Thách thức trong đào tạo ngành 'hot' báo chí-truyền thông

16/07/2024 17:05 GMT+7

Là một lĩnh vực 'hot' trong mấy năm trở lại đây, ngành báo chí-truyền thông đang đứng trước nhiều thách thức khi công nghệ số và trí tuệ nhân tạo đang thúc đẩy những đổi mới trong cách thức truyền thông.

Sáng nay (16.7), tại TP.HCM, Trường ĐH Hoa Sen phối hợp với Báo Giáo dục thời đại tổ chức hội thảo "Truyền thông và đào tạo truyền thông" thu hút sự tham gia của đại diện nhiều cơ quan báo đài, các chuyên gia từ viện nghiên cứu, trường ĐH có đào tạo ngành báo chí-truyền thông trên toàn quốc.

Dạy người học tính trung thực và trách nhiệm

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Trường (Viện Xã hội học), cho rằng truyền thông đại chúng đang phát triển sôi động, đa dạng và thay đổi nhanh chưa từng có. Đặc biệt, xu thế ngày nay là sự hội tụ mạnh về công nghệ, giữa phát thanh-truyền hình và viễn thông, tạo nên sự phát triển của truyền thông mới-truyền thông đa phương tiện.

Thách thức trong đào tạo ngành 'hot' báo chí-truyền thông- Ảnh 1.

Sinh viên ngành truyền thông tại hội thảo

MỸ QUYÊN

"Thông tin luôn được cập nhật, đa chiều, đa dạng và khó kiểm soát. Sự chia sẻ, trao đổi và tranh luận về các luồng thông tin được cập nhật là nền tảng tạo nên nhiều đợt sóng dư luận trên các mạng xã hội và trong đời sống xã hội. Chưa bao giờ báo chí sát thực với thực tế cuộc sống như hiện nay và mỗi công chúng cũng đồng thời cũng là 'nhà báo' ở một số phương diện nào đó", tiến sĩ Trường nhận định.

Chính vì báo chí-truyền thông trong kỷ nguyên số có sự tác động và ảnh hưởng quá lớn tới nhận thức cũng như hành động của người dân trong xã hội, các chuyên gia tại hội thảo cho rằng công tác đào tạo trong lĩnh vực này phải đưa tính trung thực và trách nhiệm lên hàng đầu.

Tiến sĩ, nhà báo Trần Bá Dung, Trưởng khoa Marketing-Truyền thông Trường ĐH Hoa Sen, nhận định: "Đạo đức là vấn đề cốt lõi, sống còn của người làm báo, người làm truyền thông, bởi báo chí có tác động xã hội sâu sắc, mạnh mẽ, tức thời. Nhất là khi báo chí trong thời kỳ chuyển đổi số và ứng dụng rộng rãi AI".

Theo tiến sĩ Dung, có rất nhiều tình huống vi phạm đạo đức người làm báo, người làm truyền thông như thông tin sai sự thật, vi phạm bí mật quốc gia, đưa tin làm phương hại đến lợi ích chung, xâm phạm đời tư, thông tin phản văn hóa hay thiếu tôn trọng công chúng... Bên cạnh đó, việc ứng dụng AI cũng có thể dẫn đến những sai sót, vi phạm ngoài ý muốn.

"Trong bối cảnh ứng dụng AI như một xu thế, báo chí số là bắt buộc, thì người làm trong lĩnh vực này phải trung thực, nhân văn, trách nhiệm, nhất là khi khai thác thông tin từ mạng xã hội. Các trường ĐH đang đào tạo báo chí-truyền thông cần chú trọng việc dạy cho người học về đạo đức, tính trung thực, trách nhiệm", tiến sĩ Trần Bá Dung cho hay.

Thạc sĩ Chu Văn Hòa, nguyên Cục trưởng Cục Xuất bản, cũng nhấn mạnh đội ngũ những người làm truyền thông không chỉ đòi hỏi có kiến thức chuyên môn tốt, tay nghề cao mà còn phải là những công dân tốt, có trách nhiệm với xã hội, có tình yêu nghề nghiệp, tinh thần sáng tạo và tâm huyết với sự nghiệp.

