"Khát" nước sạch triền miên, người thân không muốn về ăn tết
Trao đổi với PV Báo Thanh Niên, ông Nguyễn Đình Thi (72 tuổi, trú tại thôn Bắc Sơn, xã Quang Bình, H.Kiến Xương, Thái Bình) bức xúc vì liên tiếp nhiều năm gia đình không có nước sạch để dùng.
"Năm 2014, gia đình tôi cùng toàn dân xã Quang Bình đăng ký sử dụng nước sạch do Nhà máy nước sạch liên xã Vũ Bình (đặt tại xã Vũ Bình, H.Kiến Xương) cung cấp. Những tưởng từ nay chúng tôi không phải chờ mùa mưa để hứng nước, không phải dùng nước giếng khoan nữa. Vậy mà niềm vui ấy chỉ kéo dài 1 năm. Từ năm 2015 đến nay, nước từ nhà máy chỉ nhỏ giọt, mỗi tháng nhà tôi chỉ dùng được khoảng 1 - 2 khối nước. Đặc biệt, từ tháng 4.2023 đến nay, téc chứa nước máy của gia đình tôi luôn trong tình trạng bỏ không vì không có nước", ông Nguyễn Đình Thi than thở.
Để giải quyết "cơn khát", từ lâu, gia đình ông Thi đã quay trở lại dùng nước giếng khoan nhưng do nguồn nước không đảm bảo vệ sinh nên không ít lần ông bà bị mẩn ngứa, phải điều trị.
Khi mùa hè đang tới gần, nỗi lo thiếu nước lại khiến ông bà Thi mất ăn, mất ngủ.
Không kém phần bức xúc, ông Phạm Đăng Mạc (75 tuổi, Bí thư Chi bộ thôn Bắc Sơn) cho biết, gia đình ông có 6 nhân khẩu. Nhiều năm nay, khi ông bà tuổi đã cao nhưng cả ngày chỉ quẩn quanh bên vòi để hứng từng giọt nước sạch. Mỗi chậu nước đầy, ông lại đổ vào téc chứa để tiết kiệm, dùng dần.
"Nói là nước sạch nhưng có giai đoạn nước mặn như pha muối. Cái téc mua về chứa nước sử dụng không được bao lâu đã phải thay mới vì han rỉ quá nhanh. Hiện, nhà tôi phải sử dụng đến 3 nguồn nước. Nước mưa, nước máy chỉ được dùng để nấu ăn. Nước giếng khoan dùng để giặt giũ và tắm rửa, nước bơm từ sông Kiến Giang dùng để cọ rửa nhà vệ sinh…".
Mỗi dịp tết, con cháu ông sống ở Hải Phòng lại về sum họp với bố mẹ. Tuy nhiên, trước tình cảnh thiếu nước sinh hoạt khiến mối quan hệ giữa ông và các con đã bị sứt mẻ. Con ông bức xúc bảo không muốn về quê ăn tết nữa.
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, các hộ dân thôn Bắc Sơn sinh sống dọc theo bờ sông Kiến Giang, nằm sát QL39B. Trước tình trạng thiếu nước sạch triền miên, ven đoạn sông này, nhiều đường ống được cắm xuống sông, dùng máy bơm dẫn nước từ sông về nhà để phục vụ sinh hoạt cho gia đình.
Ông Bùi Xuân Lẫm (Trưởng thôn Bắc Sơn) cho biết, thôn Bắc Sơn có 474 hộ với 1.731 nhân khẩu. Đây cũng là khu vực thiếu nước nghiêm trọng nhất xã Quang Bình. Bức xúc trước tình trạng trên, ông Lẫm nói: "Người dân khổ sở về vấn đề nước sạch từ rất lâu. Nước đã không có để dùng, khi có thì bẩn, khi nước lại nhiễm mặn. Nhiều lần dân bức xúc gọi cán bộ trạm cấp nước nhưng họ cũng chỉ xuống ghi nhận nhưng không giải quyết. Chúng tôi có rất nhiều đơn, gửi đi nhiều cơ quan, chỉ mong có nước sạch ổn định để dùng đúng như cam kết ban đầu của công ty với người dân khi thực hiện hợp đồng cấp nước".
Ông Lẫm cho biết thêm, người dân "khát" nước sạch triền miên, các hộ dân ở đây phải mua từng khối nước của Công ty nước sạch Thủy Long với giá 10.000 đồng/m3 để dùng.
Bị người dân kiến nghị liên miên, năm 2018, 70 hộ dân trong thôn được chuyển sang sử dụng nước sạch từ Công ty nước sạch Thủy Long. Các hộ còn lại vẫn chung tình trạng "khát" nước sạch và họ luôn mong được chuyển sang dùng dịch vụ nước sạch do công ty khác cung cấp nhưng không được Nhà máy nước sạch liên xã Vũ Bình chấp nhận.
