Phát biểu tại hội thảo "Cơ hội và thách thức trong bối cảnh mới: Doanh nghiệp phải làm gì?" diễn ra ngày 18.10, tại Hà Nội, TS Nguyễn Anh Tuấn, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), đánh giá Việt Nam đang bước vào một kỷ nguyên phát triển mới với những cơ hội chưa từng có để vươn mình.
Tuy nhiên, đi kèm với đó là những khó khăn, thách thức nghiệt ngã chưa từng thấy, do những biến động dữ dội của địa chính trị và kinh tế thế giới, những rủi ro về biến đổi khí hậu. Cạnh đó là những đòi hỏi bức bách về chuyển đổi xanh, chuyển đổi số từ những yếu kém nội tại và những bất cập về cơ chế chính sách.
"Biến đổi khí hậu không còn là lời cảnh báo, thiên tai bão lũ diễn ra dồn dập tàn phá nhiều vùng đất trên thế giới, đòi hỏi các quốc gia phải hành động quyết liệt hơn để bảo vệ trái đất. Các đòi hỏi về chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn nhằm giảm khí thải nhà kính đang trở nên gay gắt hơn bao giờ hết", ông Tuấn nhấn mạnh.
Ở trong nước, đà phục hồi và tăng trưởng nhanh của nền kinh tế đang mở ra những cơ hội mới cho hoạt động đầu tư, kinh doanh. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ KH-ĐT), GDP quý 3 của nước ta tăng 7,4%, tính chung 3 quý đầu năm tăng 6,82%. Chính phủ đang phấn đấu đạt mức tăng trưởng 7% trong năm 2024, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng 5,05% của năm 2023.
Xuất khẩu và dòng vốn FDI tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng cao. Tuy nhiên, hơn 70% kim ngạch xuất khẩu vẫn thuộc về khu vực FDI, sự kết nối giữa FDI với doanh nghiệp trong nước và giữa các tập đoàn lớn của Việt Nam với doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn lỏng lẻo…
Phân tích nhiều cơ hội và thách thức đối với thương mại và đầu tư Việt Nam hiện nay, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, cơ hội thể hiện ở chỗ, Việt Nam có môi trường vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế khá cao, lạm phát được kiểm soát…
Cạnh đó, Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng với 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 8 quốc gia hàng đầu thế giới, vị trí địa lý thuận lợi.
Đáng chú ý, Việt Nam cũng đã bắt nhịp xu hướng phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng của thế giới. Tốc độ tăng trưởng kinh tế số cao trong khu vực ASEAN 20%/năm giai đoạn 2025 - 2030; quy mô kinh tế số, kinh tế xanh được quan tâm phát triển…
Dù vậy, theo ông Lực, mô hình tăng trưởng của Việt Nam chưa có nhiều đổi mới. "Nhu cầu vốn đầu tư lớn trong khi nguồn lực hạn chế. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam cần tới 368 tỉ USD trong 2022 - 2040 (6,8% GDP/năm) để phát triển kinh tế xanh, hướng giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050…
Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Thể chế và nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế số, nhất là trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi xanh… còn nhiều hạn chế.
Cần hoàn thiện khung chính sách phát triển kinh tế xanh
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Thanh Hải, thế giới đang thay đổi mạnh mẽ thông qua 2 xu hướng phát triển toàn cầu là chuyển đổi xanh và chuyển đổi số. Quá trình chuyển đổi xanh song song với chuyển đổi số này được Ủy ban châu Âu gọi là "chuyển đổi kép".
Việt Nam không thể phát triển nằm ngoài xu hướng "chuyển đổi kép" toàn cầu, đặc biệt là chuyển đổi xanh này.
Việt nam là nước có quy mô và tỷ trọng xuất khẩu trên GDP rất cao (năm 2023 là 355,5 tỉ USD và 82,7% GDP). Xuất khẩu là động lực phát triển quan trọng của đất nước, khi tăng trưởng 9 tháng năm 2024 đã đạt gần 300 tỉ USD và tăng tới 15,4% so cùng kỳ 2023, góp phần tăng GDP dự kiến đạt 7% năm 2024.
"Thị trường thương mại toàn cầu sẽ đạt quy mô 2.500 tỉ USD hàng hóa xanh vào năm 2050. Đây là cơ hội lớn cho cả xuất khẩu và nhập khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam", ông Hải nhấn mạnh.
Vị chuyên gia thông tin thêm, hiện nay có 35 nước và cộng đồng kinh tế khu vực như EU, ASEAN đã và đang chuẩn bị ban hành phân loại xanh làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách chuyển đổi xanh, trong đó có chính sách nhập khẩu.
Trong 6 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, EU đã ban hành Phân loại xanh (EU Taxonomy) từ tháng 6.2020, thiết lập Thị trường giao dịch carbon (ETS) từ năm 2012 và áp dụng Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon bắt đầu từ ngày 1.10.2023 (CBAM).
Từ những phân tích trên, ông Hải đề xuất các doanh nghiệp Việt nói chung, đặc biệt là doanh nghiệp muốn tận dụng tốt cơ hội xuất khẩu nói riêng, cần có kế hoạch chuyển đổi xanh phù hợp, áp dụng các công nghệ và thực hành phát thải thấp; huy động nguồn tài chính xanh phù hợp; đầu tư vào nghiên cứu và đổi mới…
Ông Lực kiến nghị thời gian tới, Chính phủ, bộ, ngành cần hoàn thiện khung chính sách cho phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và các mô hình kinh doanh mới.
Cạnh đó, quan tâm phát triển thị trường tài chính, nhất là thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường cổ phiếu, quỹ đầu tư, thị trường vốn đầu tư mạo hiểm; thị trường phái sinh và thị trường tín chỉ carbon.
"Cần có cơ chế, chính sách để thu hút nguồn vốn cả Nhà nước và tư nhân cho đầu tư phát triển kinh tế số, kinh tế xanh và tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng, ví dụ như việc thành lập quỹ tăng trưởng xanh…", ông Lực nhấn mạnh.
Bình luận (0)