Theo đó, thủ tướng Prayut và Bộ trưởng Lao động Sirichai Distakul yêu cầu các tỉnh thành trên toàn quốc phải siết chặt quản lý tình hình lao động nước ngoài bất hợp pháp tại Thái. Đối tượng bị kiểm tra chủ yếu là những người bán hàng rong trên phố.
Dù đợt truy quét này không chỉ nhắm vào lao động Việt Nam bất hợp pháp mà còn cả người Campuchia, Lào, và Myanmar, nhưng nguyên nhân chiến dịch được cho là do việc pha chế, làm giả nước cam ép của một số người Việt Nam mới đây đã làm người Thái rất bức xúc.
Như Thanh Niên đã đưa tin, hồi đầu tuần cảnh sát và quân đội tỉnh Saraburi bắt bốn người Việt Nam vì pha chế nước cam giả bán lừa khách hàng. Vụ việc này khiến người dân phẫn nộ, yêu cầu chính quyền phải quan tâm hơn đến chất lượng và an toàn vệ sinh của thực phẩm đường phố.
tin liên quan
Thái Lan bắt bốn người VN làm giả nước cam épBốn người VN vừa bị cảnh sát Thái Lan bắt vì pha chế nước cam giả để bán, theo Khaosod ngày 24.5.
Những ngày qua truyền thông Thái Lan cũng phổ biến số điện thoại đường dây nóng để người dân có thể gọi cung cấp thông tin nếu gặp người nước ngoài làm việc bất hợp pháp.
Anh Phan Nhân Minh, 36 tuổi, bán trái cây khu Ekkamai nói với Thanh Niên: “Mấy ngày nay tôi phải nằm trong phòng trọ, không dám ra đường. Chỉ vì mấy người lừa đảo đó mà ảnh hưởng đến cả cộng đồng người Việt buôn bán đàng hoàng ở đây”.
Theo Linh mục Anthony Lê Đức - người nắm rất rõ tình hình lao động nhập cư Việt Nam tại Thái - nhiều lao động Việt Nam cho hay những cảnh sát di trú mà họ quen cũng như chủ thuê đã khuyên họ ngừng hoạt động trong thời gian này vì không an toàn.
Không chỉ tăng cường kiểm tra các xe hàng rong, những ngày qua cảnh sát và quân đội còn lùng sục các khu trọ tập trung đông dân nhập cư để bắt lao động bất hợp pháp.
Theo Manager, tối 25.5, cảnh sát tỉnh Udon Thani (đông bắc Thái Lan) đã kiểm tra một phòng trọ và bắt 6 người Việt Nam bán trái cây, đồng thời tạm giữ 4 người Việt Nam khác bán hàng rong trên phố.
Chiều ngày 27.5, khi được hỏi về tình hình mấy ngày qua, chị Ngô Thị Thảo, 30 tuổi, bán nước lựu ở khu Nana than: “Bây giờ cảnh sát và quân đội đi bắt người bất kể giờ giấc, 2-3 giờ sáng mà dân hàng rong nhập cư còn phải chạy trốn gần chết. Dân Việt Nam bán trái cây, nước lựu, chanh khu Pratunam - nơi tập trung đông khách du lịch - cũng sợ quá trốn về nước gần hết. Riêng tụi tôi không dám ngủ lại khu trọ nữa mà phải qua nhà một người Thái xin tạm lánh”.
Lao động bất hợp pháp tại Thái Lan có thể bị phạt đến 100.000 baht (khoảng 63 triệu đồng) và tù giam đến 5 năm.
Bình luận (0)