Thảm kịch chìm phà ở Hàn Quốc: Lời khai của thuyền trưởng phà Sewol

20/04/2014 09:00 GMT+7

* Bé gái 5 tuổi gốc Việt thoát chết, gia đình mất tích Thuyền trưởng của phà Sewol bị chìm ở Hàn Quốc thanh minh rằng ông trì hoãn ra lệnh sơ tán vì lo sợ hành khách bị cuốn trôi.

* Bé gái 5 tuổi gốc Việt thoát chết, gia đình mất tích

Thuyền trưởng của phà Sewol bị chìm ở Hàn Quốc thanh minh rằng ông trì hoãn ra lệnh sơ tán vì lo sợ hành khách bị cuốn trôi.

 Quá trình phà Sewol nghiêng và chìm - Đồ họa: Sơn Duân/Ảnh: AFP, Reuters
Quá trình phà Sewol nghiêng và chìm - Đồ họa: Sơn Duân/Ảnh: AFP, Reuters

Rạng sáng 19.4, thuyền trưởng Lee Joon-seok và hai thuyền phó của phà Sewol bị cảnh sát bắt giữ với cáo buộc vi phạm luật hàng hải. Riêng thuyền trưởng 69 tuổi đối mặt với 5 tội danh, trong đó có tội sơ suất gây hậu quả nghiêm trọng, không đảm bảo an toàn cho hành khách..., theo các công tố viên Hàn Quốc. Ngay sau sự cố chìm phà Sewol chở 476 người ngày 16.4, ông Lee đã hứng chịu nhiều lời chỉ trích nặng nề vì bỏ phà vào thời điểm phà bị chìm trong khi hàng trăm hành khách, phần lớn là học sinh trung học, vẫn còn mắc kẹt trên phà. Tính đến 0 giờ sáng nay, 33 người đã được xác nhận thiệt mạng và 269 người vẫn còn mất tích, theo Yonhap.

Lời bào chữa của thuyền trưởng

Buổi thẩm vấn sơ bộ thuyền trưởng Lee chủ yếu tập trung vào nguyên nhân gây chìm phà. Khi được hỏi tại sao hành khách không nhận được lệnh sơ tán trong hơn 30 phút sau khi tàu bắt đầu chìm, ông Lee nói đó là một biện pháp an toàn. “Lúc đó, tàu cứu hộ chưa đến. Cũng không có tàu đánh cá hay tàu nào khác gần đó để cứu hộ hay giúp đỡ. Dòng nước thì chảy xiết và rất lạnh. Tôi nghĩ hành khách sẽ bị dòng nước đẩy trôi ra xa và sẽ gặp rắc rối nếu cho họ sơ tán ngay”, ông Lee phân bua. Theo các chuyên gia, có thể sẽ có thêm nhiều người thoát nạn nếu họ được đưa đến các điểm sơ tán trước lúc tàu nghiêng và nước bắt đầu tràn vào. Hôm qua, truyền thông Hàn Quốc đăng tải nội dung các cuộc liên lạc giữa phà Sewol và trung tâm cứu hộ ở đảo Jeju. Theo đó, giới chức an toàn hàng hải đã yêu cầu sơ tán toàn bộ hành khách chỉ sau 5 phút kể từ khi nhận được tín hiệu báo nguy nhưng ông Lee đã trì hoãn đến 30 phút mới phát lệnh.

Ông Lee cũng thừa nhận không cầm lái lúc phà gặp nạn và chỉ từ khoang nghỉ trở ra phòng lái sau khi có sự cố. Trong khi đó, theo BBC dẫn lời thuyền phó Cho Joon-ki, người cầm lái vào thời điểm phà gặp nạn, cho biết phà đã dịch chuyển khác với mong đợi của ông. “Cũng có phần lỗi của tôi song bánh lái quay nhanh hơn bình thường”, ông Cho giải thích. Dữ liệu của Bộ Hàng hải Hàn Quốc cho thấy phà đã chuyển hướng đột ngột trước khi gửi tín hiệu cấp cứu đầu tiên, theo AFP. Điều này có thể khiến 180 chiếc xe và 1.157 tấn hàng hóa trên phà đổ mạnh về một phía, làm phà mất thăng bằng, dẫn đến bị lật. Hãng Yonhap dẫn lời một điều tra viên cho biết họ gần như đã loại bỏ nguyên nhân phà đụng phải đá ngầm.

Ngoài 3 người nói trên, nhóm điều tra cũng sẽ thẩm vấn khoảng 10 thuyền viên khác và cả giới chức Công ty hàng hải Cheonghaejin, đơn vị vận hành phà Sewol.

Thi thể trong xác phà

Trong lúc đó, nỗ lực chạy đua tìm kiếm người sống sót đã bước sang ngày thứ 4 mà chưa có bất kỳ dấu hiệu khả quan nào. Trong quá trình tiếp cận các khoang phà hôm qua, một thợ lặn đã nhìn thấy 3 thi thể mặc áo phao ở khoang hành khách trên tầng 4. Đến tối qua, các thợ lặn đã vớt được 3 thi thể. Theo AFP, lực lượng cứu hộ sẽ giăng lưới quanh khu vực chiếc phà chìm để đảm bảo các thi thể không bị dòng nước mạnh cuốn đi.

