Thách thức chờ đón ông Putin

05/03/2012 11:37 GMT+7

(TNO) Ông Vladimir Putin đã chiến thắng khá dễ dàng trong cuộc bầu cử hôm 4.3 song nhiều thách thức đang chờ đợi ông trong chuyến trở về điện Kremlin.

(TNO) Ông Vladimir Putin đã chiến thắng khá dễ dàng trong cuộc bầu cử hôm 4.3 song nhiều thách thức đang chờ đợi ông trong chuyến trở về điện Kremlin.

Hiếm khi bị phe đối lập quấy rầy trong quãng thời gian nắm quyền trước đây, ông Putin đã choáng váng bởi các cuộc biểu tình lớn nổ ra sau cuộc bầu cử nghị viện vào tháng 12, theo AFP.


 Ông Vladimir Putin (trái) và Dmitry Medvedev ăn mừng chiến thắng - Ảnh: AFP

Trong khi ông Putin hân hoan với kết quả bỏ phiếu, thì thách thức đối với ông chỉ mới bắt đầu khi xã hội Nga đang thay đổi với tốc độ nhanh chóng như cách ông quay trở lại điện Kremlin.

Là cựu nhân viên KGB, người từng mô tả sự sụp đổ của Liên Xô là “thảm kịch địa chính trị lớn nhất thế kỷ 20”, ông Putin không tỏ ra bất cứ dấu hiệu nào cho thấy ông sẽ thay đổi phong cách lãnh đạo cứng rắn hoặc lập trường về việc nước Nga sẽ là một cường quốc vĩ đại và đáng sợ, theo AFP.

Ông Putin có thể chỉ ra những thành công lớn - một nền kinh tế khá ổn định đã xua đi cơn ác mộng tài chính mà nước Nga từng kinh qua hồi thập niên 1990 cũng như khơi gợi lại niềm tự hào quốc gia của những người Nga hoài cổ vẫn còn luyến tiếc thời Liên Xô.

Quá trình nắm quyền của Putin

Năm 2000: Được bầu làm tổng thống tại vòng một, chứng kiến thảm họa chìm tàu ngầm Kursk, sử dụng lại quốc ca Liên Xô với phần lời khác.

Năm 2003: Cuộc tổng tuyển cử cho phép các đồng minh của Putin kiểm soát nghị viện.

Năm 2004: Tái trúng cử vào tháng 2. Các cuộc tấn công nhắm vào dân thường ở Chechnya nổ ra với đỉnh điểm là vụ bắt cóc con tin ở Beslan.

Năm 2005: Tỉ phú giàu nhất nước Nga Mikhail Khodorkovsky bị tống giam vì tội trốn thuế.

Năm 2006: Nga ngừng cung cấp khí đốt cho Ukraine trong một thời gian ngắn vào tháng 1; St Petersburg tổ chức hội nghị G8.

Năm 2007: Putin so sánh chính sách ngoại giao của Mỹ với Đức Quốc xã và đe dọa hướng tên lửa về phía các nước châu u để phản ứng với kế hoạch lá chắn tên lửa của Mỹ.

Năm 2008: Putin trở thành thủ tướng sau khi Dmitry Medvedev chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 3.

Năm 2011: Putin thông báo sẽ ra tranh cử vào năm 2012 với Medvedev là người được chọn làm thủ tướng.

Năm 2012: Đắc cử nhiệm kỳ thứ ba.

 

 

Người ủng hộ ông Putin ca ngợi ông vì đã mang lại sự ổn định cho đất nước sau thập niên 1990 hỗn loạn, phục hồi nền kinh tế và bảo đảm để các giáo viên, bác sĩ và những viên chức nhà nước khác không còn phải sống dưới mức nghèo khổ, chủ yếu nhờ vào thu nhập từ dầu mỏ và khí đốt.

Song những người chỉ trích nói ông Putin đã khởi đầu một chế độ quan liêu, ban nhiều quyền hành không được giám sát cho các quan chức nhà nước để đổi lấy sự trung thành, dẫn đến tình trạng trì trệ chính trị và tham nhũng tăng vọt, theo RIA Novosti.

Cũng theo RIA Novosti, tầng lớp trung lưu phản đối kịch liệt Putin đã tổ chức các cuộc biểu tình lên đến hàng chục ngàn người sau khi đảng Nước Nga Thống nhất của ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử nghị viện vào tháng 12 năm ngoái, cáo buộc về gian lận bầu cử.

Hai nhiệm kỳ tổng thống trước đây của ông Putin đã chứng kiến vụ tống giam cựu tỉ phú giàu nhất nước Nga Mikhail Khodorkovsky trong vụ án được nhiều người xem là có động cơ chính trị.

Ông Putin bắt đầu sự nghiệp từ hàng ngũ sĩ quan cấp thấp của cơ quan tình báo KGB, phục vụ ở Đông Đức và chưa bao giờ đánh mất những nét đặc trưng của một sĩ quan tình báo mang đai đen Judo.

