Trận động đất 9 độ richter mạnh đến mức khiến Trái đất lệch khỏi trục, gây ra cơn sóng thần quét qua đảo Honshu, khiến gần 20.000 thiệt mạng hoặc mất tích và xóa sổ nhiều thị trấn.
Tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Dai-ichi ở tỉnh Fukushima, cơn sóng khổng lồ đã tràn qua các hệ thống bảo vệ và làm ngập các lò phản ứng, gây ra thảm họa nghiêm trọng. Thảm họa đã làm tê liệt nhà máy điện Fukushima Dai-ichi, buộc hơn 160.000 cư dân phải sơ tán theo lệnh hoặc tự nguyện vì rò rỉ phóng xạ trong không khí, theo Reuters.
|
Chính phủ Nhật Bản đã chi khoảng 300 tỉ USD để tái thiết khu vực bị sóng thần tàn phá. Tuy nhiên, các khu vực xung quanh nhà máy điện hạt nhân Fukushima Dai-ichi bị nhiễm phóng xạ nên nhiều người đã rời khỏi đó để đến nơi khác sinh sống. Tiến trình dọn dẹp và ngừng hoạt động của nhà máy sẽ mất 30-40 năm và tiêu tốn hàng tỉ USD.
Nhà máy nằm ở đâu?
Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Dai-ichi nằm ở thị trấn Okuma, thuộc tỉnh Fukushima, trên bờ biển phía đông Nhật Bản và cách thủ đô Tokyo khoảng 220 km về phía đông bắc.
Lúc 14 giờ 46 ngày 11.3.2011, trận động đất xảy ra làm rung chuyển thành phố Sendai, nằm cách nhà máy điện khoảng 97 km.
Người dân nhận được cảnh báo chỉ 10 phút trước khi sóng thần ập vào bờ biển, theo BBC. Ước tính gần nửa triệu người buộc phải rời bỏ nhà cửa vì hậu quả của trận động đất, sóng thần và sự cố nhà máy điện hạt nhân gây rò rỉ phóng xạ nghiêm trọng.
|
Điều gì đã xảy ra ở Fukushima?
Các hệ thống cảnh báo tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Dai-ichi đã phát hiện ra trận động đất vào ngày 11.3.2011 và tự động đóng các lò phản ứng hạt nhân.
Vào lúc 15 giờ 30 ngày 12.3.2011, một vụ nổ đã xảy ra tại một trong những lò phản ứng hạt nhân bị trục trặc ở nhà máy điện Fukushima Dai-ichi.
Máy phát điện diesel khẩn cấp được kích hoạt để tiếp tục bơm chất làm mát xung quanh các lõi trong lò phản ứng, vốn vẫn cực kỳ nóng ngay cả khi các phản ứng hạt nhân dừng lại. Tuy nhiên, ngay sau đó, một con sóng cao hơn 14 mét ập vào nhà máy Fukushima. Nước tràn qua con đê biển bao quanh nhà máy, làm ngập nhà máy điện và làm sập các máy phát điện khẩn cấp.
Các công nhân đã bơm nước biển vào nhà máy điện hạt nhân, cố gắng làm mát các lò phản ứng vì hệ thống làm mát đã bị hỏng.
Sau đó, công nhân gấp rút khôi phục lại nguồn điện, nhưng trong những ngày sau đó, nhiên liệu hạt nhân tại 3 trong số các lò phản ứng đã quá nóng và làm tan chảy một phần các lõi (điều này được gọi là nóng chảy hạt nhân).
Hai vụ nổ khác đã làm rung chuyển nhà máy điện vào ngày 14 - 15.3.2011, và sau đó ngọn lửa bùng phát tại một lò phản ứng, làm hư hỏng nặng các tòa nhà. Chất phóng xạ bắt đầu rò rỉ vào bầu khí quyển và Thái Bình Dương.
Hậu quả của thảm họa hạt nhân?
Ít nhất 16 công nhân bị thương trong các vụ nổ và hàng chục người khác bị nhiễm phóng xạ vì cố làm mát lò phản ứng. Ngoài ra, 3 người được cho là đã được đưa đến bệnh viện sau khi bị phơi nhiễm ở mức độ cao.
Ảnh hưởng lâu dài của phóng xạ vẫn là một vấn đề gây tranh cãi. Hồi năm 2013, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố một báo cáo kết luận thảm họa hạt nhân Fukushima sẽ không làm tăng tỷ lệ mắc ung thư của người dân trong khu vực. Các nhà khoa học Nhật Bản lẫn nước ngoài tin rằng ngoài khu vực xung quanh nhà máy, rủi ro về phóng xạ tương đối thấp.
|
Vào ngày 9.3.2021, trước lễ kỷ niệm 10 năm thảm họa, một báo cáo của Liên Hiệp Quốc kết luận: "Không ghi nhận những trường hợp phóng xạ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân Fukushima”. Hồi năm 2018, chính phủ Nhật Bản thông báo 1 công nhân nhà máy điện đã chết sau khi bị phơi nhiễm phóng xạ.
Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn không tin tưởng các báo cáo và chưa trở về nhà ở Fukushima vì lo ngại mối đe dọa của phóng xạ. Đài NHK gần đây công bố kết quả cuộc khảo sát cho thấy 85% người dân Nhật Bản lo ngại về tai nạn hạt nhân.
Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế phân loại Thảm họa Fukushima là sự kiện cấp độ 7, tức mức cao nhất và là thảm họa nghiêm trọng đứng thứ 2 sau sự cố ở nhà máy điện hạt nhân Chernobyl tại Ukraine hồi năm 1986.
Ai là người có lỗi?
Chính phủ và Công ty Điện lực Tokyo (Tepco) đều bị chỉ trích là thiếu chuẩn bị biện pháp đề phòng thảm họa.
|
Quốc hội Nhật Bản đã tiến hành cuộc điều tra độc lập và kết luận Fukushima là "một thảm họa nghiêm trọng do con người gây ra", đổ lỗi cho Tepco đã không đáp ứng các yêu cầu an toàn hoặc lên kế hoạch đề phòng cho những sự kiện như thế này.
Tuy nhiên, vào năm 2019, một tòa án Nhật Bản đã hủy truy tố 3 cựu giám đốc điều hành Tepco về tội sơ suất sau cuộc điều tra hình sự duy nhất hậu thảm họa.
Hiện chỉ có 9 trong số 33 lò phản ứng hạt nhân thương mại còn lại của Nhật Bản đã được phê duyệt để khởi động lại theo các tiêu chuẩn an toàn thời hậu Fukushima và chỉ có 4 lò đang hoạt động, so với 54 lò trước thảm họa. Năng lượng hạt nhân cung cấp 6% nhu cầu năng lượng của Nhật Bản trong nửa đầu năm 2020, 23,1% từ các nguồn tái tạo (điện gió và điện mặt trời) và gần 70% là từ nhiên liệu hóa thạch.
Bình luận (0)