Thách thức chờ đón Tổng thống Trump
01/01/2019 07:34 GMT+7
Tổng thống Mỹ Donald Trump được dự báo sẽ tiếp tục đối diện nhiều thách thức trong năm 2019 sau khi vượt qua một năm 2018 đầy kịch tính.
Tự động phát
Trong năm 2018, Tổng thống Donald Trump bước vào năm thứ hai cầm quyền đầy sôi động với những sự kiện ảnh hưởng tới bối cảnh an ninh, chính trị và thương mại của khu vực lẫn thế giới. Không còn sự thận trọng, dè dặt trong năm đầu tiên, chủ nhân Nhà Trắng có nhiều bước đi quyết liệt hơn và khẳng định được dấu ấn của mình trong các chính sách an ninh, kinh tế và đối ngoại. Tuy nhiên, giới quan sát dự báo thách thức còn lớn hơn sẽ bủa vây nhà lãnh đạo trong năm 2019.
Chiến đấu nhiều mặt trận
Một năm qua, Tổng thống Trump khơi mào hàng loạt cuộc chiến cả trong lẫn ngoài nước và trên nhiều lĩnh vực. Trong nước, ông công kích Chánh án Tòa án tối cao John Roberts về việc tòa liên bang liên tục có phán quyết chống lại chính sách nhập cư của mình. Ông công khai chỉ trích Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions vì rút lui trong cuộc điều tra nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ. Tổng thống còn lên án Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell vì liên tục tăng lãi suất, gây chiến với quốc hội về vấn đề xây tường rào ngăn người nhập cư trái phép ở biên giới với Mexico. Mâu thuẫn đẩy lên cao khiến chính phủ Mỹ phải đóng cửa 3 lần năm 2018 và vẫn đang trong tình trạng hoạt động cầm chừng vì các bên không thông qua được dự luật ngân sách chi tiêu cho chính phủ.
[VIDEO] 2018: Thêm một năm "giông bão" cho Tổng thống Trump
|
Bên ngoài, Tổng thống Trump công kích các thành viên NATO khác vì đóng góp quá ít cho chi phí phòng thủ chung của khối, gây sức ép để Hàn Quốc phải đàm phán lại chi phí cho lực lượng Mỹ đồn trú nước này. Ông khởi động cuộc chiến thương mại quy mô lớn lên các đối thủ cạnh tranh lẫn những đồng minh lâu năm của Mỹ như châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ, đội ngũ cố vấn kinh tế đã phần nào kiềm chế Tổng thống Trump thực hiện chính sách bảo hộ cứng rắn mà ông cam kết lúc tranh cử. Tuy nhiên, những biến động nhân sự trong Nhà Trắng, đặc biệt là sự trỗi dậy của phe “diều hâu” có ảnh hưởng lớn đến chính sách thuế của Mỹ trong năm 2018 nhằm “ngăn chặn các đối tác trục lợi trong quan hệ thương mại” với Washington, theo tờ The Canberra Times.
Vào tháng 3, Tổng thống Trump ra lệnh đánh thuế nhập khẩu nhôm và thép từ nước ngoài với lý do bảo vệ an ninh quốc gia. Hành động này khiến Mỹ nhận đòn đáp trả khi các nước mục tiêu đánh thuế lên nhiều sản phẩm nhập từ Mỹ như đậu nành, thịt heo, rượu, xe hơi và chủ yếu nhắm vào lớp cử tri ủng hộ Tổng thống Trump. Đến tháng 7, Nhà Trắng tung đòn mạnh khi trực diện áp đặt mức thuế 25% đối với 34 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, mở đầu cho cuộc “thương chiến” căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Đến cuối năm, khi Trung Quốc đã “hết bài” để phản đòn thì hai bên đồng ý tạm “đình chiến” và ra thời hạn đến tháng 3.2019 để chốt thỏa thuận thương mại mới. Chính quyền Washington cũng cứng rắn hơn với các tập đoàn Trung Quốc như Huawei và ZTE, và cao trào là vụ yêu cầu Canada bắt giữ Phó chủ tịch Huawei Mạnh Vãn Chu.
