Thảm họa cháy và câu hỏi trách nhiệm

12/09/2022 04:16 GMT+7

Sau thảm họa cháy cơ sở karaoke An Phú (TP.Thuận An, Bình Dương ) làm 32 người chết, thực hiện “lệnh” của Thủ tướng yêu cầu tổng kiểm tra an toàn các cơ sở có nguy cơ cháy cao như karaoke, bar, vũ trường…, nhiều địa phương đã nhanh chóng vào cuộc, qua đó phát hiện hàng loạt sai phạm.

Sai phạm được chỉ ra có “muôn hình vạn trạng”, khiến ai tiếp cận cũng cảm thấy rùng mình và… hoang mang. Rùng mình là bởi rất nhiều sai phạm “tử huyệt”, mà nếu chẳng may hỏa hoạn xảy ra thì sẽ khó tránh khỏi lại là những thảm họa. Đó là cơ sở karaoke không đủ hoặc không có lối thoát hiểm; không có hệ thống báo cháy tự động hoặc có nhưng không hoạt động; chưa được thẩm duyệt nghiệm thu về PCCC, chưa trang bị đầy đủ hệ thống đèn chiếu sáng sự cố và đèn chỉ dẫn thoát nạn, chưa cung cấp hồ sơ chấp thuận về PCCC đối với hệ thống báo cháy tự động, chưa trang bị hệ thống cung cấp nước chữa cháy… nhưng vẫn hoạt động kinh doanh

Hoang mang bởi karaoke, bar, vũ trường là loại hình kinh doanh có điều kiện, phải trải qua nhiều bước kiểm tra, thẩm định, đặc biệt về an toàn phòng chống cháy nổ, mới được cấp phép hoạt động. Hoạt động rồi vẫn thường xuyên đón đoàn kiểm tra, hết định kỳ đến đột xuất. Quy trình kiểm tra, theo một sĩ quan cảnh sát PCCC, là kiểm tra từ hồ sơ, giấy phép hoạt động kinh doanh đến thực tế các phương án, thiết bị, vật liệu sử dụng đảm bảo an toàn cháy nổ... Nghĩa là, tất tần tật mọi vấn đề đều không thể qua mắt cơ quan chức năng. Nhưng “con mắt” của các lực lượng đã kiểm tra trước đây thế nào mà có địa phương đến 40%, thậm chí 80% cơ sở bị lập biên bản vi phạm khi tổng kiểm tra mới đây?

Rất nhiều bạn đọc, khi bình luận về tình trạng nhan nhản cơ sở karaoke vi phạm vẫn ung dung hoạt động, đã gọi thẳng tên “năng lực” và “trách nhiệm” của lực lượng chức năng. Quy định có đủ, kiểm tra thường xuyên mà không phát hiện vi phạm là năng lực yếu kém trong quản lý; biết vi phạm vẫn để hoạt động, để rồi cháy gây thảm họa là vô trách nhiệm, vô cảm với tính mạng người dân. Nhưng cũng chính bạn đọc “phản biện” rằng, chẳng cần nghiệp vụ cao siêu, cứ vào karaoke, vũ trường, bar, bằng mắt thường sẽ thấy đầy những sai phạm, từ diện tích phòng, ánh sáng không đảm bảo cho đến lối thoát hiểm nhỏ hẹp... Người bình thường đã thấy, người có nghiệp vụ và nắm quy định như lực lượng kiểm tra không thể không thấy. Vậy sao các cơ sở này vẫn hoạt động bình thường? Câu trả lời chỉ có thể là lực lượng chức năng đã không làm hết trách nhiệm. Còn vì sao trách nhiệm bị khuyết có nhiều nguyên nhân, nhưng dù nguyên nhân nào cũng cần phải được truy cứu, xử lý đến nơi đến chốn. Việc truy trách nhiệm cần thực hiện một cách thường xuyên, chứ không chỉ đến khi xảy ra thảm họa rồi mới khởi tố, điều tra xử lý.

Truy trách nhiệm không phải chỉ để thấy ai đó bị kỷ luật, mà để người dân thấy tiền thuế họ đóng đang được trả lương cho bộ máy quản lý một cách hiệu quả, qua đó củng cố vững chắc niềm tin vào một chính quyền liêm chính. Và quan trọng hơn là để không còn những thảm họa, bởi xảy ra rồi thì tính mạng con người đã không thể lấy lại.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.