Hãng Reuters ngày 24.10 dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Sutin Klungsang cho hay nước này có thể mua tàu hộ tống của Trung Quốc thay vì tàu ngầm như dự tính trước đó, vì nhà sản xuất ở Trung Quốc không thể lắp động cơ của Đức như thỏa thuận ban đầu.
Thái Lan đã trả trước 7 tỉ baht (4.758 tỉ đồng) cho Trung Quốc để mua các tàu ngầm S26T lớp Nguyên gắn động cơ diesel do Đức sản xuất. Tuy nhiên, thỏa thuận bị hoãn sau khi Đức cấm sử dụng động cơ nước này sản xuất trong các sản phẩm xuất khẩu của Trung Quốc.
Trung Quốc đã đề xuất thay thế động cơ của Đức bằng thiết bị do Trung Quốc sản xuất, nhưng nhiều vòng đàm phán không mang lại kết quả thuyết phục.
Chính phủ mới của Thái Lan, tuyên thệ nhậm chức vào tháng trước sau cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 5, cho biết trong chuyến thăm của Thủ tướng Srettha Thavisin tới Bắc Kinh dự Hội nghị thượng đỉnh Vành đai và Con đường vào tuần trước rằng họ đã đề xuất về việc mua một tàu hộ tống thay cho tàu ngầm.
"Chúng tôi đã đề xuất với Trung Quốc và họ đang cân nhắc", theo Bộ trưởng Sutin. Ông cho biết sẽ có thêm thảo luận về kế hoạch mới vào tháng 11.
Tuần trước, ông Sutin nói rằng việc mua tàu ngầm hiện tạm gác lại và sẽ khôi phục "khi đất nước sẵn sàng".
Chính phủ nhiệm kỳ trước đó đã thỏa thuận mua xong một trong 3 tàu ngầm vào năm 2017 với giá 13,5 tỉ baht. Đơn hàng mua 2 chiếc còn lại giá 22,5 tỉ baht ban đầu được một ủy ban của quốc hội phê duyệt vào năm 2020.
Tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo Trung Quốc bắt đầu thường trực tuần tra
Thỏa thuận mua tàu ngầm của Trung Quốc khiến chính phủ nhiệm kỳ trước bị chỉ trích, khi phe đối lập và nhiều nhà phê bình đặt câu hỏi rằng thương vụ đó có cần thiết cho an ninh hay không. Hải quân Thái Lan cho rằng việc mua tàu ngầm có ý nghĩa quan trọng về quốc phòng dài hạn.
Bình luận (0)