Bởi bình thường chúng ta vẫn gặp nhan nhản những “xe biển xanh đi vào đường cấm”, “xe biển xanh gây tai nạn bỏ chạy”, “xe biển xanh lùi trên cao tốc”, còn xe biển xanh chạy quá tốc độ, lấn làn thì vô số.
Cái bất bình thường có lẽ nằm ở chỗ, từ lâu nhiều người trong chúng ta, cũng như lực lượng thi hành công vụ lại thấy những hình ảnh đó là bình thường. “Xe biển xanh” lâu nay giống như một tính từ, chỉ thứ đặc quyền dành cho “người nhà nước”.
Hồi năm ngoái có vụ một xe biển xanh của Tổng cục Hải quan đã ngang nhiên đi ngược chiều, lái xe có dấu hiệu say xỉn, nhưng cảnh sát giao thông lại “ngó lơ”. Chỉ đến khi clip về vụ việc được người dân đăng tải trên mạng xã hội, các cơ quan báo chí vào cuộc thì cơ quan chức năng mới điều tra làm rõ và xử phạt hành vi vi phạm.
Theo điều 22 luật Giao thông đường bộ, ngoại trừ xe ưu tiên theo quy định của pháp luật thì không có bất cứ ngoại lệ nào dành cho xe công. Vì vậy, nếu xe biển xanh vi phạm luật giao thông cũng đều phải bị xử lý vi phạm hành chính như bình thường. Nhưng ra đường mới thấy, nhiều lái xe công vụ ý thức chấp hành giao thông rất kém. Họ sẵn sàng lấn làn, vượt đèn đỏ, chèn ép các xe khác, chạy quá tốc độ, đỗ sai quy định... mà vẫn không sao.
Vì đâu mà nhiều lái xe công tự cho mình quyền được ưu tiên hơn các phương tiện khác?
Vi phạm của xe công trở thành phổ biến trước hết là do ý thức của cá nhân lái xe, nhưng cũng dễ dàng nhìn thấy cảnh sát giao thông cũng thường “ngó lơ” với những vi phạm của xe công. Có lẽ, chính bởi tâm lý, có “tuýt” mấy anh lái xe biển xanh lại cũng chẳng làm gì được, chỉ tốn thời gian; họ sẽ có cách “gọi điện cho người thân” và rồi nước cùng, các cơ quan sở hữu xe xanh sẽ can thiệp để không bị xử lý.
Trong báo cáo về việc xử lý đối với xe công vi phạm giao thông kể trên, Công an tỉnh Bình Phước cho biết ngoài xử phạt theo quy định, sẽ thông báo cho các cơ quan để theo dõi, xét thi đua cán bộ cuối năm. Đó là cách làm đúng. Hy vọng các cơ quan nhà nước khi nhận được thông báo thì đừng dung túng các hành vi sai phạm của cán bộ. Bởi đó không chỉ là cơ hội uốn nắn ý thức chấp hành luật pháp giao thông của lái xe mà chính là để thay đổi nhận thức sai của cán bộ, công chức về đặc quyền của bộ máy.
Lái xe là vị trí đơn giản trong cơ quan công quyền, nhưng mỗi người họ vẫn là đại diện cho hình ảnh của một cơ quan, tổ chức nhà nước. Đúng lẽ thì lái xe biển xanh phải có ý thức hơn những người lái xe biển trắng; Nếu có vi phạm giao thông cũng phải chấp hành nghiêm túc hơn những lái xe khác.
Nhìn rộng ra thì, chỉ khi nào, đạo đức, tác phong công vụ “ngấm” vào từng hành động nhỏ nhất của từng cá nhân dù làm việc đơn giản nhất trong hệ thống công vụ thì khi đó mới hy vọng luật pháp được thượng tôn.
Bình luận (0)