Đó là kết quả của cuộc họp giữa Bộ Ngoại giao Thái Lan cùng ban lãnh đạo cũ và mới của Học viện Công nghệ châu Á (AIT) chiều ngày 12.12. Cuộc họp được triệu tập khẩn cấp trước những bức xúc và lo lắng của học viện và giảng viên. Tuy nhiên để có được quyết định này, học viện này phải khôi phục lại ban lãnh đạo cũ (Board of Trustees) và người đứng đầu ban lãnh đạo này là đại diện của Bộ Ngoại giao Thái Lan. Hội đồng lãnh đạo mới (Council) vẫn chưa được công nhận sẽ tiếp tục chờ đợi chính phủ đệ trình quốc hội Thái Lan thông qua trong những cuộc họp sắp tới.
|
Trao đổi với Thanh Niên ngày 13.12, ông Said Irandoust, Hiệu trưởng học viện này, cho biết với quyết định trên không chỉ bằng tốt nghiệp của học viên sắp ra trường mà cả người đã tốt nghiệp cũng được chính phủ Thái Lan công nhận trở lại. Theo đó, bằng tốt nghiệp mới sẽ được hiệu trưởng AIT và cả chủ tịch của Board of Trustees vừa được khôi phục cùng ký chứng nhận. Bằng cấp của học viên 2 khóa tốt nghiệp hồi tháng 6 và 8 năm 2012 sẽ được thu hồi để được cấp bằng mới với chữ ký của lãnh đạo AIT đã được chính phủ Thái Lan công nhận trước đây.
Nguyễn Duy Hùng, nghiên cứu sinh năm 3 ngành viễn thám thuộc Trường Công nghệ của AIT, chia sẻ sự vui mừng của mình trước quyết định của Thái Lan. Bởi, theo Hùng, ngoài quyết định công nhận bằng cấp, chính phủ Thái Lan sẽ quyết định giải ngân tiền trợ cấp cho AIT và học bổng cho học viên. Thái Lan dự kiến giải ngân khoảng 10 triệu USD cho AIT.
Quyết định của Bộ Ngoại giao Thái Lan đã giải quyết cơ bản tình trạng khủng hoảng của học viện. Sau cuộc biểu tình hồi ngày 10.12, các học viên dọa sẽ đồng loạt bãi khóa nếu lãnh đạo học viện không tìm ra giải pháp cho vấn đề bằng cấp. Tuy nhiên khi nào Thái Lan sẽ phê chuẩn hiến chương và công nhận hội đồng quản trị mới của AIT là vấn đề không đơn giản. Khôi phục lại hồi đồng quản trị cũ chỉ là giải pháp tạm thời để giải quyết khủng hoảng ở học viện này trong khi mâu thuẫn giữa những nhóm lợi ích liên quan vẫn còn tồn tại. Trong khi hội đồng quản trị và hiến chương mới của AIT đã được 9 nước phê chuẩn như hiến chương liên chính phủ vì vậy không thể bị chối bỏ.
