tự hào của nhiều người Anh gốc Á, kể cả những người không có cùng quan điểm chính trị với ông Sunak. Nó đặc biệt có ý nghĩa với thế hệ người di cư đầu tiên. Người dân Anh có thể giờ đây sẽ không quan tâm nhiều đến tín ngưỡng hay sắc tộc của thủ tướng mà họ sẽ đánh giá ông Sunak xem ông có thể chấn chỉnh sự hỗn loạn trên chính trường, sắp xếp lại tài chính công và khôi phục sự liêm chính chính trị hay không. Ông Sunak trở thành thủ tướng trong triều đại của Vua Charles III cũng sẽ là câu chuyện đáng chú ý về mặt xã hội. Việc ông Sunak tới số 10 phố Downing (văn phòng thủ tướng) không đồng nghĩa với việc Anh có chế độ nhân tài hoàn hảo. Mặc dù còn nhiều việc phải làm nhưng đây là một dấu hiệu đáng hy vọng về sự tiến bộ chống lại những định kiến trong quá khứ.
Ngọc Mai (thực hiện)
Trong khi đó, tỷ lệ lạm phát Anh quay lại mức cao kỷ lục trong vòng 40 năm, sau khi đạt 10,1% vào tháng 9, còn giá năng lượng tiếp tục tăng cao theo sau chiến sự Ukraine. “Anh sẽ đối mặt bão kinh tế”, Đài CNBC dẫn lời ông Nigel Green, Tổng giám đốc điều hành deVere Group (UAE).
Lãnh đạo các nước đồng minh của Anh đã nhanh chóng gửi lời chúc mừng đến vị thủ tướng trẻ tuổi. Tổng thống Mỹ Joe Biden gọi việc đảng Bảo thủ chọn ra lãnh đạo da màu là bước đi mang tính đột phá. Còn Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cam kết sẽ hợp tác với ông Sunak trong những vấn đề đầy thách thức của toàn cầu, theo Reuters. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chúc mừng tân Thủ tướng Anh và bày tỏ mong muốn cùng ông Sunak đối phó những thách thức chung. Trong khi đó, Điện Kremlin hôm qua cho biết Nga không thấy cơ sở nào để hy vọng có thay đổi tích cực về quan hệ với Anh trong tương lai gần.
Bình luận (0)