Thăm khu sinh thái ngập nước Cồn Lu - Nam Định

21/12/2004 09:37 GMT+7

Bạn muốn thực hiện một tour du lịch sinh thái ngập mặn? Không cần phải đến các khu rừng ngập mặn phương Nam xa xôi với mức chi phí tương đối cao và quỹ thời gian đáng kể. Đến với khu sinh thái Cồn Lu thuộc huyện Giao Thuỷ - Nam Định, bạn sẽ tiết kiệm được 1/3 thời gian và kinh phí. Không những thế, du khách còn tìm được nhiều điều lý thú và bổ ích.

Cách trung tâm Hà Nội không xa, khoảng 140 km về phía Nam, bạn sẽ tới được Giao Thuỷ, đến với khu sinh thái ngập mặn Cồn Lu. Đây là nơi cuối cùng của sông Hồng, là sản phẩm của quá trình bồi tạo phù sa hàng nghìn năm để thiết lập nên một hệ sinh thái bền vững. Cồn Lu còn là một trong những khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia của Việt Nam với diện tích 10.000 ha vùng đệm và 7.000 ha vùng bảo vệ nghiêm ngặt. Đây là nơi lý tưởng cho các sinh vật sinh sống… Đặc biệt, Cồn Lu còn được ví như “ga” hội tụ của hàng chục ngàn con chim quý từ Phương Bắc bay về. Theo thống kê của các nhà nghiên cứu, nơi đây tụ hội đến hơn 220 loài chim quý, trong đó có rất nhiều loài được đưa vào sách đỏ của Việt Nam và thế giới.

Chính vì vậy, nếu được ngồi trên thuyền, len lỏi giữa rừng ngập mặn, tìm hiểu về quy luật sinh sống của các loài chim chẳng có gì thú vị hơn. Đặc biệt, vào khoảng tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau, nếu có dịp về Cồn Lu chắc chắn bạn sẽ bắt gặp và chiêm ngưỡng một khung cảnh náo nhiệt, sôi động của các loài chim. Người dân nơi đây nói rằng: Trong khoảng thời gian này, Cồn Lu như có hội, không gian như được tô thêm màu sắc, nhạc điệu… Nếu bạn là người yêu thích chúng, bạn sẽ được các hội viên của “câu lạc bộ bảo tồn các loài chim quý hiếm” giới thiệu về đặc điểm riêng và những thói quen của nhiều loài chim khác nhau.

Len lỏi trong rừng, bạn còn có được cảm giác như mình đang thực sự hoà nhập, tan biến vào thiên nhiên tươi đẹp. Bạn sẽ thấy dường như mình đang lạc vào chốn “đảo hoang” của Rôbinxơn xưa kia.

Trên đường tới Cồn Lu, bạn sẽ có dịp ghé thăm, cầu nguyện cho mình cùng những người thân trong gia đình tại di tích cung điện thời Trần thuộc làng Tức Mặc ở phía Bắc ngoại thành Nam Định. Đây là quê hương của nhà Trần - nơi sinh ra Trần Hưng Đạo - vị anh hùng dân tộc, người đã bỏ đi thù riêng để lo việc giang san.

Di tích cung điện rộng tới hàng chục ha, từ đền Thiên Trường, Cổ Trạch thờ các vua Trần và Trần Hưng Đạo đến chùa tháp Phổ Minh. Sử cũ chép rằng “vào năm 1239 nhà vua cho xây hành cung ở làg quê mình để lúc thư nhàn về thăm. Đến năm 1262, Thượng Hoàng đến Tức Mặc, ban yến tiệc cho dân và thăng làng Tức Mặc lên thành Phủ Thiên Trường, dựng tiếp cung Trần Quang để cho các vua nhường ngôi (Thái Thượng Hoàng) về ở. Phía Tây cung đình là chùa Phổ Minh, lại dựng một cung riêng cho các vua đương triều mỗi khi về thăm Thái Thượng Hoàng thì về đó nghỉ.

700 năm trôi qua, khu cung điện không còn nữa, nay chỉ còn lại đền Thiên Trường thờ 14 vị vua Trần, đền Cổ Trạch thờ Trần Hưng Đạo và chùa Phổ Minh với tháp Phổ Minh nổi tiếng. Tuy vậy, nơi đây vẫn còn lưu giữ nhiều dấu tích của cung điện xưa kia. Tới đây, bạn vẫn có thể thấy những dấu vết xưa qua các cuốn thư, các bức hoành phi, câu đối hay những đồ vũ khí được vua quan thời Trần hay dùng… Ngoài ra, tới khu di tích cung điện thời Trần bạn còn như đang lạc vào “cõi tiên” với phong cảnh tuyệt vời, khuôn viên là những hồ hoa súng, một chút động của các sinh vật sống trong đó tạo nên một bức tranh sơn thuỷ hữu tình. Hàng cau thẳng tắp nghiêng mình soi bóng, hay những tán cây lưu niên trầm mặc bên đình… 

Trước khi trở về, bạn còn có thể đến với bãi biển Quất Lâm xinh đẹp, để đùa giỡn với những con sóng bạc đầu từ khơi xa đổ về hoặc bạn có thể ngồi bên bờ biển lắng nghe biển hát, lắng nghe những lời của biển từ ngàn xưa vọng về. Nếu bạn là người có tâm hồn nghệ sỹ, bạn sẽ được nghe biển kể cho nghe “câu chuyện tình yêu” của mình: Ngày xưa biển không có cát như bây giờ, ngày xưa biển không có sóng vỗ bờ… để rồi khi em đến, biển lại cồn cào nỗi nhớ…

Tạm biệt Cồn Lu, chào bãi biển Quất Lâm tươi màu nắng mới, bạn trở về với những món đồ lưu niệm cho gia đình, bạn bè và ngưồi thân. Trở về nhà với một con người mới, hoà nhập vào cuộc sống thường ngày chắc chắn bạn sẽ làm việc hiệu quả hơn.

(Theo Báo Hà Nội Mới)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.