Thách thức hai bờ eo biển Đài Loan

14/01/2019 08:00 GMT+7

Giới phân tích nhận định thông điệp về Đài Loan của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể dẫn mối quan hệ tay ba Đài - Trung - Mỹ vào thời kỳ căng thẳng.

Trong bài phát biểu đầu năm, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi Đài Loan bắt đầu đàm phán về tái thống nhất nhằm chấm dứt nhiều thập niên thù địch, theo tờ South China Morning Post (SCMP). Ông Tập nhấn mạnh Đài Loan phải được thống nhất với Trung Quốc theo mô hình “một quốc gia hai chế độ” tương tự Hồng Kông và Macau. Mặt khác, ông Tập cũng khẳng định sẽ không từ bỏ lựa chọn sử dụng vũ lực để chống lại “các lực lượng đòi độc lập” ở Đài Loan và “sự can thiệp của lực lượng bên ngoài”, vốn được cho là ám chỉ Mỹ. Tuy nhiên, đề xuất đàm phán thống nhất gặp phải sự phản đối kịch liệt ở Đài Loan, theo SCMP. Lãnh đạo Thái Anh Văn nhanh chóng cáo buộc Bắc Kinh gây tổn hại quá trình dân chủ và kêu gọi ông Tập tôn trọng sự tồn tại của vùng lãnh thổ này. Ngoài ra, khi được yêu cầu bình luận về phát biểu của ông Tập, phát ngôn viên Viện Mỹ tại Đài Loan (AIT) Amanda Mansour nhấn mạnh Mỹ có lợi ích trong sự ổn định và hòa bình ở hai bên bờ eo biển Đài Loan, theo Hãng tin CNA.
Với phát biểu của ông Tập, phản ứng từ bà Thái và bình luận của AIT, giới phân tích dự đoán căng thẳng có thể leo thang trong vài tháng tới vì Đài Bắc nhiều khả năng tiến tới gần gũi hơn với Washington, nhờ hỗ trợ chống lại chiến dịch gây sức ép từ Bắc Kinh. Các chuyên gia còn cho rằng giới lãnh đạo ở Đài Bắc và Washington có thể sẽ thể hiện lập trường cứng rắn hơn đối với Bắc Kinh trước các cuộc bầu cử lãnh đạo Đài Loan và tổng thống Mỹ trong năm 2020, theo SCMP. Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thượng Hải về Đài Loan Du Tân Thiên cảnh báo về những thách thức nghiêm trọng phía trước đối với quan hệ 3 bên Mỹ - Trung - Đài. “12 tháng tới sẽ là khoảng thời gian không chắc chắn trong quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan vì cả Mỹ và Đài Loan đều có cuộc bầu cử quan trọng trong năm 2020. Tôi không lạc quan chút nào về quan hệ Mỹ - Trung cũng như giữa hai bờ eo biển, vốn không thể có sự cải thiện đáng kể”, bà Du nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Giáo sư Chu Chí Quần, Giám đốc Viện Nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Bucknell (Mỹ) cho rằng ngoài việc gửi thông điệp rõ ràng tới lãnh đạo Thái và đảng Dân tiến cầm quyền của bà này, phát biểu của ông Tập cũng được xem là lời cảnh báo đối với Washington. “Mục tiêu thứ hai rất có thể là Mỹ, đặc biệt kể từ khi Tổng thống Donald Trump ký ban hành nhiều dự luật ủng hộ Đài Loan trong năm 2018, bao gồm Đạo luật đi lại Đài Loan và Đạo luật sáng kiến trấn an châu Á (ARIA)”, ông Chu nói rõ. ARIA tái khẳng định sự ủng hộ chính trị của Washington đối với Đài Loan, bao gồm tăng cường các cuộc trao đổi chính thức và bán vũ khí. Vì vậy, Bắc Kinh cực lực phản đối ARIA, cáo buộc Washington vi phạm chính sách “một Trung Quốc” và can thiệp nội bộ nước này.
Cũng bình luận về vấn đề này, bà Du cho rằng đứng từ quan điểm của Trung Quốc, ARIA đã tiết lộ chiến lược của Washington là dùng lá bài Đài Loan trong cuộc cạnh tranh sức mạnh với Bắc Kinh và can thiệp vào quan hệ Đài - Trung. Nhà nghiên cứu Arthur Ding tại Viện Nghiên cứu an ninh và chính sách phát triển ở Thụy Điển thì nhận định ARIA thể hiện quyết tâm của Washington không chỉ làm cho Đài Loan trở thành một trong những đồng minh của mình ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà còn duy trì quan hệ gần gũi với Đài Loan. Ông Ding cho rằng căng thẳng Mỹ - Trung sẽ tiếp tục leo thang nếu quan hệ Đài - Mỹ ngày càng tốt đẹp.
Đô đốc Mỹ thăm Trung Quốc
Ngày 13.1, Tham mưu trưởng hải quân Mỹ John Richardson bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc 4 ngày, trong lúc hai nước tìm cách giảm nguy cơ đối đầu quân sự, theo AFP. Ông Richardson sẽ đến Bắc Kinh và thành phố Nam Kinh, gặp tư lệnh hải quân Trung Quốc Thẩm Kim Long. Mục tiêu của chuyến thăm là tiếp tục các cuộc đối thoại quân sự tập trung giảm nguy cơ đụng độ giữa hai bên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.