Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật cho hay ngày 16.11.1994, Công ước của Liên Hiệp Quốc về luật Biển (UNCLOS) năm 1982 chính thức có hiệu lực sau khi được quốc gia thứ 60 phê chuẩn.
Theo ông Khánh, UNCLOS 1982 quy định toàn diện các vấn đề pháp lý quốc tế về biển và đại dương, là cơ sở pháp lý quốc tế quan trọng để các quốc gia xác lập, thực thi quyền chủ quyền, quyền thực thi chủ quyền, quyền tài phán cũng như các quyền, nghĩa vụ và hoạt động tự do khác trong quá trình quản trị, khai thác, sử dụng biển và đại dương vì mục đích hòa bình, phát triển bền vững và thịnh vượng của các quốc gia.
Phát biểu tại hội thảo, ông Mai Ngọc Phước, Phó chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM, Tổng biên tập báo Pháp luật TP.HCM cho rằng UNCLOS 1982 được ví như "bản hiến pháp về biển cả và đại dương", một văn kiện quốc tế đa phương đồ sộ. Công ước này thể hiện sự thỏa hiệp toàn cầu, hàm chứa nội dung bao quát toàn bộ các vấn đề pháp lý quan trọng nhất liên quan biển và đại dương, bao gồm cả đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, mang lại lợi ích không chỉ cho các quốc gia có biển mà cả các nước không có biển, các quốc gia phát triển cũng như các quốc gia đang phát triển.
Nhiều thách thức mới
PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh nhận định trải qua 30 năm qua, nhân loại đã chứng kiến nhiều sự biến động, đặc biệt là những đột phá công nghệ trong lĩnh vực hàng hải, hàng không, nhu cầu khai thác, chế biến, sử dụng các tài nguyên của biển và đại dương. Bên cạnh đó, các quốc gia cũng đối mặt và chịu ảnh hưởng sâu sắc trước những biến động lớn về địa chính trị, biến đổi khí hậu và sự dịch chuyển không ngừng của thương mại quốc tế.
Đồng quan điểm, ông Mai Ngọc Phước cũng chỉ ra rằng ô nhiễm môi trường biển, khai thác nguồn tài nguyên biển quá mức, sự phát triển của công nghệ biển mới, các loại hình tội phạm trên biển, leo thang căng thẳng khu vực, các điểm nóng trên thế giới và hành vi đơn phương của các quốc gia đe dọa an toàn, an ninh hàng hải... là những thách thức mà UNCLOS 1982 phải đối mặt.
Ông Phước nhìn nhận Việt Nam là một quốc gia ven biển nằm trong khu vực Biển Đông, có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Theo ông Phước, Biển Đông được xem là một trong những vùng biển nhộn nhịp và có tiềm năng bậc nhất thế giới, nhưng đồng thời cũng là khu vực tồn tại tranh chấp thời gian dài. "Do vậy, bên cạnh những thuận lợi thì Việt Nam cũng đối diện không ít khó khăn và thách thức", ông Phước nhìn nhận.
Theo ông Phước, Đảng và nhà nước ta đã và đang chủ trương kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền và các cái lợi ích hợp pháp, chính đáng của quốc gia trên biển, đồng thời chủ động, tích cực giải quyết, xử lý các tranh chấp, bất đồng trên Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982.
Liên quan vấn đề quản lý tài nguyên biển, PGS.TS Vũ Thanh Ca, nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và Khoa học công nghệ, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam nhìn nhận hiện vẫn tồn tại nhiều thách thức trong việc thực hiện các quy định của UNCLOS 1982 về khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường, các hệ sinh thái, đa dạng sinh học, nguồn lợi thủy sản biển, vùng bờ biển và hải đảo.
Ông Vũ Thanh Ca cho rằng các rào cản trên chỉ có thể được khắc phục với quyết tâm chính trị của lãnh đạo đất nước cũng như lãnh đạo các bộ, ban ngành, các địa phương và cán bộ chính quyền, người dân tham gia các hoạt động quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, môi trường biển, vùng bờ biển và hải đảo.
Triển vọng thực thi
GS.TS Nguyễn Hồng Thao, thành viên Ủy ban Luật quốc tế của Liên Hiệp Quốc, đánh giá UNCLOS 1982 có nhiều điểm tiến bộ. Trước hết, UNCLOS 1982 đã khắc phục các điểm yếu của Công ước về luật Biển thông qua tại Geneva năm 1958, từ đó thiết lập một trật tự pháp lý mới công bằng hơn cũng như giải quyết vấn đề một cách tổng thể và không phân mảnh.
UNCLOS 1982 giúp mở rộng quyền của các quốc gia ven biển ra ngoài các vùng biển thuộc quyền tài phán quốc gia và đưa ra các nguyên tắc công bằng giải quyết các vấn đề phân định biển và thiết lập cơ chế mới hữu hiệu về giải quyết các tranh chấp biển. Hiện UNCLOS 1982 là nguồn cảm hứng cho các quốc gia ven biển xây dựng và thông qua hàng loạt các văn bản pháp luật quốc gia về biển phù hợp với nội dung và tinh thần của Công ước.
GS.TS Nguyễn Hồng Thao đánh giá UNCLOS 1982 đã cho phép các quốc gia ven biển tiến ra biển một cách hợp pháp và Việt Nam đã nắm lấy thời cơ đó một cách sớm nhất và hiệu quả nhất. Theo đó, Việt Nam là nước đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á ra Tuyên bố của Chính phủ CHXHCN Việt Nam ngày 12.5.1977 về thiết lập vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa theo tinh thần của Dự thảo Công ước.
Bên cạnh tuyên bố, Việt Nam còn là một trong những nước đi đầu trong khu vực Đông Nam Á về việc đàm phán phân định các vùng biển và giải quyết các tranh chấp trên biển với các công cụ đa dạng nhất. Việt Nam cũng góp phần xây dựng và thực thi Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).
Cũng tại hội thảo, PGS.TS Vũ Thanh Ca nhận định Việt Nam đã nỗ lực và đạt được nhiều thành công trong quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và qua đó thực hiện các quy định của UNCLOS 1982 về khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường, các hệ sinh thái, đa dạng sinh học, nguồn lợi thủy sản biển, vùng bờ biển và hải đảo.
Trả lời câu hỏi "ngoài ngoại giao, thì khả năng Việt Nam sẽ vận dụng phương án hòa bình nào khác để giải quyết các tranh chấp trong quá trình khai thác và quản lý biển", TS.Nguyễn Toàn Thắng - Trường Đại học Luật Hà Nội cho hay: "Giải quyết tranh chấp theo cơ chế pháp lý, quy định trong các văn kiện, điều ước quốc tế - đặc biệt là UNCLOS 1982, xin ý kiến tham vấn, trung gian hòa giải đều là những biện pháp hòa bình hoàn toàn phù hợp mà các quốc gia có thể sử dụng. Tuy nhiên, mỗi biện pháp sẽ tùy thuộc vào bối cảnh, tính hiệu quả để đảm bảo lợi ích của quốc gia, dân tộc cũng như đạt các mục tiêu đề ra".
Đại tá Nguyễn Minh Khánh, Phó tư lệnh - Tham mưu trưởng, Bộ Tư lệnh Vùng 3 Cảnh sát biển Việt Nam cho rằng: "Tình hình thực tiễn rất phức tạp, do đó cần có sự phối hợp linh hoạt và nhuần nhuyễn giữa ngư dân và lực lượng chức năng".
Bình luận (0)