AIT Việt Nam tạo nguồn thu đáng kể cho AIT mẹ PV Thanh Niên có cuộc phỏng vấn ông Ngô Đức Thắng (ảnh), Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan, về vai trò của Việt Nam trong việc giải quyết vấn đề trong AIT. Tại sao lại mất nhiều thời gian giải quyết vấn đề AIT, thưa đại sứ? Đó là do mâu thuẫn của lợi ích nhóm có liên quan trong và ngoài học viện này làm mất cân bằng quyền lợi và quyền hạn trong khi những người có quyền quyết định lại quá cứng rắn. Kết quả là học viên, giảng viên và chính AIT là đối tượng chịu thiệt. Giải pháp khôi phục lại hội đồng quản trị cũ trong khi chờ nước chủ nhà phê chuẩn hội đồng mới khá đơn giản nhưng các bên lại không chịu xúc tiến sớm cũng vì sự cứng rắn quá mức đó. Việt Nam là nước thành viên trong hội đồng quản trị cũ cũng như mới. Tại sao Việt Nam không đứng ra để dàn xếp vấn đề của AIT? Ngay từ đầu Việt Nam có quan điểm rất dung hòa về vấn đề của học viện. Tôi cho rằng khôi phục lại hội đồng quản trị cũ trong thời gian quá độ là hợp lý nhất. Tuy nhiên Việt Nam không thể đứng ra dàn xếp vấn đề vì đầu năm 2012 hội đồng cũ giải tán thì đến tháng 8.2012 Việt Nam mới phê chuẩn hiến chương AIT. Tức là trong phần lớn khoảng thời gian đó Việt Nam không thể làm gì vì tư cách thành viên chưa được công nhận. Dẫu khôi phục hội đồng quản trị cũ chỉ là giải pháp tình thế nhưng nó giải quyết vấn đề căn bản, nhất là vấn đề bằng cấp và tài chính đang trong giai đoạn khó khăn, các nguồn thu sụt giảm đáng kể. Nếu không nhờ nguồn tiền dự trữ, không biết chuyện gì sẽ xảy ra với AIT. Có ý kiến cho rằng chính AIT Việt Nam đã cứu AIT mẹ trong thời gian khó khăn này? Có nhiều người cũng đặt vấn đề đó. Trước tiên phải nói rằng AIT Việt Nam là một trong những trụ sở ở nước ngoài hoạt động hiệu quả và tạo được nguồn thu đáng kể. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của tôi thì các nguồn thu ở Việt Nam chuyển về AIT mẹ phần lớn là các khoản chi phí cho những hoạt động đào tạo được AIT mẹ cung cấp. Còn khoản thặng dư được tích lũy nhiều năm nay khoảng trên 100 triệu baht (70 tỉ đồng) vẫn được lưu ở Việt Nam để phục vụ cho công tác đào tạo và phát triển. Nó chỉ được chuyển về AIT mẹ nếu AIT đóng trụ sở ở Việt Nam. Xin nói thêm là khoản này cũng đáng kể vì tương đương với khoản dự trữ hiện nay của AIT mẹ. Theo đại sứ liệu Thái Lan có phê chuẩn hiến chương của hội đồng quản trị mới không? Trước khi trả lời câu này tôi muốn giải thích vì sao có hội đồng quản trị mới và thay thế hội đồng quản trị cũ. Ý tưởng này trước tiên là do phía Thái Lan đề xuất, xuất phát từ nhu cầu thực tế trong các mối quan hệ của AIT. Với cơ chế cũ, AIT giống một trung tâm tiếp nhận trợ cấp của nước phát triển dành cho nước kém phát triển. Nhưng đối với cơ chế mới AIT là một sự hợp tác liên chính phủ nên có vai trò và tầm ảnh hưởng lớn hơn. Chính chính phủ Thái Lan là thành viên đầu tiên đồng ý ký kết hiến chương hội đồng quản trị mới. Nhưng do có những nhóm lợi ích phát sinh trong thời gian chờ quốc hội phê chuẩn đã xảy ra những vấn đề như mọi người đã thấy. Để trả lời câu hỏi liệu Thái Lan có phê chuẩn công nhận hiến chương mới không, không ai dám khẳng định có hay không, ngay cả đại diện phía Thái Lan. Tuy nhiên, tôi cho rằng Thái Lan không thể bỏ ý tưởng ban đầu của họ. Vấn đề là khi nào mâu thuẫn nội bộ Thái Lan được giải quyết thì khi đó có thể chắc rằng hiến chương và hội đồng quản trị mới sẽ được công nhận. Minh Quang |
Minh Quang
(Văn phòng Bangkok)
>> Phá đường dây làm giả bằng cấp lớn nhất từ trước đến nay ở Đà Nẵng
>> Lưu ý chuyển đổi bằng cấp du học Mỹ
>> AIT thuyết phục chính phủ Thái Lan công nhận bằng cấp
>> Lo lắng tính hợp pháp của bằng cấp AIT tại VN
Bình luận (0)