Năm ngoái, Thái Lan trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Á phi hình sự hóa cần sa sau khi loại bỏ cây này khỏi danh sách chất gây nghiện. Điều đó dẫn đến sự bùng nổ của các quán cà phê cần sa và trạm phân phối cần sa ở các điểm du lịch nổi tiếng như Bangkok, Chiang Mai và Pattaya.
Tuy nhiên, việc không thông qua luật để quản lý việc sử dụng nó đã tạo ra một khoảng trống pháp lý ở nước này.
Do đó, trong bài phỏng vấn được tờ The Guardian đăng hôm nay (22.9), Thủ tướng Sretta, người vừa lên nắm quyền vào tháng trước, đã thuyết phục chính phủ liên minh của ông phải thay đổi luật và cấm sử dụng nước này vào mục đích giải trí.
Chính phủ liên minh của ông Sretta gồm 11 đảng, Pheu Thai do ông dẫn đầu và 10 đảng khác, đã đẩy mạnh chính sách về chiến dịch chống ma túy theo đường lối cứng rắn từ trước cuộc bầu cử.
"Luật sẽ cần phải được viết lại. Nó cần phải được sửa chữa. Chúng tôi có thể quy định thứ đó chỉ dành cho mục đích y tế", ông Srettha phát biểu tại New York (Mỹ), nơi ông đang tham dự cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.
Khi được hỏi liệu có thỏa hiệp nào cho việc sử dụng cần sa để giải trí hay không, ông Srettha trả lời "không" và nói thêm rằng các vấn đề phát sinh từ việc sử dụng ma túy "gần đây đã lan rộng".
Theo tờ Pattaya Mall, vào năm ngoái, khoảng 6.000 trạm điều chế cần sa đã mở trên toàn quốc và hầu hết trong số này không hề che giấu việc bán chất gây nghiện cho người dân Thái Lan và nước ngoài để giải trí. Do đó, quyết định mới có thể khiến các cơ sở này đóng cửa.
Một số nhà khai thác du lịch đã hoan nghênh việc chính phủ cấm cần sa. Ông Thanet Supornsahasrungsi, Tổng giám đốc tập đoàn Sunshine Hotels and Resorts ở Pattaya, cho biết hầu hết các cửa hàng cần sa mở cửa đều nhằm mục đích giải trí và đã có báo cáo về việc sử dụng quá liều.
Ông Thanet nói với tờ The Bangkok Post: "Nếu muốn sử dụng nó cho mục đích y tế, cơ quan thực thi pháp luật phải chặt chẽ hơn để đảm bảo có thể cung cấp cho họ phương pháp điều trị y tế an toàn cho sức khỏe của họ".
Bình luận (0)