Tuy vậy, trong thực tế không phải không còn những trường hợp một số người đứng đầu cơ quan né tránh khi được báo chí đề nghị cung cấp thông tin cần thiết, dù cơ quan báo chí đã thực hiện tất cả các yêu cầu theo quy định.
Có trường hợp nhà báo nhắn tin, gọi điện đủ kiểu cho lãnh đạo sở mong muốn được gặp trao đổi thông tin liên quan trách nhiệm của sở thì vị lãnh đạo im bặt như chưa hề nhận tin nhắn, cuộc gọi của nhà báo. Trường hợp khác, nhà báo hẹn người đứng đầu một huyện để phỏng vấn một chủ đề rất nóng thuộc phạm vi quản lý thì… 2 tháng sau, khi vấn đề "rất nóng" trở nên "nguội ngắt", vị này mới đồng ý tiếp xúc! Đã vậy, lúc trả lời nhà báo vị lãnh đạo huyện tìm đủ cách để "né" những vấn đề cốt lõi, trọng tâm mà người dân đặc biệt quan tâm, gửi gắm tới thông qua nhà báo, thành ra thời gian phỏng vấn gần cả buổi nhưng nội dung chuyển tải tới bạn đọc chẳng đáng kể.
Có nhiều nguyên nhân để lý giải thực trạng trên, song có hai nguyên nhân được nhiều người đồng tình, đó là những người đứng đầu cơ quan không nắm được vấn đề, chưa làm chủ thật sự công việc lãnh đạo nên thiếu tự tin; thứ hai là họ biết "trong chăn mình có rận" nên tìm cách "né tránh báo chí cho chắc ăn".
Thực tiễn cho thấy, khi có vấn đề phát sinh, nếu các địa phương, sở ngành nhanh chóng cung cấp thông tin tường tận để báo chí đăng tải, người dân nắm, hiểu và chia sẻ thì vấn đề sớm được giải tỏa; ngược lại, càng giấu giếm, né tránh càng chỉ khiến dư luận đẩy vấn đề thêm phức tạp! Thực tiễn cũng cho thấy, nơi nào đời sống báo chí sôi động, có phản ánh, phản biện mạnh mẽ thì kinh tế, xã hội địa phương đó rất phát triển; các dịch vụ công, thủ tục hành chính ở cơ quan nhà nước, văn minh đô thị, chỉ số năng lực cạnh tranh, mức độ hài lòng của người dân tốt hơn lên…
Điều này giải thích vì sao Đảng, Nhà nước luôn coi trọng vai trò của báo chí ở mọi lĩnh vực, nhất là trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Những giải báo chí như Búa Liềm Vàng, giải báo chí Diên Hồng và nhất là giải Báo chí quốc gia... ngày càng có quy mô lớn hơn nhằm ghi nhận, đánh giá đúng vị thế, vai trò của các cơ quan báo chí và nhà báo.
Tại lễ trao giải Báo chí quốc gia mới đây, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã có bài phát biểu mang lại động lực lớn cho những người làm báo, trong đó nhấn mạnh "Nhà báo cần chú trọng vai trò giám sát quyền lực và giám sát việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức trong bộ máy hành chính" và "Báo chí tiếp tục là vũ khí quan trọng trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, quan liêu, lãng phí, tệ nạn xã hội"…
Cùng tinh thần đó, Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi đã thể hiện thái độ rất quyết liệt trước thực trạng "kỳ thị" báo chí khi khẳng định sẽ "xử lý trách nhiệm thủ trưởng đơn vị không hợp tác với báo chí", tại các buổi gặp gỡ lãnh đạo, phóng viên báo đài và trong cuộc họp định kỳ 6 tháng đầu năm 2023 của UBND TP.
Rõ ràng, việc phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí... cũng là một loại năng lực quản lý mà người đứng đầu cần phải có. Đào tạo cán bộ lãnh đạo vì thế rất cần chú trọng bồi dưỡng kỹ năng này! Lẩn tránh, bất hợp tác với báo chí là biểu hiện của người lãnh đạo thiếu tự tin, khuyết năng lực quản lý - điều hành, thậm chí có thể bị hiểu là động thái bao che cho những gì không minh bạch ở hậu trường. Mặt khác, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, báo chí bị cạnh tranh bởi các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới mà thái độ hợp tác giữa địa phương, sở ngành với báo chí chính thống bị "đứt gãy" thì chẳng phải chúng ta tạo điều kiện cho những thông tin độc hại, xuyên tạc lên ngôi?
Khi mà lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, của địa phương lớn như TP.HCM đã thể hiện sự coi trọng, sẵn sàng mở lòng với báo chí như vậy thì người đứng đầu các địa phương, sở ban ngành cần có thái độ thể hiện đúng trách nhiệm, hợp tác hơn với các báo đài. Không thể để tái diễn tình trạng "trên nóng, dưới lạnh" trước những vấn đề mà dư luận, người dân cần phải được thông tin kịp thời.
Bình luận (0)