Về tình hình an ninh châu Á - Thái Bình Dương, Tổng thống Trump tiếp tục cùng các đồng minh đẩy mạnh chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Trong năm 2018, Mỹ triển khai nhiều tàu chiến áp sát các đảo nhân tạo phi pháp trên Biển Đông, điều động oanh tạc cơ chiến lược đi qua khu vực và cho tàu thăm cảng các đối tác, đồng minh. Nhiều quan chức cấp cao, trong đó có Phó tổng thống Mike Pence, thay Tổng thống Trump đưa ra những phát biểu mạnh mẽ nhằm thẳng vào hành động quân sự hóa phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.
Những quyết sách cứng rắn
Cho đến nay, chưa thể kết luận được những quyết sách của Tổng thống Trump trong năm qua có thành công hay không nhưng ít ra, nhà lãnh đạo cũng thực hiện được một số cam kết trong quá trình tranh cử. Vào tháng 5, ông rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và dời Đại sứ quán Mỹ tại Israel từ Tel Aviv về Jerusalem. Những hành động này bị các đối thủ chỉ trích kịch liệt và khiến quan hệ giữa Mỹ và một số đồng minh thêm xa cách.
Trong tháng 6, chủ nhân Nhà Trắng tạo ra dấu ấn có thể nói là lớn nhất về đối ngoại và an ninh khi có cuộc gặp lịch sử với lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore, mở ra hy vọng mới về hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên sau hàng chục năm căng thẳng. Một tháng sau, Tổng thống Trump tiếp tục có cuộc gặp quan trọng khác với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Phần Lan. Đến cuối năm, chủ nhân Nhà Trắng lại gây bất ngờ khi thông báo quyết định rút toàn bộ lính Mỹ khỏi Syria, bất chấp tranh cãi từ các đồng minh và giới nghị sĩ.
Bên cạnh đó, một thành công khó có thể phủ nhận là kinh tế Mỹ đã tiến triển tích cực trong năm 2018 dù thời điểm cuối năm có phần trục trặc vì căng thẳng thương mại với Trung Quốc, biến động nhân sự trong chính quyền và tình trạng chính phủ đóng cửa một phần. Theo CNN, tỷ lệ thất nghiệp giảm còn 3,7%, thấp nhất trong gần nửa thế kỷ qua, trong khi tăng trưởng kinh tế vẫn giữ ổn định ở mức 3,5%. Cũng trong năm nay, Tổng thống Trump tuyên bố thắng lợi lớn khi đàm phán và ký kết hiệp định thương mại mới với Canada và Mexico, thay thế cho Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) sau một thời gian dài chỉ trích đây là thỏa thuận “tồi tệ nhất mọi thời đại”.
Sóng gió chực chờ
Thất bại lớn nhất của vị tổng thống đảng Cộng hòa trong năm 2018 có lẽ là cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ hồi tháng 11 khi đảng Dân chủ giành lại quyền kiểm soát Hạ viện và sẽ chính thức tiếp quản vào ngày 3.1.2019. Một số nhà quan sát cho rằng đây sẽ là khởi đầu cho năm 2019 không yên ổn trên chính trường Mỹ khi mà phe Dân chủ phản đối gần như mọi chính sách của Tổng thống Trump, đồng thời xem xét khả năng điều tra, luận tội chủ nhân Nhà Trắng về nhiều cáo buộc, theo Đài NPR. Trong đó, đảng này sẽ tiếp tục tập trung vào cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller về nghi án Nga thông đồng với chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump, vốn đã khiến nhiều cựu cố vấn bị truy tố. Đáng chú ý là việc cựu luật sư Michael Cohen của tổng thống bị kết án 3 năm tù vì một số tội danh, bao gồm tội vi phạm luật tài chính trong tranh cử khi chi tiền “bịt miệng” 2 người phụ nữ tố cáo có quan hệ tình ái với chủ nhân Nhà Trắng ngay trước cuộc bầu cử năm 2016.
Mặt khác, trong năm 2019, Tổng thống Trump sẽ tiếp tục thi hành những chính sách đối ngoại và an ninh quan trọng như chuẩn bị rút Mỹ khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) với Nga, chốt lại hoặc tiếp tục đẩy mạnh cuộc chiến thương mại gay cấn với Trung Quốc, đồng thời làm nóng lại cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Đây là những bước chuẩn bị quan trọng để ông bước vào chiến dịch tái tranh cử vào năm 2020.
Bình luận (0)