Thách thức hậu bầu cử Myanmar

09/11/2015 07:59 GMT+7

Chính trị gia đối lập Aung San Suu Kyi được cho là sẽ chiến thắng trong cuộc bầu cử ở Myanmar ngày 8.11, nhưng thách thức chờ bà vô cùng to lớn.

Chính trị gia đối lập Aung San Suu Kyi được cho là sẽ chiến thắng trong cuộc bầu cử ở Myanmar ngày 8.11, nhưng thách thức chờ bà vô cùng to lớn.

Cử tri xếp hàng chờ bỏ phiếu tại một điểm bầu cử thuộc Mandalay, thành phố lớn thứ hai của Myanmar - Ảnh: ReutersCử tri xếp hàng chờ bỏ phiếu tại một điểm bầu cử thuộc Mandalay, thành phố lớn thứ hai của Myanmar - Ảnh: Reuters
Xuất hiện tại phòng phiếu ở quận Bahan, cố đô Yangon sáng qua 8.11, bà Suu Kyi - lãnh đạo đảng NLD - lặng lẽ bỏ phiếu rồi đi về mà không mỉm cười hay vẫy chào như mọi khi. Bình luận về thái độ này, nhà báo Zeya Thu nói với Thanh Niên: “Áp lực bầu cử đấy. Bà ấy đánh cược mọi thứ vào cuộc này mà”.
Vị Phó tổng biên tập tạp chí The Voice Weekly (Myanmar) cũng cho rằng phát biểu có phần ngạo mạn là sẽ “đứng trên tổng thống” nếu NLD thắng cử của bà Suu Kyi hôm 5.11 không khiến bà mất phiếu, dù đảng cầm quyền USDP cực lực chỉ trích, gọi đó là “ý đồ vi hiến”.
Lần đầu tiên trong vòng 1/4 thế kỷ, người dân Myanmar nô nức đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử được cho là đầy đủ, tự do và công bằng nhất.
Hơn 6.000 ứng viên từ 92 chính đảng và hơn 300 ứng viên tự do tham gia cuộc đua lần này. Quá trình bỏ phiếu diễn ra khá suôn sẻ tại 40.000 phòng phiếu, dưới sự giám sát của hàng ngàn quan sát viên quốc tế và địa phương. Có 5/330 quận trong cả nước không thể tổ chức bỏ phiếu do vấn đề an ninh. Tổng thống Thein Sein cùng phu nhân bỏ phiếu ở thủ đô Naypyitaw và ông khẳng định USDP lẫn quân đội sẽ tôn trọng kết quả bầu cử.
Tuy bà Suu Kyi nhận được sự ủng hộ lớn trong dân chúng lẫn quốc tế nhưng theo nhà báo Zeya Thu, bà chỉ chắc thắng ở các thành phố lớn. Còn với cử tri ở các vùng xa xôi, bên cạnh nguyện vọng được đại diện bởi nghị viên cùng sắc tộc thiểu số, bà Suu Kyi quá xa cách. Người dân bang Kachin đã vô cùng thất vọng khi bà trả lời họ trong lúc đến vận động tranh cử rằng bà không biết chi tiết về dự án đập thủy điện Myitsone.
Dự án 3,6 tỉ USD do Trung Quốc đầu tư này đã gây khốn đốn cho cư dân và hủy hoại môi trường nơi đây nên hiện bị chính quyền Tổng thống Thein Sein đình chỉ. Bà Suu Kyi cũng bị chỉ trích khi “im lặng đáng sợ” trước cuộc khủng hoảng liên quan đến hơn 1 triệu người sắc tộc Rohingya theo Hồi giáo.
Vậy nên, dù có thể giành nhiều phiếu nhất, nhưng khả năng NLD thắng hơn 332 ghế quốc hội để có thể tự thành lập chính phủ được cho là thấp. Quốc hội lưỡng viện Myanmar có cả thảy 664 ghế, nhưng 25% số ghế mặc nhiên dành cho các tướng lĩnh quân đội mà không qua tranh cử. Khả năng gần như chắc chắn là NLD phải liên minh với các đảng thiểu số để nắm vai trò lãnh đạo. Nhưng cũng không loại trừ khả năng USDP với lợi thế có thêm 25% số ghế mặc định sẽ lập liên minh để tiếp tục nắm quyền.
Thách thức
Theo hiến pháp Myanmar, bà Suu Kyi không thể làm tổng thống do có chồng con mang quốc tịch nước ngoài. Giới quan sát đánh giá việc bà có thể lập được chính phủ, chỉ định một tổng thống và “đứng trên tổng thống” như tuyên bố sẽ không khó bằng việc lãnh đạo Myanmar đi đến thành công như người dân mong đợi.
Trong khi kết quả bầu cử dự kiến sẽ có sớm nhất là trong hôm nay 9.11 tại các thành phố lớn, nhà báo Zeya Thu chỉ ra một loạt thách thức chờ bà Suu Kyi. Trước hết, chính quyền dân sự của bà sẽ ở thế đối đầu với quân đội, vốn nắm quyền bổ nhiệm bộ trưởng 3 bộ quan trọng là quốc phòng, nội vụ và các vấn đề biên giới cũng như quyền chuẩn thuận việc sửa đổi hiến pháp.
Giữa lúc một loạt nhóm vũ trang đang hoạt động tích cực, tình trạng đòi tự trị ngày càng tăng, nạn tham nhũng và cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước bên ngoài trên đất Myanmar ngày càng lớn, ông Zeya Thu lo sợ nguy cơ nước này rơi vào tình trạng tương tự hồi thập niên 1950. Khi đó, sự can thiệp trực tiếp của Mỹ và Trung Quốc, cạnh tranh chính trị trong nội bộ đảng cầm quyền và nội chiến suýt hủy diệt quốc gia này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.