Nguyên do trước hết là việc chính quyền mới ở Mỹ bất ngờ căng thẳng với Nam Phi. Ngay trong tháng đầu cầm quyền, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ngừng viện trợ cho Nam Phi với lập luận đạo luật liên quan đất đai của nước này phân biệt đối xử người da trắng thiểu số ở đây. Điều đó đáng được chú ý vì hành động này của Mỹ trong thực chất là can thiệp chuyện nội bộ của Nam Phi. Và lý do của Mỹ không phản ánh đúng sự thật và nguyên nhân lịch sử liên quan đạo luật trên của Nam Phi. Cũng vì căng thẳng mới mà Ngoại trưởng Mỹ Marco Robio tẩy chay cuộc gặp vừa qua ở Nam Phi của bộ trưởng ngoại giao các nước thuộc G20. Sự bất hợp tác này của Washington khiến nội bộ G20 vốn đã bị phân rẽ sâu sắc bởi chuyện quan hệ với Nga, thì nay thêm rạn nứt.

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa (hàng đầu, thứ hai từ trái qua) cùng các nhà lãnh đạo khác chụp ảnh tập thể trong cuộc họp thượng đỉnh G7 tại Brazil vào cuối năm 2024.
ẢNH: REUTERS
Thách thức mới nữa đối với nhóm G20 là Washington đưa ra nhiều biện pháp thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu. Các biện pháp này của ông Trump không những chỉ gây trục trặc trong quan hệ của Mỹ với các thành viên khác của G20 khiến cho việc tìm kiếm sự đồng thuận quan điểm và phối hợp hành động trong nhóm thêm khó khăn, mà còn ảnh hưởng đến tăng trưởng của kinh tế và thương mại thế giới. Tất cả các yếu tố vừa nêu thách thức vai trò và ảnh hưởng của G20 trên thế giới.
Mỹ bất hợp tác với Nam Phi đã đành. Mỹ còn là chủ tịch luân phiên của G20 sau Nam Phi. Như thế chẳng phải họa vô đơn chí đối với nhóm này hay sao?
Bình luận (0)