Thái Bình: 'Lý do FLC xin chấm dứt đầu tư bệnh viện nghìn tỉ chỉ là cái cớ'

26/05/2022 10:40 GMT+7

Theo Tập đoàn FLC , lý do ngừng đầu tư xây dựng dự án nghìn tỉ Bệnh viện đa khoa Quốc tế Thái Bình quy mô 1.000 giường là vì BVĐK tỉnh Thái Bình có định hướng điều chỉnh quy hoạch, mở rộng quy mô. Tuy nhiên, theo đại diện UBND tỉnh Thái Bình, đó chỉ là… cái cớ của doanh nghiệp .

Ngày 28.7.2021, Tập đoàn FLC (gọi tắt là FLC) có văn bản gửi Sở KHĐT Thái Bình để thống nhất tự chấm dứt hoạt động của dự án (DA) nghìn tỉ đầu tư xây dựng Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Quốc tế Thái Bình quy mô 1.000 giường với lý do là để bàn giao cho UBND tỉnh Thái Bình bố trí, quy hoạch mở rộng BVĐK tỉnh Thái Bình.

Dự án BVĐK Quốc tế nghìn giường - nghìn tỉ bị rêu phong phủ dày kín lối vào

C.H.

Hạn chế giao dịch đối với cổ phiếu FLC và hai mã 'cùng họ' là ROS, HAI

"Họ tìm lí do để… rút lui"

Liên quan đến việc này, trong cuộc làm việc với Thanh Niên vào ngày 16.5 và mới đây nhất là ngày 25.5, ông Nguyễn Văn Thanh, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng, người được UBND tỉnh Thái Bình ủy quyền làm việc với PV Thanh Niên, nhiều lần khẳng định: “Kể từ khi FLC tiếp nhận đầu tư dự án xây dựng BVĐK Quốc tế Thái Bình 1.000 giường đến nay, Sở Xây dựng tỉnh Thái Bình chưa thẩm định bất kỳ một quy hoạch điều chỉnh nào khác liên quan đến dự án này!”.

Theo đó, ông Thanh cũng khẳng định: “Lý do FLC nêu trong quyết định chấm dứt đầu tư chỉ là cái cớ !”.

Lý giải về điều này, ông Thanh cho biết, việc Sở Y tế xin chủ trương mở rộng quy mô BVĐK tỉnh Thái Bình không liên quan đến dự án xây dựng BVĐK Quốc tế Thái Bình mà FLC đang đầu tư. Và đó cũng là 2 khu vực hoàn toàn khác nhau.

“Đây là 2 bệnh viện khác nhau. Một là BVĐK tỉnh, một là BVĐK Quốc tế, làm gì có chuyện BVĐK tỉnh có điều chỉnh gì mà lại liên quan đến dự án BVĐK Quốc tế được ?”, ông Thanh phân tích.

Dự án BVĐK Quốc tế Thái Bình

C.H.

Lý do Sở Y tế xin mở rộng quy mô BVĐK tỉnh Thái Bình là do Khoa Truyền nhiễm của bệnh viện và các khoa khác có chung 1 khuôn viên. Đợt dịch Covid-19 vừa qua đã lộ rõ sự bất cập của việc này, bởi mỗi khi đưa bệnh nhân Covid-19 vào Khoa Truyền nhiễm điều trị thì cả bệnh viện phải đóng cửa.

Do đó, Sở Y tế có chủ trương xin được nâng cấp, mở rộng để tách Khoa Truyền nhiễm về phần diện tích phía sau của BVĐK tỉnh. Ngoài ra, sử dụng một lối đi riêng để đảm bảo sự biệt lập, tránh ảnh hưởng đến các khoa, phòng chức năng khác.

Ông Thanh thông tin thêm, phần diện tích phía sau này trước đây vốn là Khoa Dược của BVĐK tỉnh chứ cũng không phải là lấy vào đất của đơn vị hay dự án nào.

Tuy nhiên, do mở rộng, nâng cấp BVĐK tỉnh Thái Bình là dự án đầu tư công, để thực hiện được thì phải nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 trong khi Sở Y tế đến giờ mới đề xuất thì chủ trương này sẽ phải chờ một thời gian rất lâu nữa mới có thể triển khai được, chứ không phải cứ nói mở rộng là đã mở rộng được ngay.

Cũng theo nhận định của ông Thanh: “Có thể FLC đã nhận ra đầu tư BVĐK Quốc tế ở Thái Bình sẽ không có tương lai nên họ tìm lí do để… rút lui.”

Ông Phạm Quang Hòa, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thái Bình cho biết, Sở Y tế không đòi đất để nâng cấp BVĐK tỉnh Thái Bình. “Chúng tôi không đủ thẩm quyền làm việc đó, chúng tôi đề xuất nâng cấp, mở rộng BVĐK tỉnh Thái Bình còn giao đất ở đâu là việc của UBND tỉnh”, ông Hòa nói.

Một lãnh đạo BVĐK tỉnh Thái Bình cũng cho biết, vị này không nhận được văn bản cũng như chưa có bất kỳ chủ trương gì liên quan đề cập đến việc mở rộng, nâng cấp BVĐK tỉnh Thái Bình. Thậm chí, vị này còn không biết việc Tập đoàn FLC đã chấm dứt đầu tư BVĐK Quốc tế Thái Bình 1.000 giường.

