Thái Bình: Phát triển kinh tế biển song hành với bảo vệ môi trường sinh thái

20/12/2023 11:30 GMT+7

54 km bờ biển trải dài cộng với lượng phù sa bồi đắp qua hàng năm đã tạo nên cho tỉnh Thái Bình hệ sinh thái ven biển và rừng ngập mặn. Với chủ trương phát triển hướng mạnh ra biển, quan điểm nhất quán và xuyên suốt của tỉnh Thái Bình là phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái bền vững.

Ông Phạm Ngọc Kế, Chủ tịch UBND H.Tiền Hải

Ông Phạm Ngọc Kế, Chủ tịch UBND H.Tiền Hải

Để phát triển rừng một cách hiệu quả, bền vững tại H.Tiền Hải, năm 2014, tỉnh Thái Bình đã ban hành Quyết định 2159 xác lập Khu rừng đặc dụng với tên gọi: Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải.

Quyết định 2159 dựa trên Quyết định 660 ngày 4.10.1995 của Bộ Lâm nghiệp trước đây, từ đó xây dựng nên diện tích tạm tính ban đầu là 12.500 ha. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân khách quan cũng như do yếu tố lịch sử để lại mà phạm vi, ranh giới, quy mô của khu bảo tồn này chỉ mang tính ước lệ và định hướng để phát triển rừng chứ chưa được xác định chính xác bằng các nghiên cứu, thiết bị đo đạc hiện đại.

Vì vậy, theo tỉnh Thái Bình, Quyết định 600 ngày 28.3.2022 và Quyết định 731 ngày 17.4.2023 của UBND tỉnh Thái Bình về việc xác định vị trí, quy mô diện tích, ranh giới khu rừng đặc dụng là bước cụ thể hóa Quyết định 2159 để xác định rõ ranh giới trên thực địa diện tích rừng hiện có của khu bảo tồn. Vì thực tế, thời điểm năm 2014, khi ban hành Quyết định 2159, diện tích rừng thực tế của khu bảo tồn này chỉ là 1.450 ha.

Theo đó, Quyết định 731 của UBND tỉnh Thái Bình ban hành với mục đích chính là rà soát, xác lập diện tích rừng đặc dụng trên thực địa hiện có và các diện tích dự kiến tiếp tục trồng mới trong giai đoạn tới tại khu bảo tồn này, từ đó có biện pháp bảo vệ và phát triển rừng tốt hơn.

Đồng thời, tỉnh Thái Bình trong thời gian tới sẽ tiếp tục triển khai để xác lập tọa độ, phạm vi và ranh giới của Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải. Qua đó có các giải pháp phù hợp và hiệu quả để bảo vệ, phát triển rừng. Đây cũng là bước quan trọng để cụ thể hóa các Quyết định 2159, Quyết định 1107 và đặc biệt là quyết định 1486 của Chính phủ về Quy hoạch phát triển Khu kinh tế Thái Bình.

Một góc chụp tại Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải (H.Tiền Hải, tỉnh Thái Bình).

Một góc chụp tại Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải (H.Tiền Hải, tỉnh Thái Bình)

Dành nhiều nguồn lực cho phát triển mạnh hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển

Thực tiễn trong gần 10 năm qua, tỉnh Thái Bình đã dành nhiều nguồn lực, thu hút nhiều dự án để phát triển mạnh rừng ngập mặn ven biển. Mặc dù việc phát triển rừng gặp rất nhiều khó khăn do điều kiện thời tiết, thủy văn, nhưng diện tích rừng vẫn tăng nhanh qua từng năm.

Ông Phạm Ngọc Kế, Chủ tịch UBND H.Tiền Hải, cho biết huyện này cũng luôn ưu tiên phát triển rừng khi từ năm 2014 đến nay đã trồng mới được hơn 500 ha rừng. Theo kế hoạch đến năm 2030 huyện sẽ trồng thêm được 450 ha đất rừng mới và trồng hoàn trả 200 ha đất rừng chồng lấn vào khu kinh tế.

Hệ sinh thái ven biển tại Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải phát triển phong phú, đa dạng

Hệ sinh thái ven biển tại Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải phát triển phong phú, đa dạng

Từ gần 1.000 ha rừng nghèo năm 2014 đến nay, tỉnh Thái Bình đã có 4.300 ha rừng chất lượng cao với môi trường sinh thái và điều kiện sống tự nhiên được cải thiện rõ rệt. Trong đó, riêng trên địa bàn H.Tiền Hải giai đoạn này đã trồng được khoảng 500 ha rừng ven biển.

Hiện nay, Thái Bình đang chuyển mình mạnh mẽ, phát huy lợi thế riêng có định hình chiến lược phát triển, hướng mạnh ra biển. Trong đó, hệ sinh thái ven biển và rừng ngập mặn đóng 1 vai trò rất quan trọng, để Thái Bình vừa phát triển hệ sinh thái ven biển bền vững, vừa tạo không gian để phát triển kinh tế.



Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.