Thảm kịch bóng đá Indonesia: Đau lòng con số 32 trẻ em thiệt mạng

03/10/2022 18:50 GMT+7

Theo thông tin mới nhất từ một quan chức địa phương ngày 3.10, ít nhất 32 trẻ em đã chết trong thảm họa sân Kanjuruhan ở Indonesia, khi chính phủ yêu cầu cảnh sát xác định ‘thủ phạm’ của một trong những thảm họa đau lòng nhất trong lịch sử bóng đá .

Thảm kịch trên sân Kanjuruhan vào tối 1.10 ở thành phố Malang, Đông Java đã khiến ​​tổng cộng 125 người thiệt mạng và 323 người khác bị thương sau khi cảnh sát bắn hơi cay trong sân chật cứng để ngăn chặn việc xâm chiếm sân của CĐV, gây ra tình cảnh giẫm đạp.

Thảm kịch bóng đá Indonesia gây sốc trong làng bóng đá thế giới

CNN indonesia

Một quan chức của Bộ quyền cho phụ nữ và bảo vệ trẻ em nói với AFP ngày 3.10 rằng, hàng chục trẻ em bị kẹt trong cuộc hỗn loạn đã thiệt mạng: “Từ dữ liệu mới nhất mà chúng tôi nhận được, trong số 125 người chết trong vụ tai nạn, 32 người trong số họ là trẻ em, với người trẻ nhất là mới biết đi, 3 hoặc 4 tuổi".

Khi sự tức giận dồn lên cảnh sát, Bộ trưởng An ninh Indonesia, Mahfud MD thông báo rằng một lực lượng đặc nhiệm đã được thành lập để điều tra nguyên nhân dẫn đến thảm kịch. "Chúng tôi yêu cầu cảnh sát quốc gia tìm ra những thủ phạm đã gây ra tội ác trong vài ngày tới. Chúng tôi đã yêu cầu họ phải có hành động quyết liệt và cũng hy vọng cảnh sát quốc gia sẽ đánh giá các thủ tục an ninh của mình", tuyên bố của ông Mahfud MD được truyền thông dẫn lại.

32 trẻ em đã thiệt mạng trong thảm kịch

AFP

Thảm kịch xảy ra khi các cổ động viên của đội chủ nhà Arema FC xông vào sân vận động Kanjuruhan sau trận thua 203 trước kình địch Persebaya Surabaya. Theo các nhân chứng, cảnh sát phản ứng bằng cách bắn hơi cay vào các khán đài chật cứng, khiến khán giả đổ xô đến những cánh cổng nhỏ, nơi nhiều người bị giẫm đạp hoặc chết ngạt.

Cảnh sát mô tả vụ việc là một vụ bạo loạn và cho biết 2 cảnh sát đã thiệt mạng, nhưng những người sống sót cáo buộc họ đã phản ứng thái quá và gây ra cái chết cho nhiều CĐV.

Việc cảnh sát bắn hơi cay được cho là một trong những nguyên nhân dẫn đến thảm kịch

CHỤP MÀN HÌNH

Các nhà điều tra đã lên kế hoạch thẩm vấn các quan chức bóng đá vào ngày 3.10, cũng như 18 cảnh sát chịu trách nhiệm là "người vận chuyển hoặc vận hành vũ khí bắn hơi cay", phát ngôn viên cảnh sát quốc gia Dedi Prasetyo nói trong một cuộc họp báo.

Trong một bài phát biểu trực tiếp đầy nước mắt, chủ tịch Gilang Widya Pramana của Arema FC đã xin lỗi và nhận trách nhiệm liên quan đến thảm kịch. "Tôi, với tư cách là chủ tịch của Arema FC, sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự cố đã xảy ra. Tôi gửi lời xin lỗi sâu sắc tới các nạn nhân, gia đình của họ, tất cả người dân Indonesia, và Liga 1 (giải hàng đầu Indonesia)".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.