Thiếu hụt giảng viên ngành báo chí-truyền thông

Thạc sĩ Lê Tuấn Anh tiến sĩ Lê Thị Hằng (Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông), nhìn nhận trong những năm qua việc đào tạo báo chí-truyền thông ở nước ta không ngừng được mở rộng. Rất nhiều trường ĐH công lập và ngoài công lập đang đào tạo các ngành học này dẫn đến khó khăn về lực lượng giảng dạy.

"Hiện quy mô đào tạo báo chí, truyền thông đang mâu thuẫn với số lượng giảng viên đạt chuẩn. Cụ thể, các trường ĐH công lập và tư thục đều đang thiếu hụt các tiến sĩ, phó giáo sư và giáo sư chuyên ngành báo chí, truyền thông. Nguyên nhân chính là do các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước mỗi năm chỉ đào tạo được rất ít tiến sĩ. Như vậy, chưa nói đến chuyện đủ nhân lực đáp ứng đào tạo theo xu hướng AI, mà nhân lực đào tạo cơ bản đang còn thiếu và yếu", thạc sĩ Lê Tuấn Anh chia sẻ.

Thách thức trong đào tạo ngành 'hot' báo chí-truyền thông- Ảnh 2.

Đại diện trường ĐH nêu ý kiến về vấn đề đào tạo ngành báo chí-truyền thông

MỸ QUYÊN

Theo tiến sĩ Lê Thị Hằng, các trường ĐH, học viện đào tạo về báo chí, truyền thông ở nước ta đang "khó khăn trăm bề" nên việc tích hợp sâu rộng các kỹ năng về AI và công nghệ số vào chương trình giảng dạy là cả một vấn đề nan giải.

Tiến sĩ Võ Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang, cũng cho rằng một trong những thách thức lớn nhất mà các cơ sở đào tạo truyền thông đang phải đối mặt là sự chuyển đổi nhanh chóng và liên tục của công nghệ truyền thông.

Sự xuất hiện và phát triển của các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR) đang làm thay đổi mạnh mẽ cách thức hoạt động của ngành truyền thông. Đồng thời sự thay đổi nhanh chóng của thị trường cũng đòi hỏi các chương trình đào tạo truyền thông phải linh hoạt, thực tiễn và cập nhật liên tục.

"Các nhà tuyển dụng mong đợi sinh viên có kỹ năng chuyên nghiệp hơn về viết bài PR, quản trị mạng xã hội, tổ chức sự kiện, và xử lý khủng hoảng trên các nền tảng số. Họ thường phản hồi rằng sinh viên truyền thông mới ra trường còn hạn chế về kỹ năng thực hành và kinh nghiệm làm việc. Nguyên nhân một phần do chưa nhiều trường chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại để sinh viên thực hành, một phần do sự hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực truyền thông còn hạn chế", tiến sĩ Tuấn nhận định.

Từ đó, tiến sĩ Tuấn đề xuất các trường cần thường xuyên cập nhật chương trình đào tạo để phù hợp với sự phát triển của công nghệ và các xu hướng mới trong ngành truyền thông. Tích hợp các kiến thức về truyền thông đa phương tiện, truyền thông số và phân tích dữ liệu vào các môn học chuyên ngành, đồng thời tăng cường các tình huống thực tiễn và dự án thực hành trong giảng dạy.

PGS-TS Trần Quang Diệu (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cũng cho rằng các cơ sở đào tạo báo chí, truyền thông phải có sự thay đổi để phù hợp với yêu cầu mới, dựa trên các nền tảng công nghệ. Bên cạnh đó, cần mở rộng, cập nhật và xây dựng chương trình đào tạo báo chí số để chuẩn bị nguồn lực cung ứng cho tòa soạn số trong tương lai.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.