Thế nhưng phải đến gần đây, họ mới đạt được đột phá trong lĩnh vực thám hiểm một biên giới hoàn toàn khác biệt: thế giới ảo giác bên trong các giấc mơ của con người.
Theo báo cáo đăng trên chuyên san Current Biology, đội ngũ chuyên gia đã kết nối và đối thoại thời gian thực thành công với những con người trong lúc đang ngủ mơ. Đây là hiện tượng được gọi chung là “tương tác trong mơ”.
Những người tham gia đã có thể trả lời chính xác trước các câu hỏi “từ bên ngoài”, như thực hiện các phép toán đơn giản, trong lúc đầu óc đang chìm vào giai đoạn mắt chuyển động nhanh (REM). Theo các chuyên gia, đây là giai đoạn thường xuất hiện các giấc mơ khi con người đang ngủ. Và báo cáo đã khám phá “kênh giao tiếp chưa từng được biết đến trước đó”, cho phép các nhà khoa học nghĩ ra chiến lược mới để khám phá các giấc mơ ở người.
Cô Karen Konkoly, tác giả báo cáo và hiện là nghiên cứu sinh Đại học Tây Bắc (Mỹ), cho hay trước đây có những cuộc nghiên cứu về giấc mơ ở người, nhưng hiếm có báo cáo nào ghi nhận sự tương tác trực tiếp giữa người bên ngoài và đối tượng đang mơ. “Điều khiến chúng tôi vô cùng ngạc nhiên (khi thực hiện cuộc nghiên cứu này) là bạn có thể nói một câu nào đó với người đang mơ, và họ hoàn toàn hiểu được bạn muốn gì, giống như họ đang thức”, theo cô Konkoly.
Để rút ra kết luận trên, nghiên cứu sinh Konkoly và đồng sự đã tuyển mộ tổng cộng 36 người và quan sát họ ngủ trong các phòng thí nghiệm ở Mỹ, Pháp, Đức và Hà Lan. Mục tiêu của nghiên cứu này nhằm tìm hiểu thời điểm có thể tiến vào giấc mơ của một người. Để biết đối tượng đang mơ hay không, đội ngũ khoa học gia đã đặt các điện cực sát mắt, trên da đầu và dưới cằm của họ. Bằng việc đo đạc sóng não và chuyển động của cầu mắt, các chuyên gia giấc ngủ có thể xác định một người đã tiến vào giai đoạn REM hay chưa.
Một số người đã trả lời đúng câu hỏi trong lúc đang mơ, trong khi một vài đối tượng nhận thức được rằng họ đang trong một giấc mơ. Bên cạnh đó, sau khi thức giấc, nhiều người vẫn có thể nhớ lại đã tương tác với các nhà nghiên cứu. Họ kể rằng trong lúc ngủ đã nghe những âm thanh giống như một người đang kể chuyện theo kiểu lồng tiếng, hoặc tiếng nói phát ra từ loa phát thanh. Trong số các đối tượng tham gia có một vài người biết rõ họ đang nằm mơ.
Sau khi thu hoạch kết quả khả quan, đội ngũ chuyên gia bước kế tiếp muốn tìm hiểu liệu có thể xây dựng tương tác, trao đổi hai chiều với những người đang mơ hay không.
Bình luận (0)