Được biết, DA BVĐK Quốc tế Thái Bình quy mô 1.000 giường, khởi công từ ngày 14.2.2019, triển khai thực hiện trong vòng 5 năm và qua 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, từ tháng 5.2019 đến tháng 3.2022, đầu tư xây dựng hoàn thiện công trình quy mô 500 giường bệnh.

Đến thời điểm ra văn bản chấm dứt đầu tư DA này (tháng 7.2021 - PV), DA đã trải qua được hơn 2 năm đầu tư, xây dựng. Tuy nhiên, theo người phát ngôn được UBND tỉnh Thái Bình ủy quyền, ông Nguyễn Văn Thanh, thì “Họ (FLC - PV) mới chỉ làm được một ít cọc, trồng cây, làm được ít nền đường. Thế thôi! Xong họ dừng…”.

Sẽ xin ý kiến Bộ KHĐT về đề nghị thanh toán hơn 77 tỉ đồng của FLC

Được biết, sau khi ra văn bản tự chấm dứt đầu tư, FLC đã đề nghị UBND tỉnh Thái Bình xem xét, xác nhận và giao cho đơn vị tiếp nhận thực hiện DA này thanh toán hơn 77 tỉ đồng chi phí đầu tư các hạng mục của DA tính cho đến thời điểm chấm dứt hoạt động.

Theo ông Hoàng Minh Tiến, Trưởng phòng Tài chính Đầu tư, Sở Tài chính tỉnh Thái Bình, khi hoàn tất việc kiểm đếm, hình thành nên giá trị tài sản thì Sở Tài chính sẽ thuê một đơn vị kiểm toán độc lập để xác định lại giá trị trên cơ sở khối lượng kiểm đếm của Ban Quản lý dự án đô thị xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp (BQL) tỉnh Thái Bình đã thực hiện. “Hoàn tất công tác kiểm toán độc lập, chúng tôi sẽ thực hiện quyết toán để thông báo giá trị chấp nhận”, ông Tiến nói.

Nhắc đến nguồn tiền chi trả, ông Tiến cho biết trong tiền lệ chưa từng xảy ra sự việc tương tự. “Chúng tôi chưa thể đề cập vấn đề này. Việc đó sẽ dựa trên quy định của Luật Đầu tư để xác định tài sản có thuộc diện phải chi trả hay không”, ông Tiến nói.

Theo dự kiến, việc kiểm đếm và chi trả đối với dự án này sẽ hoàn tất trong năm 2022.

Còn ông Đỗ Năng Hoạt, Giám đốc BQL tỉnh Thái Bình, cho biết công tác kiểm đếm các hạng mục của dự án BVĐK Quốc tế được thực hiện từ tháng 1.2022, hiện đã kiểm đếm xong các hạng mục nổi. Một số hạng mục chìm như móng, cọc cần thêm thời gian mới xử lý được.

Ông Nguyễn Văn Thanh thì cho rằng, khâu kiểm định hiện "đang bế tắc". Ông Thanh cho biết, theo quy định thì chủ đầu tư chịu trách nhiệm thi công theo thiết kế và thiết kế phải thể hiện trên hồ sơ.

Công việc thẩm định chiều dài cọc ép đang gặp khó khăn

C.H.

Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra thực tế chiều dài của các cây cọc trong dự án theo số liệu đã thể hiện trên hồ sơ thì đo mãi mà vẫn không xác định được chiều dài cọc.

“Thậm chí tỉnh đã phải trưng cầu kiểm định, thuê một đơn vị tư vấn khảo sát để khoan xuyên từ trên đỉnh cọc xuống rồi. Nhưng khoan sâu hơn cả thiết kế rồi mà vẫn không chạm đến kịch được mũi cọc. Do đó không có cơ sở để xác định chiều dài cọc”, ông Thanh tỏ ý băn khoăn.

Kể từ khi Tập đoàn FLC ngừng đầu tư, đến nay vẫn chưa có đơn vị tư nhân nào tiếp nhận đầu tư vào dự án này

C.H.

Về đề nghị thanh toán chi phí đầu tư các hạng mục của phía FLC, ông Thanh cho biết, sau khi hoàn thành kiểm đếm và quyết toán, tỉnh Thái Bình sẽ xin ý kiến Bộ KHĐT về việc có thanh toán cho FLC hay không?

“Bởi vì họ đang làm họ lại bỏ dở nên chắc gì đã được thanh toán ? Thái Bình là một tỉnh nghèo, không thể để tỉnh phải gánh chịu cái mà nhà đầu tư bỏ lại”, ông Thanh chia sẻ.

FLC được hoàn trả 10 tỉ đồng ký quỹ

Được biết, ngoài đề nghị thanh toán số tiền hơn 77 tỉ đồng, trước đó, FLC cũng đã đề nghị tỉnh Thái Bình hoàn trả số tiền 10 tỉ đồng mà ban đầu nhà đầu tư này đã ký quỹ bảo đảm thực hiện DA.

Tuy nhiên, đáng chú ý, trong khi tỉnh Thái Bình còn đang cân nhắc về đề nghị thanh toán hơn 77 tỉ đồng chi phí đầu tư dự án của FLC, do tỉnh đã nhận định đơn vị này là “lấy cớ để bỏ dở dự án bệnh viện nghìn tỉ giữa chừng”, thì theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, trước đó, vào ngày 13.8.2021, Sở KHĐT Thái Bình đã ra thông báo với các đơn vị liên quan về việc chấm dứt hoạt động của dự án này, đồng thời đã hoàn trả cho FLC 10 tỉ đồng tiền ký quỹ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.