Kế hoạch dẫn nước từ sông Mê Kông vào các đập chứa để chống hạn của Thái Lan đang vấp phải nhiều cảnh báo trong lẫn ngoài nước này.
Quan chức Thái Lan thị sát một hồ chứa nước - Ảnh: The Bangkok Post |
Như Thanh Niên số ngày 15.1 đã phản ánh, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha vừa chủ trì cuộc họp thông qua về mặt chủ trương kế hoạch của Ủy ban Tài nguyên nước triển khai 2 siêu dự án dẫn nước từ 2 con sông vào các hồ chứa để chống hạn hán, phục vụ nông nghiệp.
Nguồn nước sông Moei giáp Myanmar có thể được dẫn vào hồ nước tại đập Bhumibol ở tỉnh Tak. Trong khi đó, nước sông Mê Kông có thể được đưa đến các con đập chính ở vùng đông bắc theo nhánh sông Huay Luang ở tỉnh Nong Khai.
Theo trang tin Thai PBS, Ủy ban Tài nguyên nước Thái Lan cũng đã chỉ định Cục Tài nguyên nước và Cục Tưới tiêu hoàng gia tiến hành nghiên cứu khả thi đối với 2 siêu dự án này.
Ngay sau những thông tin trên, nhiều chuyên gia Thái Lan và quốc tế đã lên tiếng bày tỏ lo ngại về tính thiếu hiệu quả của dự án cũng như ảnh hưởng nặng nề tới môi trường vùng hạ lưu sông Mê Kông, bao gồm ĐBSCL của VN.
“Ít nước nào chọn phương pháp này”
Trong bài xã luận ngày 15.1, tờ The Nation của Thái Lan khẳng định dự án lấy nước từ sông Mê Kông sẽ gây tác hại to lớn và khó lường đối với môi trường đồng thời gia tăng căng thẳng trong khu vực. “Bơm nước từ sông Mê Kông sẽ khá phức tạp vì không chỉ một hai nước mà tới 6 quốc gia cùng chia sẻ con sông này. Ngoại trừ những tác động xấu về môi trường, điều này có thể dẫn tới mâu thuẫn giữa các nước”, bài báo viết.
Bên cạnh đó, The Nation khẳng định: “Sạt lở ven bờ là một trong những mối đe dọa nghiêm trọng và cấp bách từ việc “nắn” dòng nên ít có quốc gia nào lại chọn phương pháp này”. Tác giả bài xã luận, nhà báo Piyaporn Wongruang, viết thêm: “Tôi tự hỏi liệu dự án này có thật sự giải quyết vấn đề về nước của chúng ta? Chuyển dòng chảy từ các con sông luôn là ý tưởng giải pháp phổ biến để đối phó hạn hán ở Thái Lan. Tuy nhiên, sau hơn 1 thập niên theo dõi vấn đề, tôi nhận ra rằng các dự án kiểu này chỉ là những tham vọng cũ kỹ được lôi ra lại mà thôi”.
Theo ông Piyaporn, Thái Lan cần có giải pháp bền vững và xây dựng hệ thống quản lý tài nguyên nước thích hợp, đồng thời thay đổi thói quen lãng phí nước của mỗi người thay vì “cứ trân mình chịu đựng vào mỗi đợt khô hạn”.
VN theo dõi sát sao
Trao đổi với Thanh Niên, Chánh văn phòng Ủy ban Sông Mê Kông VN Lê Đức Trung cho hay Thái Lan đang có 2 dạng dự án là chuyển nước trong chính lưu vực sông Mê Kông (không gây ảnh hưởng nhiều) và chuyển nước ra ngoài lưu vực sông Mê Kông (gây tác động mạnh đến vùng hạ lưu). Dự án chuyển nước ra khỏi lưu vực sông Mê Kông được nước này ấp ủ từ vài chục năm nay, gần đây thông tin về dự án lại rộ lên và VN luôn theo sát diễn biến tình hình.
“Chúng tôi đồng tình với những ý kiến của TS Đào Trọng Tứ, PGS-TS Lê Anh Tuấn phát biểu trên Báo Thanh Niên. Vấn đề sông Mê Kông rất quan trọng nên chắc chắn chúng tôi sẽ luôn bám sát, trao đổi thường xuyên với phía Thái Lan. Nếu họ chuyển nước ra khỏi lưu vực sông Mê Kông hay chuyển nước vào mùa khô, chắc chắn VN sẽ có ý kiến. Đây là cuộc đấu tranh lâu dài, từ nhiều năm nay và sẽ không kết thúc sớm. VN sẽ tranh thủ diễn đàn Ủy hội Sông Mê Kông hay đối thoại song phương với Thái Lan về vấn đề này trên cơ sở tuân thủ luật lệ quốc tế, đảm bảo lợi ích các bên cũng như giảm thiểu tối đa tác động xấu lên vùng hạ lưu”, ông Trung cho hay.
Ông Trung cho biết, tháng 3 tới, tại cuộc họp của Ủy hội Sông Mê Kông, có thể VN sẽ đưa vấn đề chuyển nước này ra đề nghị phía Thái Lan trả lời, công khai thông tin để các bên liên quan cùng có ý kiến. Bên cạnh đó, VN sẽ vận động Lào và Campuchia cùng tham gia chất vấn Thái Lan, đề nghị công khai thông tin, xem xét Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án chuyển nước
Theo ông Trung, đến nay, nước ta đã có một số nghiên cứu, đánh giá tác động khi Thái Lan thực hiện dự án chuyển nước.
Kết quả sơ bộ thể hiện dự án này có nhiều tác động lớn, đặc biệt vào mùa khô sẽ gây thiếu nước, ảnh hưởng hệ sinh thái vùng hạ lưu. Những vùng càng gần biên giới như Đồng Tháp, An Giang... sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất, nhanh nhất. Bên cạnh đó, hiện tượng xâm mặn ở hạ lưu giáp biển sẽ tăng, đặc biệt ở vùng Bạc Liêu, Sóc Trăng sẽ bị ảnh hưởng nhiều.
Khu vực cần cơ chế mới
Trả lời Thanh Niên về cơ chế phối hợp giữa các nước sông Mê Kông, ông Robert Mather, Trưởng chương trình Đông Nam Á thuộc Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), cho biết các thành viên hiện chỉ thông qua Ủy ban Sông Mê Kông (MRC).
Trong khi đó, Thỏa thuận sông Mê Kông năm 1995 đã trở nên lỗi thời trước những bất đồng mới. Ông kêu gọi các nước ký kết Công ước về nguồn nước LHQ mà mới chỉ có VN là thành viên duy nhất của MRC ký vào năm 2014. “Việc ký kết công ước của Lào, Campuchia và Thái Lan sẽ không giải quyết tất cả các vấn đề về nước trong khu vực. Tuy nhiên, nó có thể giúp giảm căng thẳng nếu các nước đánh giá thận trọng hơn về cái giá phải trả và tìm giải pháp thay thế dựa trên thông tin đầy đủ giữa các bên”, chuyên gia Mather nhận định.
Khánh An
|
Bình luận (0)