Thái Lan, Trung Quốc đánh thuế lãi tiết kiệm, Việt Nam có nên không?

19/02/2025 11:57 GMT+7

Hiện nay, các quốc gia như Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc đều đánh thuế thu nhập cá nhân với lãi tiết kiệm. Tuy nhiên, nhiều quan điểm cho rằng thời điểm hiện tại, Việt Nam chưa nên áp dụng.

Tại dự thảo tờ trình đề nghị xây dựng dự án luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) mới nhất gửi Chính phủ, Bộ Tài chính đề xuất cần rà soát bổ sung quy định về thu nhập chịu thuế theo hướng bổ sung nhóm thu nhập khác (đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết cho phù hợp với tình hình thực tế), hoặc quy định cụ thể các khoản thu nhập khác là thu nhập chịu thuế.

Thái Lan, Trung Quốc đánh thuế lãi tiết kiệm, Việt Nam có nên không?- Ảnh 1.

Nhiều chuyên gia cho rằng, đánh thuế lãi suất tiền gửi chưa thực sự phù hợp ở thời điểm hiện tại

ẢNH: NGỌC THẮNG

Qua rà soát kinh nghiệm của các nước quy định về các loại hình thu nhập chịu thuế, ngoài việc liệt kê các nhóm thu nhập như thu nhập từ việc làm; thu nhập từ tác quyền; thu nhập từ kinh doanh cá nhân... còn có quy định nhóm thu nhập khác để bao quát các trường hợp trên thực tế có thể phát sinh mà tại thời điểm ban hành luật có thể chưa xuất hiện trên thực tế.

Bộ này dẫn ví dụ, ở Thái Lan, thu nhập chịu thuế bao hàm cả thu nhập bằng tiền và hiện vật. Bất kỳ lợi ích nào do người sử dụng lao động hoặc những người khác cung cấp, chẳng hạn như nhà cho thuê miễn phí hoặc số thuế do người sử dụng lao động trả thay cho người lao động cũng được coi là thu nhập chịu thuế để tính thuế thu nhập cá nhân (TNCN).

Thu nhập chịu thuế tại Thái Lan được chia thành 8 loại, trong đó có thu nhập từ cổ tức, lãi tiền gửi ngân hàng ở Thái Lan, thu nhập từ đầu tư vốn.

Ở Trung Quốc, luật Thuế TNCN quy định 9 loại thu nhập chịu thuế TNCN, trong đó cũng có thu nhập từ lãi suất, cổ tức và phân phối lợi nhuận.

Tương tự, ở Hàn Quốc, thu nhập chịu thuế TNCN ngoài thu nhập từ tiền công, tiền lương lao động; thu nhập từ kinh doanh; thu nhập từ cổ tức…, cũng có thu nhập từ tiền lãi.

Tuy Bộ Tài chính chưa chính thức đề xuất cụ thể đưa lãi suất tiết kiệm vào khoản thu đánh thuế TNCN, nhưng việc đặt ra vấn đề này như trên cũng thu hút sự chú ý của đông đảo dư luận.

Góp ý vào dự thảo, UBND tỉnh Ninh Thuận đề nghị miễn thuế TNCN cho khoản thu lãi suất tiền gửi tiết kiệm. Trong khi đó, theo UBND TP.Cần Thơ, chỉ nên miễn thuế TNCN với lãi tiền gửi tiết kiệm khi quy mô tiết kiệm nhỏ.

Nguy cơ dịch chuyển dòng tiền vào lĩnh vực kém bền vững

Trao đổi với Thanh Niên, chuyên gia thuế Nguyễn Văn Được, Tổng giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín, cho rằng đánh thuế lãi suất tiền gửi ngân hàng nhằm mở rộng cơ sở thuế và đảm bảo công bằng giữa các đối tượng. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, chính sách này chưa thực sự phù hợp, có thể gây nhiều hệ lụy không tốt cho nền kinh tế.

Thái Lan, Trung Quốc đánh thuế lãi tiết kiệm, Việt Nam có nên không?- Ảnh 2.

Nếu áp thuế đối với tiền gửi tiết kiệm sẽ tác động đến huy động vốn của hệ thống ngân hàng

ẢNH: NGỌC THẮNG

Nếu áp thuế lên lãi suất tiền gửi, người dân có thể không còn mặn mà gửi tiền vào ngân hàng mà sẽ tìm kiếm các kênh đầu tư khác. Điều này có thể dẫn đến sự dịch chuyển dòng tiền vào các lĩnh vực kém bền vững, thậm chí tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, tiền ảo…, làm gia tăng nguy cơ lừa đảo, gây bất ổn cho nền kinh tế.

"Xét về nguyên tắc chung, việc thu thuế lãi suất tiền gửi có thể khả thi, nhưng trong bối cảnh hiện nay, điều này chưa thực sự hợp lý.

Nếu vẫn xem xét tiến hành, áp dụng thuế với lãi suất khi lượng tiền gửi từ 500 triệu đồng trở lên cần có sự đánh giá kỹ lưỡng. Đa phần doanh nghiệp sử dụng vốn để kinh doanh thay vì gửi ngân hàng, trong khi cá nhân gửi tiền chủ yếu để hưởng lãi suất. Việc đánh thuế có thể làm mất cân bằng dòng tiền, thúc đẩy xu hướng đầu tư vào các lĩnh vực ít tạo ra giá trị thực.

Trước khi đưa ra quyết định có nên đánh thuế hay không, cần thực hiện đánh giá tổng thể về quy mô thị trường tiền gửi, tỷ lệ tiền gửi từ cá nhân và tổ chức. Đồng thời, cần xây dựng và hoàn thiện thị trường đầu tư lành mạnh, từ đó xây dựng chính sách phù hợp, đảm bảo ổn định kinh tế và tài chính quốc gia", ông Được nhấn mạnh.

Nhìn nhận về bản chất, tiền gửi tiết kiệm là kênh đầu tư thì chịu thuế cũng là chuyện bình thường, song chuyên gia thuế, TS Nguyễn Ngọc Tú, giảng viên Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, cũng cho rằng với tình hình thực tế của Việt Nam hiện nay, trong vòng 5 năm tới chưa nên áp dụng nhằm hỗ trợ nền kinh tế.

"Việt Nam đang phát triển, tăng trưởng kinh tế nhanh đòi hỏi nguồn vốn nói chung ở mức cao, trong đó nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào tín dụng ngân hàng. Giả sử đặt trường hợp áp thuế đối với tiền gửi tiết kiệm, điều này sẽ tác động đến huy động vốn của hệ thống ngân hàng, dòng tiền có thể tìm kiếm kênh sinh lời khác", ông Tú nói.

Một số ý kiến khác nhìn nhận, nếu tính thuế trên lãi suất tiền gửi ngân hàng thì cũng phải đưa các kênh đầu tư khác vào đối tượng chịu thuế, ví dụ như tiền lãi từ bán vàng có bị tính thuế hay không.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.