Thái Nguyên: Sống thấp thỏm dưới túi 'bom thải' mỏ than Minh Tiến

17/08/2020 09:38 GMT+7

Nhiều năm nay, người dân xóm Ao Soi (xã Na Mao, H.Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) luôn sống trong cảnh thấp thỏm khi túi “bom thải” sau khai thác than tập kết trên núi Hồng chực chờ sạt lở, vùi lấp nhà dân.

Cứ mưa là phải chạy!

Trận mưa lớn sau cơn bão số 2 đầu tháng 8 vừa qua khiến các vết lún nứt ở bãi thải mỏ than Minh Tiến của Công ty CP Yên Phước (H.Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) ngày càng nới rộng, nguy cơ sạt lở hàng nghìn mét khối bùn thải ngày càng hiện hữu. Nhưng từ nhiều năm trước đó, người dân xóm Ao Soi, xã Na Mao (nằm ngay dưới chân núi Hồng, nơi bãi thải mỏ than Minh Tiến “treo” lơ lửng trên đầu) đã luôn phải sống trong tâm trạng thấp thỏm.

Khổ như người dân sống dưới bãi thải mỏ than Minh Tiến: Cứ mưa là chạy

Dẫn chúng tôi đi bộ ngược núi Hồng, sau khoảng 15 phút, ông Vi Văn Lục chỉ con đường bị dòng nước lũ từ bãi thải làm xói lở với rãnh sâu hoắm, và cho biết, chân núi Hồng là rừng sản xuất trồng keo của hàng chục hộ dân trong xóm Ao Soi. Để làm gỗ, lên rừng thuận lợi, con đường này do người dân khai phá và sử dụng từ hàng chục năm nay. Nhưng từ khi có bãi thải của mỏ than Minh Tiến, mỗi khi mưa lớn, nước từ trên bãi thải dốc thẳng xuống, khiến con đường trở thành dòng chảy. Mưa lớn, nước cuồn cuộn chảy bóc hết mặt đường, trơ ra đá hộc, xói lở thành những hố sâu. Chất thải theo đó xuống vùi lấp nhiều nương chè, ao cá, khiến người dân không thể sản xuất.
Nhà nằm ngay dưới chân núi hồng, ông Vi Văn Lục cho biết, từ khoảng hơn 1 năm trở lại đây, người dân và chính quyền địa phương phát hiện vết sạt lở phía trên bãi thải. “Cũng từ đó, mỗi khi trời mưa to, dù giữa đêm, cả nhà cũng phải dậy để sơ tán, bố mẹ già, vợ con thì vào nhà người thân ở giữa xóm, chỉ còn tôi ở lại trông giữ tài sản. Cứ mưa là phải chạy, vì lo bãi thải sạt lở bất thình lình”, ông Lục ngao ngán cho biết.
Vay tiền ngân hàng để làm kè bờ ao thả cá nhưng đành bỏ hoang, phải gánh thêm “cục nợ”, ông Lương Văn Xuân, nhà ở xóm Ao Soi, cũng cho biết, nhà ông nằm ngay bên dòng chảy bùn thải dốc theo con đường làm gỗ. Mỗi khi mưa to, bùn thải “tụt” hết vào ao khiến ao bị bồi lắng, không thả được cá. Các khu ruộng gần nhà, ông Xuân không thể trồng cấy được gì, vì mưa xuống là bị ngập lụt, vùi lấp.
Theo ông Xuân, khi có dấu hiệu sạt lở, chính quyền xã cho người lên biển đánh dấu cảnh báo, nhưng đến ngày hôm sau, nền bãi thải đã tụt sâu hơn, đẩy biển báo đi chỗ khác. “Mỗi lần mưa to là dân ở đây phải chạy sâu vào trong xóm bảo vệ tính mạng trước, nhưng còn tài sản, đàn trâu, bò thì không biết đưa đi đâu cho kịp”, ông Xuân nói.

Dựng chốt ngăn dân vào vùng nguy hiểm

Theo khảo sát của UBND H.Đại Từ, khu vực bãi đổ thải mỏ than Minh Tiến của Công ty CP Yên Phước có hiện tượng lún, nứt đất từ tháng 11.2019, với các vết nứt rộng từ 0,5 - 1,5 m, chiều dài từ 10 - 20 m. Đặc biệt, có nhiều vết nứt ăn sâu xuống lòng đất, ảnh hưởng đến các khu đất đồi của người dân xóm Cây Thổ và Ao Sen, xã Na Mao.
Do ảnh hưởng của các trận mưa lớn liên tục đầu tháng 8, bãi thải thuộc xóm Ao Sen tiếp tục xảy ra hiện tượng sụt lún đất, đá trên khu vực 3 bể lắng thuộc chân bãi thải, với chiều dài khoảng 30 m, lún sâu 0,6 m. Cũng theo ước tính, hiện tượng này sẽ khiến khoảng 9.000 m3 bùn thải, đất đá có nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào xuống khu vực dân cư xã Na Mao.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Vi Thanh Văn, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự xã Na Mao, cho biết qua rà soát của địa phương, hiện có 9 hộ dân với 36 người nằm trọn trong vùng nguy hiểm và 22 hộ dân khác bị ảnh hưởng trực tiếp nếu xảy ra sự cố sạt lở.
“Ý thức về sự nguy hiểm của bãi thải, Ban Chỉ huy quân sự xã Na Mao đã cử cán bộ cứ vài ngày một lần lại đi bộ lên khu vực bãi thải ghi nhận hiện trường, kịp thời phát hiện dấu hiệu nguy hiểm để cảnh báo đến người dân dưới chân núi”, ông Văn nói.
Ông Phạm Quang Anh, Chủ tịch UBND H.Đại Từ, cho biết trước mắt, huyện với chính quyền địa phương lập các chốt chặn, cử lực lượng cảnh giới nghiêm cấm người dân đi lại hoặc chăn thả gia súc vào khu vực có nguy cơ sạt lở. Về lâu dài, UBND H.Đại Từ đã báo cáo với UBND tỉnh Thái Nguyên làm việc với doanh nghiệp để có phương án di chuyển các hộ dân để đảm bảo an toàn; yêu cầu chủ mỏ hạn chế tối đa đổ thải, xử lý các vết lún nứt, giảm thiểu nguy cơ sạt lở xuống khu vực dân cư.
Yêu cầu doanh nghiệp dừng đổ thải
Liên quan đến nguy cơ sạt lở bãi thải mỏ than Minh Tiến, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Dương Văn Lượng đã ký văn bản yêu cầu Công ty CP Yên Phước phải dừng đổ thải vào bãi thải phía nam núi Hồng, khi khu vực này đang có nhiều nguy cơ sạt lở; phải có biện pháp xử lý cắt thêm tầng thải ở khu vực xảy ra hoặc có nguy cơ sạt lở, sụt lún.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng phương án chủ động đảm bảo an toàn tuyệt đối về tính mạng và tài sản người dân nếu có sự cố xảy ra do hoạt động đổ thải, trong đó có phương án di dời các hộ dân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.