Thách thức làm phim về nhân vật có thật

31/03/2020 05:37 GMT+7

Phim về các nhân vật có thật được dự đoán là xu hướng trong tương lai gần của điện ảnh Việt. Hiện nhiều hãng trong nước đang sản xuất nhiều bộ phim đi theo hướng này như Phượng Khấu, Em và Trịnh, Trưng Vương...

điện ảnh thế giới, dạng phim tiểu sử nhân vật nổi tiếng, các huyền thoại trong lịch sử, âm nhạc, văn học... được xem là một “mỏ vàng” để các nhà làm phim thỏa sức khai thác. Tuy nhiên, ở Việt Nam, trước nay không nhiều nhà sản xuất mạnh dạn đầu tư cho thể loại này và số lượng phim về nhân vật có thật chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Hầu hết các bộ phim đã thực hiện chỉ khai thác nhân vật lịch sử để làm nổi bật bối cảnh lịch sử hơn là một bộ phim tiểu sử nhân vật đúng nghĩa, như: Long thành cầm giả ca, Tây Sơn hào kiệt; hoặc các phim truyền hình như Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long..., hoặc phát triển bộ phim dựa trên cảm hứng, câu chuyện về các nhân vật có thật như Ván bài lật ngửa, Người đẹp Tây Đô...
Gần đây, có thêm các bộ phim về những người nổi tiếng do họ có điều kiện bỏ tiền làm phim về chính mình, như Vòng eo 56 với nguyên mẫu là cuộc đời người mẫu Ngọc Trinh, Sắc đẹp dối trá với một phần đời của Hoa hậu chuyển giới Hương Giang...
Sắp tới, một loạt dự án về nhân vật có thật sẽ được triển khai: Em và Trịnh nói về cuộc đời của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn do đạo diễn Phan Gia Nhật Linh và Nguyễn Quang Dũng dàn dựng; phim Trưng Vương về Hai Bà Trưng do Trương Ngọc Ánh đầu tư sản xuất.
Các phim đang trong dự tính sẽ thực hiện có phim về cuộc đời của hai diễn viên xiếc Quốc Cơ - Quốc Nghiệp, phim về cuộc đời của nghệ sĩ Quyền Linh và hành trình từ một anh thanh niên bốc vác, phụ hồ, phụ quán... cho đến khi thành danh trong nghệ thuật, san sẻ với những mảnh đời cơ cực...
Thách thức làm phim về nhân vật có thật1

Phim Em và Trịnh đang chọn diễn viên vào vai nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Kịch bản, bối cảnh, diễn viên chính bị “soi”

Việc làm phim tiểu sử luôn là thách thức không hề nhỏ đối với các đạo diễn và nhà sản xuất khi phim luôn gây ra tranh cãi trong công chúng dù chưa chiếu hay đang lên sóng. Từ việc tập hợp tư liệu, lên ý tưởng kịch bản, bối cảnh, đạo cụ cho đến các công tác hậu kỳ đều đòi hỏi sự chỉn chu.

Tranh luận trái chiều luôn song hành với các tác phẩm nghệ thuật, nhất là phim về các nhân vật có thật

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng

Khó khăn nhất là ở khâu tìm kiếm diễn viên sao cho phù hợp với ngoại hình nhân vật có thật, khán giả thường so sánh nhân vật trên phim với nguyên mẫu. Trong phim Phượng Khấu đang phát sóng, NSƯT Thành Lộc bị khán giả cho là không phù hợp nhân vật vua Thiệu Trị vì thiếu thần thái của bậc quân vương, phần hóa trang bị chê...
Phim Em và Trịnh hiện đang dốc sức tìm kiếm các diễn viên đủ sức hóa thân thành Trịnh Công Sơn cùng những “bóng hồng”xoay quanh ông như Dao Ánh, Diễm, ca sĩ Khánh Ly... Nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh chia sẻ về dự án Trưng Vương: “Tôi vẫn lo lắng nhất về chuyện có thể bị khán giả mổ xẻ bộ phim, chọn diễn viên nào thủ vai Trưng Trắc, Trưng Nhị quả là bài toán cân não”.
Nhà sản xuất Bích Liên, chủ rạp Mega GS, cho rằng: “Một khi các nhà sản xuất quyết định đầu tư cho thể loại phim nhân vật có thật, nghĩa là họ đã nhìn thấy cơ hội và tiềm năng sẽ thu hút khán giả”.
Tuy nhiên, không nhiều phim Việt ở thể loại này ra rạp đạt được doanh thu cao, bởi phim còn kém ở nhiều khâu. Đa phần các nhân vật có thật ở vào một giai đoạn lịch sử khác hiện giờ, nên đòi hỏi bối cảnh, đạo cụ, trang phục... phải được phục dựng sao cho người xem thấy chân thật, nhưng thực tế nhiều phim còn làm cẩu thả, sơ sài, thiếu thuyết phục. Chưa kể còn có những lý do khác như khó tìm biên kịch hay, đạo diễn giỏi nghề để tạo nên một tác phẩm tương xứng với tầm vóc nhân vật. Bên cạnh đó, việc các nghệ sĩ tự bỏ tiền ra làm phim mà chất liệu cuộc đời họ không phong phú... thì khi dựng thành phim thường tẻ nhạt và khó thu hút khán giả.
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho rằng: “Tranh luận trái chiều luôn song hành với các tác phẩm nghệ thuật, nhất là phim về các nhân vật có thật. Nhưng không vì vậy mà các nhà làm phim Việt không mạnh dạn, dũng cảm bắt tay thử sức với thể loại này để điện ảnh Việt sau này có được một dòng phim, một thế hệ đạo diễn làm tốt hơn thể loại phim chân dung nhân vật”.
Trước những tranh cãi về phim Phượng Khấu, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh cho biết: “Kịch bản được tôi và các cây bút trẻ thực hiện trong 6 tháng với sự cố vấn của hai nhà sử học Lê Văn Lan, Nguyễn Khắc Thuần và được chỉnh sửa đến 20 lần. Các khâu như phục trang, bối cảnh, đạo cụ đều phải phỏng dựng 100%. Về mặt thể hiện phong thái quyền quý, trước khi bấm máy, các diễn viên có 3 ngày học lễ nghi triều Nguyễn và tìm hiểu cách đi đứng cho từng loại trang phục. Tôi nghĩ nếu không là NSƯT Thành Lộc thì khó ai có thể vào vai vua Thiệu Trị, bởi tôi muốn kể câu chuyện ở khía cạnh một ông vua nhân ái, nho nhã nên nhân dáng Thành Lộc sau khi hóa trang có thể chấp nhận được”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.