Thái độ nào dành cho người giàu?

24/01/2014 09:35 GMT+7

Tôi chưa bao giờ có đủ tiền để được gọi là giàu. Nhưng tôi chưa thấy ở đâu ghen ghét người giàu như ở xứ ta. Từ xưa cho tới nay luôn.


Thị trường chứng khoán tăng cũng giúp tài sản các doanh nhân gia tăng (tính đến ngày 3.8.2013) - Ảnh: D.Đ.M - Đồ họa: Hồng Sơn

Giàu là bị ghen

Xa xưa các cụ biết rằng “phi thương bất phú” vậy mà vẫn xếp ngành “thương” tức buôn bán vào hạng bét trong xã hội “sĩ nông công thương”. Người giàu ngày xưa được gọi là phú ông, và thường được gán cho những tính xấu như bần tiện, tham lam, gian xảo…

Những động thái hưởng thụ của người giàu thường bị đem ra bôi bác: "ăn cơm thịt bò lo ngay ngáy, ăn cơm với cáy ngáy o o".

Những câu chuyện dân gian thường cho người giàu nhiều tính xấu, người nghèo mới thông minh, chính đại, kết thúc người giàu thường bị quả báo đau khổ, còn người nghèo thì thường hạnh phúc.

Người giàu ngày nay được gọi là đại gia, nhưng cũng không thoát khỏi những tai tiếng kiểu mới như: làm giàu bất minh, xài tiền bất chính, hay ích kỷ, thích phô trương…

Nhìn thấy người giàu, câu hỏi đầu tiên của đám đông là làm gì mà giàu thế?

Và họ thường tự trả lời: làm giàu chân chính thì lâu lắm, chỉ có tham nhũng hoặc gian lận mới mau vậy. Thấy người giàu tiêu tiền tỉ, họ liền nhắc: sao không làm từ thiện. Làm từ thiện xong cũng không yên, vì họ lại bảo đó là quảng cáo với đánh bóng thương hiệu…

Suy nghĩ về người giàu như vậy, nên thái độ của đám đông trước người giàu thường là vừa ghét, vừa sợ. Và khi có một người giàu sa cơ thất thế, không ít kẻ lộ rõ vẻ hả hê.

Chúng ta đã hơn một lần đối xử tệ bạc với người giàu, đó là các lần cải cách ruộng đất và cải tạo tư sản. Hai bài học đau thương mà sau đó đất nước gần như phải làm lại từ hai bàn tay trắng. Bao giờ chúng ta mới thôi ghét người giàu?

Những “thói xấu” của người giàu như: bần tiện, tham lam, gian xảo, hoàn toàn có thể gọi bằng tên khác nếu góc nhìn khác: bần tiện chính là tiết kiệm, chi li, minh bạch rạch ròi; tham lam đích thực là hoài bão, tham vọng, hay lam hay làm; gian xảo chẳng là gì khác mưu lược, nhanh nhẹn, tháo vát nắm bắt thời cơ.

Như vậy, chẳng phải người giàu thật đáng trân trọng sao?

Tôi nghe nói một vài quốc gia phát triển có chính sách thu hút các tỉ phú đô la đến định cư ở nước họ bằng cách giảm tối đa thuế thu nhập. Càng giàu, càng được ưu đãi. Xong những tỉ phú này sẽ làm cho đời sống tầng lớp thấp hơn trở nên dễ chịu bằng cách tạo ra việc làm để phục vụ những nhu cầu của họ. Thật kỳ lạ và khó hiểu đối với chúng ta, ở ta mà như vậy hẳn không ít người sẽ thét lên rằng sao bất công làm vậy.

Hãy ngưỡng mộ người giàu để mình cũng có thể giàu

Người giàu trong một quốc gia giống như cây đại thụ trong rừng. Một khu rừng chỉ được gọi là đại ngàn nếu có nhiều cây cao to vững chắc, che chắn gió bão cho các cây nhỏ bên dưới. Một quốc gia chỉ được coi là hưng thịnh khi hiện diện nhiều công dân giàu có. Dân giàu nước mạnh là vì vậy.

Chứ nếu chăm chăm đốn cây khi vừa cao quá đầu người thì lấy đâu ra những cây mấy vòng tay ôm ngàn năm tuổi? Rừng chỉ toàn cây bằng bắp tay bắp chân thì gọi là rừng gì?

Nếu cứ ghen ghét người giàu, chả nhẽ người nghèo lại có thể làm quốc gia hưng thịnh? Người giàu như cái đầu máy, mà người nghèo là những toa xe. Lẽ nào cái toa xe không cần đầu máy?

Bao giờ chúng ta thôi ghét người giàu, bao giờ chúng ta nhìn thấy người giàu là có thể nể trọng và khâm phục họ, khi đó, chúng ta mới có hi vọng giàu có được.

Phạm Quy (*)

(*) Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, là thợ thủ công, blogger sống và làm việc tại TP.HCM

>> Người giàu ở Triều Tiên sống ra sao?
>> 10 người giàu nhất sàn chứng khoán
>> 10 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán
>> Bill Gates lại trở thành người giàu nhất thế giới
>> Khoa học chân chính không có chỗ cho lòng đố kỵ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.