Thái Trinh tố bị 'sàm sỡ bằng lời nói': Nhiều người cũng từng là nạn nhân

23/03/2021 19:36 GMT+7

Qua câu chuyện của ca sĩ Thái Trinh bức xúc tố quay phim dùng lời lẽ thô tục, 'sàm sỡ bằng lời nói', nhiều người trẻ cho rằng họ cũng từng là nạn nhân và cảm thấy bị tổn thương.

Như Thanh Niên đã đưa tin vào chiều 22.3, nữ ca sĩ Thái Trinh gây chú ý khi đăng bức tâm thư khá dài thể hiện thái độ bức xúc về việc bị một quay phim trong gameshow mà cô tham gia buông lời thiếu tế nhị.

"Trinh đã suy nghĩ rất kỹ trước khi quyết định nói ra việc này vì nó quá tế nhị, nhưng đây không phải là lần đầu tiên Trinh (và các nghệ sĩ nữ nói chung) gặp phải trường hợp này". Nữ ca sĩ Thái Trinh đã mở đầu như thế cho bài đăng khá dài của mình trên trang cá nhân hôm 22.3.2021. 

Mặc dù không biết câu chuyện sẽ đi đến đâu, nhưng sau khi đọc được những bức xúc của ca sĩ Thái Trinh nhiều người trẻ cho biết cũng từng là nạn nhân, từng bị xúc phạm bằng lời lẽ khiếm nhã đến tục tĩu.

Buồn vì những lời khiếm nhã từ bạn bè cấp trung học

Đồng cảm với câu chuyện ca sĩ Thái Trinh, N.T.T. Diễm, 23 tuổi, SV Học viện Hành chính Quốc gia TP.HCM, cho hay bản thân cũng đã từng trải qua một thời gian khá buồn vì những lời lẽ khiếm nhã từ bạn bè cấp trung học.

Diễm nói: “Ngày xưa do em dậy thì sớm hơn các bạn một chút, nên vòng 1 'khác' các bạn nữ cùng lớp. Lúc đó, mấy bạn nam hay thì thầm với nhau, bàn tán xấu về vòng 1 của em. Lúc nhỏ em thấy những lời nói như vậy là xúc phạm rất nặng nề, em không nói lại nhưng cũng không chơi với những bạn nam như vậy”.

Qua vụ việc ca sĩ Thái Trinh, nhiều người trẻ cho biết cũng từng là nạn nhân

Ảnh: FBNV

"Nhìn em chắc ngon”… là câu nói gây khó chịu và tổn thương tâm lý đối với N.V.T.Tâm, 21 tuổi, SV Học viện Cán bộ TP.HCM, khi vô tình nhận được từ người khác.

“Những lúc bị người xa lạ nói những lời lẽ khiếm nhã em cảm thấy rất buồn. Tâm lý như bị tổn thương, nhiều lúc em đã phải tỏ thái độ trực tiếp với đối phương, nói rõ quan điểm và chính kiến của mình. Không thích và yêu cầu tôn trọng giá trị nhân phẩm đạo đức của mỗi người”, Tâm thẳng thắn chia sẻ.

Sẵn sàng lên tiếng để cảnh báo

Đang công ty tác một công ty truyền thông chuyên về lĩnh vực nghệ thuật tại Q.1, TP.HCM, N.T.H.Thu, 27 tuổi, cho hay bản thân cũng đã nghe và đọc câu chuyện của ca sĩ Thái Trinh. H.Thu cho rằng công việc gì cũng có người này người kia. Câu chuyện các bạn, nhân viên nữ, đối tác nữ, hay ca sĩ nữ bị sàm sỡ bằng những ngôn ngữ thô tục là câu chuyện không mới, chỉ là họ có dám đứng ra vạch trần.

“Những câu nói như "bày đặt đeo vớ da", "nhìn như cô giáo Thảo"… được cho là nói đùa vô cùng khiếm nhã, khiến người khác phải ngượng, thậm chí mang hàm ý xúc phạm. Mình rất dị ứng với việc đó và mình ủng hộ những bạn gái mạnh mẽ như Thái Trinh, sẵn sàng lên tiếng như một lời cảnh cáo cũng như cảnh tỉnh”, H.Thu cho biết.

Tiến sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An chia sẻ với các bạn nữ cần mạnh mẽ và dùng mạng xã hội để tố cáo những người có hành vi xúc phạm người khác bằng lời nói

Ảnh: Tấn Đạt (ảnh minh họa)

Trong khi đó, tiến sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An, Giám đốc chiến lược trung tâm ứng dụng khoa học tâm lý JobWay, cho hay thường các bạn nữ dễ trở thành nạn nhân của chuyện quấy rối tình dục (bằng lời nói) khi bản thân họ ở trong tình trạng yếu thế, dưới cơ. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại Việt Nam chưa có những chế tài mạnh mẽ để xử lý những trường hợp liên quan đến quấy rối tình dục bằng ngôn ngữ.

Tiến sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An cho biết hiện nay mạng xã hội, truyền thông đặc biệt là dư luận đang rất có tiếng nói. Đây cũng là nơi để nạn nhân bày tỏ những câu chuyện của mình lên. Tôi tin rằng, xã hội và dư luận rất công tâm về vấn đề này.

"Điều đầu tiên nạn nhân cần đưa ra những lời cảnh cáo, đề nghị chấm dứt về hành vi, lời nói tục tĩu xúc phạm đến bản thân. Nếu họ nói lần 2, lần 3 thì bắt đầu khéo léo thu thập bằng chứng và từ đó chúng ta có những chứng cứ mạnh mẽ để người đó biết và tự cảm thấy xấu hổ và dừng lại, bằng cách gửi riêng cho họ. Nếu như cứ tiếp diễn, thì nạn nhân nên chia sẻ câu chuyện mình bị xúc phạm với những người thân, lên các trang mạng xã hội để tạo sức mạnh cộng đồng hoặc nhờ đến cơ quan chức năng can thiệp. Nạn nhân nên ý thức rằng, bạn không có lỗi khi bị quấy rối, người quấy rối mới là người có lỗi và đáng bị xã hội, cộng đồng lên án", tiến sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An thông tin thêm.

“Khi ai đó nói một câu tục tĩu và có cố ý xúc phạm người khác mà bị ghi hình, ghi âm lại thì mình tin rằng chỉ cần gửi lại những bằng chứng đó thì họ sẽ chột dạ, xấu hổ và sẽ ngừng lại hành động sai trái ấy”, tiến sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An cho hay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.