Ông Bùi Xuân Ngọt, Trưởng thôn Đại Thành (xã Quang Bình), cho biết thôn có 300 hộ với khoảng 1.000 nhân khẩu. Năm 2012, thực hiện chủ trương xã hội hóa nước sạch nông thôn, người dân địa phương ai cũng vui mừng, đồng tình hưởng ứng và nghiêm chỉnh thực hiện các nghĩa vụ tài chính, đóng góp đầy đủ để đưa nước sạch về làng. Nhưng niềm vui chẳng được bao lâu, đến năm 2015 tình trạng thiếu nước bắt đầu xuất hiện, nước sạch lúc có lúc không, áp lực nước yếu không đủ bơm lên téc. Nhiều hộ gia đình vừa phải bỏ tiền mua nước, vừa phải bỏ tiền điện bơm nước.
Thiếu nước sạch nhưng vẫn đạt chuẩn nông thôn mới
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Lê Quang Huy, Phó chủ tịch UBND xã Quang Bình (H.Kiến Xương), cho biết xã có gần 3.500 hộ với trên 11.000 nhân khẩu.
"Những năm qua, người dân địa phương không chỉ chịu cảnh thiếu nước mà còn xuất hiện nước bẩn, đục và nhiễm mặn. Xã đã phản ánh đến đơn vị cung cấp nước sạch là Nhà máy nước sạch liên xã Vũ Bình (đặt tại xã Vũ Bình, H.Kiến Xương, thuộc Công ty cổ phần Bitexco Nam Long). Tuy nhiên, họ chỉ đến ghi nhận và hứa khắc phục song đến nay vẫn chưa có thay đổi gì", ông Huy cho biết.
Có một điều bất thường là gần 10 năm qua, người dân Quang Bình vẫn thiếu nước sạch nhưng xã này được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2014.
Theo ông Huy, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, xã còn 7/19 tiêu chí chưa đạt, trong đó có tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm. Địa phương này phấn đấu đến năm 2025 sẽ đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao nhưng với chất lượng nước sạch người dân đã và đang sử dụng, xã Quang Bình sẽ rất khó để cán đích như mục tiêu đề ra.
Theo hồ sơ PV Thanh Niên nắm được, ngày 12.8.2015, UBND tỉnh Thái Bình ban hành Quyết định 1810/QĐ-UBND giao 19 công trình nước sạch nông thôn tập trung trên địa bàn từ nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới cho Công ty cổ phần Bitexco Nam Long quản lý, sử dụng, khai thác và đầu tư nâng cấp, mở rộng. Công suất Nhà máy nước sạch Vũ Bình tại thời điểm công ty này nhận bàn giao năm 2015 là 1.800 m3/ngày đêm; công suất thực tế hiện nay đạt 3.800 m3/ngày đêm; phạm vi cấp nước cho 5 xã (29 thôn) gồm Vũ Bình, Vũ Công, Quang Bình, một phần xã Minh Quang (xã Minh Hưng cũ) và xã Quang Minh (H.Kiến Xương).
Tại Nhà máy nước Vũ Bình, năm 2023, cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình xác định tình trạng cấp nước không ổn định, áp lực nước yếu xảy ra tại thôn Bắc Sơn (xã Quang Bình). Nguyên nhân do quy mô công suất chưa phù hợp với nhu cầu hiện tại của nhân dân; hệ thống máy bơm nước sạch, bơm nước thô, đường ống nước thô chưa phù hợp. Tuyến ống cấp cho 2 xã Quang Bình, Minh Hưng không đáp ứng nhu cầu truyền tải.
Để giải quyết những bất cập về nước sạch nông thôn tại Quang Bình nói riêng và nhiều xã trên địa bàn tỉnh, ngày 24.10.2023 UBND tỉnh Thái Bình đã ban hành Kế hoạch 142/KH-UBND khắc phục giải quyết dứt điểm những tồn tại, vướng mắc trong vấn đề nước sạch nông thôn.
Theo Kế hoạch 142, tỉnh Thái Bình yêu cầu khắc phục triệt để tình trạng cấp nước không ổn định, mất nước cục bộ, thường xuyên thiếu nước, áp lực nước yếu kéo dài ở một số thôn, xóm; đặc biệt tại các khu vực thuộc phạm vi cấp nước của Công ty cổ phần Bitexco Nam Long. Trong đó, Trạm cấp nước xã Vũ Bình, tỉnh yêu cầu trước ngày 30.6, công ty cần nâng cấp bơm cấp 1, cải tạo nâng cấp đường ống nước thô; cải tạo, nâng cấp đường ống truyền tải cấp nước cho xã Quang Bình, lắp đặt bơm tăng áp cho xã Quang Bình, đầu tư nâng cấp công suất để khắc phục cấp nước cho thôn Bắc Sơn (xã Quang Bình).
Đầu tháng 5 vừa qua, PV Thanh Niên đặt lịch làm việc tại Công ty cổ phần Bitexco Nam Long nhưng công ty từ chối làm việc vì lý do chưa thể sắp xếp.
Ngày 29.5, PV tiếp tục nhiều lần liên lạc qua số điện thoại của Phó tổng giám đốc Vũ Thị Suốt, bà cho biết đang đi công tác và không biết khi nào mới có thể tiếp PV để làm việc liên quan đến vấn đề nước sạch.
Bình luận (0)