Thái Bình phát triển kinh tế biển gắn với bảo tồn thiên nhiên

20/12/2023 09:57 GMT+7

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ 20, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã chỉ rõ: “phát triển Khu kinh tế Thái Bình toàn diện về công nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ, đô thị và kinh tế biển, trở thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh là nhiệm vụ chính trị trọng tâm hàng đầu trong cả nhiệm kỳ 2020 - 2025 và các nhiệm kỳ tiếp theo”.

Phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ hệ sinh thái đa dạng ven biển

Thái Bình có 54 km bờ biển trải dài trên địa bàn 2 huyện Tiền Hải và Thái Thụy. Bờ biển dài cộng với lượng phù sa bồi đắp qua hàng năm đã tạo nên hệ sinh thái ven biển và rừng ngập mặn. Với mong muốn tập trung phát triển rừng trên các diện tích bãi triều nhằm giữ đất, chống biến đổi khí hậu, tạo sinh kế cho người dân, hướng tới hình thành Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước, tỉnh Thái Bình đã triển khai nhiều giải pháp để trồng và bảo vệ rừng.

Thực tiễn trong gần 10 năm qua, tỉnh Thái Bình đã dành nhiều nguồn lực, thu hút nhiều dự án để phát triển mạnh rừng ngập mặn ven biển. Mặc dù việc phát triển rừng gặp rất nhiều khó khăn do điều kiện thời tiết, thủy văn, nhưng diện tích rừng vẫn tăng nhanh qua từng năm. Từ gần 3.700 ha rừng nghèo năm 2015 đến nay, tỉnh Thái Bình đã có 4.300 ha rừng chất lượng cao với môi trường sinh thái và điều kiện sống tự nhiên được cải thiện rõ rệt. Trong đó, riêng trên địa bàn H.Tiền Hải giai đoạn này đã trồng được khoảng 500 ha rừng ven biển.

Ông Đỗ Văn Trịnh, Phó chủ tịch UBND H.Tiền Hải, (số 1 từ phải qua) cùng các lãnh đạo H.Tiền Hải kiểm tra rừng ngập mặn

Ông Đỗ Văn Trịnh, Phó chủ tịch UBND H.Tiền Hải, (số 1 từ phải qua) cùng các lãnh đạo H.Tiền Hải kiểm tra rừng ngập mặn

Nhận thức rõ được tầm quan trọng của hệ sinh thái ven biển và rừng ngập mặn nên thời gian qua, tỉnh Thái Bình đã triển khai nhiều giải pháp trong phát triển diện tích rừng ngập mặn và bảo tồn đa dạng sinh học ven biển. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, tỉnh Thái Bình phát triển Khu kinh tế Thái Bình nằm trọn trên địa bàn 2 huyện Thái Thụy và Tiền Hải.

Với quan điểm không vì phát triển kinh tế mà đánh đổi môi trường, Thái Bình luôn chủ trương thực hiện các quy hoạch cũng như các dự án phát triển kinh tế nhưng phải đảm bảo môi trường bền vững. Những dự án ven biển luôn được khảo sát, nghiên cứu và đánh giá kỹ lưỡng trước khi triển khai để tránh tác động đến hệ sinh thái ven biển.

Ông Đỗ Văn Trịnh, Phó chủ tịch UBND H.Tiền Hải, khẳng định: "Huyện xác định hệ sinh thái ven biển và rừng ngập mặn rất quan trọng nên khi triển khai các dự án luôn nghiên cứu kỹ các yếu tố tác động môi trường".

Còn ông Trần Minh Phùng, một người dân xã Nam Hưng (H.Tiền Hải) cho rằng: "Chủ trương của tỉnh về phát triển Khu kinh tế chúng tôi hoàn toàn ủng hộ, người dân có công ăn, việc làm ngay tại địa phương. Rừng ngập mặn vẫn được nhà nước giữ lại".

Hiện nay, Thái Bình đang chuyển mình mạnh mẽ, phát huy lợi thế riêng có định hình chiến lược phát triển, hướng mạnh ra biển. Trong đó, hệ sinh thái ven biển và rừng ngập mặn đóng vai trò rất quan trọng để Thái Bình vừa phát triển hệ sinh thái ven biển bền vững, vừa tạo không gian để phát triển kinh tế.

Con đường phát triển nông thôn mới H.Tiền Hải

Con đường phát triển nông thôn mới H.Tiền Hải

Khu kinh tế Thái Bình - niềm tin và kỳ vọng của người dân ven biển

Với xu thế phát triển ngày càng mạnh mẽ thì những phương thức khai thác tài nguyên truyền thống từ biển như hiện nay đã không còn phù hợp, dẫn đến đời sống của người dân ven biển chưa được cải thiện nhiều. Đứng trước yêu cầu thực tiễn trên, tỉnh Thái Bình đã tập trung phát triển kinh tế hướng biển, khai thác các tiềm năng, lợi thế từ biển để hướng tới chiến lược tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, nâng cao đời sống của người dân. Vì vậy, Khu kinh tế ven biển Thái Bình đã được hình thành để tỉnh hiện thực hóa chủ trương, định hướng đã đặt ra.

Ông Đinh Vĩnh Thụy, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Thái Bình, cho biết: "Chúng tôi thực hiện theo quyết định số 1486 của chính phủ và sẽ điều chỉnh quy hoạch nông nghiệp, lâm nghiệp sao cho phù hợp với khu kinh tế".

Bãi biển Tiền Hải

Bãi biển Tiền Hải

Theo tỉnh Thái Bình, chủ trương nhất quán và xuyên suốt của tỉnh này là phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái bền vững. Vì vậy, việc phát triển Khu kinh tế và bảo tồn hệ sinh thái rừng ngập mặn luôn là 2 nhiệm vụ song hành được tỉnh Thái Bình triển khai thực hiện. Đặc biệt khi triển khai các dự án, Thái Bình cũng luôn nghiên cứu, tính toán rất kỹ lưỡng để tránh tác động đến hệ sinh thái rừng ngập mặn. Với quan điểm và chủ trương nhất quán đó, Thái Bình mong muốn nhận được ý kiến đóng góp cũng như sự giúp đỡ từ Chính phủ, các Bộ, ngành T.Ư cũng như các cơ quan báo chí để tỉnh xây dựng và phát triển thành công Khu kinh tế Thái Bình xanh, hiện đại và thân thiện với môi trường.



Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.