Ông vươn lên từ tòa thị chính ở thành phố quê hương Saint Petersburg trong thập niên 1980 dưới sự dẫn dắt của người cố vấn là thị trưởng lúc bấy giờ Anatoly Sobchak. Quá trình thăng tiến nhanh chóng của ông tiếp tục vào năm 1996 khi đặt chân vào hàng ngũ lãnh đạo ở điện Kremlin của Boris Yeltsin. Vào năm 1998, Putin là người đứng đầu Cục An ninh Liên bang (FSB), tổ chức kế thừa của KGB.

Vào tháng 8.1999, ông Yeltsin đã bổ nhiệm ông Putin làm thủ tướng và khi thời kỳ cầm quyền đầy bất ổn của Yeltsin chấm dứt với tuyên bố từ chức vào đêm giao thừa năm 1999, ông Putin được bổ nhiệm làm quyền tổng thống và đặt chân vào hàng ngũ những nhà lãnh đạo quyền lực nhất thế giới, theo RIA Novosti.

Ông đã chiến thắng trong bầu cử năm 2000 và củng cố quyền hành giữa lúc xảy ra cuộc chiến tranh lần thứ hai chống lại những kẻ ly khai ở Chechnya.

Ông Putin được vây quanh bởi một nhóm những đồng minh trung thành, nhiều người trong số đó nắm giữ vai trò chủ chốt tại những công ty năng lượng nhà nước khổng lồ, theo AFP.

Ngoài ra, còn có những “siloviki”, tức các nhân viên an ninh từng phục vụ tại KGB cũng như các cựu đồng nghiệp ở Saint Petersburg.

Là tổng thống từ năm 2000 đến 2008 trong hai nhiệm kỳ, ông Putin chứng kiến một thời kỳ thịnh vượng của kinh tế Nga và sau đó phục vụ bốn năm trên cương vị thủ tướng vì hiến pháp Nga không cho phép đảm đương chức tổng thống ba nhiệm kỳ liên tiếp.

Tuy nhiên, hầu hết các nhà quan sát tin rằng ông chưa bao giờ đánh mất quyền lực. Ông đã chọn người kế nhiệm là Dmitry Medvedev và người đồng hương Saint Petersburg đã ngay lập tức bổ nhiệm ông làm thủ tướng sau khi chiến thắng.

Trên trường quốc tế, ông Putin đứng về phía Washington trong cuộc chiến chống khủng bố, so sánh những kẻ ly khai Chechnya với al-Qaeda. Song ông cũng chống đối việc tấn công Iraq và khiến nước Mỹ nổi điên vì mời tổ chức Hamas đến Moscow để đàm phán sau khi nhóm này giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ở Palestine, theo BBC.

Dẫu vậy, vào năm ngoái, những lời bàn tàn về việc ông Putin mất đi sức thu hút đã xuất hiện. Ông bị đám đông la ó khi leo lên võ đài trao giải thưởng cho các võ sĩ.

Thêm vào đó, kế hoạch quay trở lại điện Kremlin của ông Putin được thông báo tại hội nghị của đảng cầm quyền vào tháng 9 đã mang lại cho nhiều người Nga cảm giác về một sự dàn dựng đằng sau hậu trường. Một số người cũng hoang mang với viễn cảnh chứng kiến thêm 12 năm cầm quyền của chính trị gia này. Dấu hiệu mệt mỏi đã xuất hiện trong một số cử tri muốn chứng kiến thêm nhiều thay đổi hơn nữa, theo RIA Novosti.

Theo luật, ông Putin có thể tái tranh cử nhiệm kỳ thứ tư trong năm 2018 mặc dù ông cho biết vẫn chưa quyết định về việc này.

Trong chiến dịch vận động bầu cử trước ngày 4.3, ông Putin đã cảnh báo việc can thiệp của nước ngoài vào những vấn đề nội bộ của đất nước và phát biểu về một “cuộc chiến của nước Nga”. Trong con mắt của những người chỉ trích, các tuyên bố tranh cử của ông Putin không có nhiều mới mẻ so với những năm cầm quyền trước đây, theo RIA Novosti.

Và khi ông chuẩn bị cho những thách thức của 6 năm cầm quyền trước mắt, câu hỏi đặt ra là ông sẽ đối phó như thế nào với làn sóng những tiếng nói đối lập mới xuất hiện tại nước Nga mà trước hết là những đe dọa tổ chức biểu tình phản đối kết quả bầu cử trong hôm nay, 5.3.

Sơn Duân

>> Ông Vladimir Putin chiến thắng trong nước mắt
>> Ông Putin khóc mừng chiến thắng
>> Ông Putin tuyên bố đắc cử tổng thống Nga
>> Nga thắt chặt an ninh ngày bầu cử
>> Ông Putin ra nhiều tuyên bố trước bầu cử
>> Anh có thể cấm ông Putin nhập cảnh
>> Khai mạc điểm bầu cử tổng thống Nga tại Nha Trang
>> Phá âm mưu ám sát Thủ tướng Nga Putin
>> Hơn 6.000 công dân Nga bầu Tổng thống tại... Phan Thiết
>> Đường về Kremlin của ông Putin
>> Ông Medvedev kêu gọi ủng hộ cải cách

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.