Biến chứng nặng nhất do vi rút Zika có liên quan đến chứng đầu nhỏ ở thai nhi, trẻ sơ sinh. Vậy thai phụ cần làm gì khi vi rút Zika đã xuất hiện tại Việt Nam.
Em bé sơ sinh bị chứng đầu nhỏ - Ảnh: Reuters |
Bệnh nhẹ, nhưng cần xét nghiệm khi có triệu chứng
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Bệnh do vi rút Zika thường nhẹ, còn nhẹ hơn sốt xuất huyết. Người nhiễm vi rút Zika không có triệu chứng đặc trưng, chỉ sốt, mỏi mệt (đau mỏi vai, khớp), phát ban. Với người lớn nhiễm vi rút Zika hầu như không có vấn đề gì và có thể khỏi sau 4-5 ngày điều trị triệu chứng.
Biến chứng nguy hiểm nhất do vi rút Zika theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là có liên quan đến chứng đầu nhỏ (teo não) ở trẻ sơ sinh nếu người mẹ khi mang thai ở 3 tháng đầu bị nhiễm Zika. Tuy nhiên, không phải thai phụ nào bị nhiễm Zika thì em bé sinh ra cũng bị đầu nhỏ.
Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương (TP.HCM), cho biết: Hội chứng đầu nhỏ không phổ biến. Thai nhi bị đầu nhỏ (teo não) sẽ bị ảnh hưởng đến sự phát triển thần kinh; ảnh hưởng đến các chức năng thần kinh, tâm thần vận động. Vì vậy, trong trường hợp xác định thai nhi bị chứng đầu nhỏ sẽ có chỉ định, tư vấn chấm dứt thai kỳ. Có nhiều nguyên nhân gây ra đầu nhỏ ở trẻ (thai phụ bị mắc rubela; có liên quan tới tổn thương nhiễm sắc thể, ảnh hưởng bởi gien gi truyền;…) trong đó có nguyên nhân liên quan đến vi rút Zika.
“Tuy nhiên, không phải thai phụ nào bị nhiễm vi rút Zika thì thai nhi cũng sẽ bị đầu nhỏ; cũng như không phải trường hợp đầu nhỏ nào cũng do vi rút Zika”, bác sĩ Tuyết nói.
Bộ Y tế cũng cho biết trường hợp thai phụ cần xét nghiệm vi rút Zika là: Thai phụ trong 3 tháng đầu mang thai nếu có triệu chứng sốt, nhức mỏi (đau mỏi vai, cơ khớp), phát ban; có đến, ở, đi về từ vùng có dịch bệnh Zika thì đến các bệnh viện phụ sản khám để được tư vấn, làm xét nghiệm.
Bộ Y tế không chỉ định hay khuyến cáo xét nghiệm Zika đối với tất cả phụ nữ mang thai.
Xác định đầu nhỏ qua siêu âm thai
Bác sĩ Tuyết cho biết thêm, việc chẩn đoán, giám sát chứng đầu nhỏ ở thai nhi được thực hiện qua siêu âm khi đi khám thai định kỳ, đặc biệt ở tuần thứ 20-22 của thai kỳ. Các bác sĩ sẽ đo vòng đầu của thai để xác định có bị chứng đầu nhỏ hay không. Đây là chẩn đoán y khoa đã được các cơ sở y tế, bệnh viện sản khoa thực hiện trong quy trình khám thai định kỳ đối với thai phụ từ lâu nay để tầm soát, kiểm tra sức khỏe thai nhi.
|
Vì vậy, theo bác sĩ Tuyết, thai phụ không nên quá lo lắng về Zika có thể gây chứng đầu nhỏ cho thai nhi.
Theo thông tin của Bộ Y tế dẫn báo cáo của WHO, trong 6.760 trường hợp mang thai nhiễm Zika tại Brazil chỉ ghi nhận gần 1.000 trường hợp đầu nhỏ. Ngoài ra nhiều quốc gia khác không ghi nhận hoặc tỉ lệ mắc hội chứng đầu nhỏ thấp như Colombia chỉ 32 trường hợp, một số quốc gia khác chỉ có 1-2 trường hợp.
Hiện tại, đã có 61 quốc gia, vùng lãnh thổ trên phạm vi toàn cầu có ca nhiễm vi rút Zika. WHO đã công bố tình trạng dịch bệnh do vi rút Zika hiện nay là sự kiện y tế công cộng khẩn cấp.
Diệt muỗi, lăng quăng; không để muỗi chích
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo: Bệnh do vi rút Zika lây truyền chủ yếu qua muỗi Aedes.
Đây là loài muỗi có rất nhiều ở nước ta, cũng là loại muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết, bệnh chikungunya và bệnh sốt vàng. Vi rút Zika không lây qua tiếp xúc hoặc qua đường hô hấp.
Muỗi Aedes được xác định là vật trung gian lây truyền vi rút Zika - Ảnh: ShutterStock
|
Đặc biệt, phụ nữ có thai hoặc dự định có thai trong vòng 6 tháng tới không nên đến vùng có dịch bệnh do vi rút Zika khi không cần thiết.
Người đi/đến/về từ quốc gia đang có dịch bệnh do vi rút Zika chủ động theo dõi sức khỏe trong vòng 12 ngày, nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe hãy đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị.
Người trở về từ quốc gia đang có dịch bệnh do vi rút Zika, cần sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục hoặc không quan hệ tình dục với vợ (bạn tình) đang trong quá trình mang thai hoặc dự định có thai để tránh những biến chứng có thể xảy ra đối với thai nhi.
Điện thoại đường dây nóng tư vấn sức khỏe, phòng bệnh liên quan đến Zika: 0989.671.115.
Bình luận (0)