Hãng Reuters dẫn lời các chuyên gia cho biết nỗ lực cứu hộ có vẻ như đang tập trung vào việc vớt thi thể và trục vớt chiếc phà. “Cơ hội tìm thấy bất kỳ ai sống sót gần như là số không”, Giám đốc điều hành của Tổ chức cứu hộ hàng hải quốc tế Bruce Reid nhận xét. Thậm chí, thân nhân của những người mất tích cũng tỏ ra bi quan với tình hình. Một phụ nữ, tự nhận là mẹ của một nạn nhân, cầu khẩn với nhà chức trách: “Làm ơn trục vớt chiếc phà để chúng tôi có thể lấy thi thể ra”.

Bé gái 5 tuổi gốc Việt thoát chết, gia đình mất tích

Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm qua dẫn thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc thông báo phía Hàn Quốc đã cứu được một bé gái gốc Việt trong vụ chìm phà Sewol. Bé gái 5 tuổi tên Kwon Ji-yeon, là người trẻ nhất trong số 174 hành khách được cứu sống trong vụ chìm phà Sewol.

Bé gái 5 tuổi gốc Việt thoát chết, gia đình mất tích
Ảnh chụp từ clip

Bé Ji-yeon là con một gia đình 4 người, có cha là người Hàn Quốc và mẹ là người Việt Nam tên Phan Ngọc Thanh sống tại Seoul. Chị Thanh quê ở Cà Mau, sinh ngày 28.2.1985 và nhập quốc tịch Hàn Quốc ngày 10.7.2013 với tên là Han Yun-ji, có 2 con: con trai Kwon Hyuk-kyu (6 tuổi) và con gái Kwon Ji-yeon. Tất cả những thành viên còn lại trong gia đình hiện nằm trong số hành khách mất tích. Chị Thanh có bố tên là Phan Văn Chay, hiện sống tại Việt Nam. Đại sứ quán Việt Nam tại Seoul dẫn lời nhà chức trách Hàn Quốc cho biết gia đình chị Thanh đã đến sân bay Incheon vào tối qua và có mặt tại hiện trường tai nạn vào sáng sớm 20.4. Đại sứ quán đã cử cán bộ có mặt tại hiện trường từ 18.4.2014 để theo sát tình hình, hỗ trợ gia đình và phối hợp với phía Hàn Quốc xử lý vụ việc.

Tờ The Korea Herald dẫn lời một số người sống sót kể lại một cậu bé 6 tuổi đã nhường áo phao cho Ji-yeon rồi cố chạy đi tìm cha mẹ trong lúc phà đang chìm. Trong khi đó, tờ Korea Joongang Daily cho biết bé kể lại với nhân viên y tế rằng người mẹ và anh trai đã nhường áo phao rồi chuyển bé sang xuồng cứu sinh. Sau khi được cứu, hình ảnh của bé đã lan truyền nhanh chóng trên mạng, nhờ đó bà nội và người cô của bé đã đến bệnh viện nhận cháu. Bé Ji-yeon hiện được người cô chăm sóc ở bệnh viện ở Hàn Quốc, theo tờ The Korea Times. Một số y tá cho hay bé không bị thương nhưng có dấu hiệu chấn thương tâm lý. Ngày chìm phà chính là ngày gia đình bé chuyển nhà từ Incheon đến sống ở Jeju sau khi ba của bé quyết định từ bỏ cuộc sống thành thị để trở thành nông dân trồng quýt.  

Minh Trung

Rối loạn vì tin nhắn giả

Truyền thông Hàn Quốc hôm qua cho biết hàng trăm tin nhắn được cho là do các học sinh mất tích gửi cho người thân đã được phát hiện là giả mạo.

Theo Yonhap dẫn nguồn tin từ Trung tâm ứng phó khủng bố mạng của Hàn Quốc, lực lượng này đã kiểm tra các dữ liệu điện thoại của hơn 270 người mất tích, song kết quả là không ai dùng điện thoại để gọi điện hay nhắn tin kể từ sau khi phà chìm. Giới chức Hàn Quốc cùng người thân hành khách đã hết sức bất bình và phẫn nộ trước hành động nhắn tin bịa đặt trên. “Cuộc điều tra từ Trung tâm ứng phó khủng bố mạng cho thấy tất cả tin nhắn nghi vấn “từ hành khách vẫn còn mắc kẹt trong phà” là bịa đặt. Làm ơn ngưng các hành động có thể gây thêm đau đớn cho gia đình hành khách mất tích. Những ai đăng tải những tin nhắn ác ý như vậy sẽ bị trừng phạt thích đáng”, theo Cơ quan cảnh sát Hàn Quốc.

Tờ The Korea Herald cho hay cảnh sát đã xác định được hai thủ phạm tung tin nhắn giả là một học sinh 15 tuổi tại Seoul và một nữ sinh 11 tuổi tại Gimpo.

Châu Yên

 >> Thảm kịch chìm phà: Chính phủ Hàn Quốc cân nhắc tuyên bố vùng thảm họa
 >> Thảm kịch chìm phà ở Hàn Quốc: Một bé gái gốc Việt may mắn thoát chết
 >> Thảm kịch chìm phà ở Hàn Quốc: 29 người chết, 273 người mất tích
 >> Thảm kịch chìm phà ở Hàn Quốc: Đề nghị bắt trưởng phà Sewol
 >> Vụ chìm phà Hàn Quốc: Có bằng chứng thuyền trưởng trì hoãn sơ tán hành khách
 >> Vụ chìm phà ở Hàn Quốc: Hiệu phó được cứu sống treo cổ tự tử

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.