|
Theo đài CNN (Mỹ), tại nhà thi đấu thể thao trên đảo Jindo, nhiều bậc phụ huynh có con em mất tích không chịu đựng nổi cú sốc đã thốt lên rằng họ không muốn sống nữa.
Một số bậc cha mẹ tại đây còn phải truyền dịch do họ quá đau buồn nên không muốn ăn uống nhiều ngày qua.
“Nếu hiện tại tôi không có đứa con nhỏ hơn, tôi sẽ nhảy xuống biển”, một phụ nữ có đứa con lớn đang mất tích cho biết.
Bà đau buồn nói: “Cứ nghĩ về đứa con của tôi ở ngoài biển kia, là một người mẹ, làm sao tôi có thể ăn uống gì được nữa”.
“Làm sao chúng tôi có thể sống nổi đây?”, một phụ nữ khác gào thét trước những người thuộc lực lượng tuần duyên Hàn Quốc, khi lực lượng chức năng đang thông báo thông tin cập nhật số người thiệt mạng.
Ở Hàn Quốc, tự sát là một mối đe dọa thường trực, theo CNN. Theo đó, Hàn Quốc có tỉ lệ tự sát cao nhất trong số 34 quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), cũng theo CNN.
Một trong số những nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ tự sát cao ở Hàn Quốc là do xã hội có tính cạnh tranh gay gắt hoặc những người không chịu chấp nhận sự thất bại đã quyết định tự tử.
Các quan chức Hàn Quốc đã triển khai các nhân viên y tế, những tình nguyện đến hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho các thân nhân hành khách mất tích, nhưng họ có vẻ không mấy bận rộn.
“Không ai tìm đến chúng tôi để tư vấn. Các thân nhân không còn quan tâm đến bản thân của họ nữa”, tình nguyện viên tư vấn tâm lý Han Kee-rae cho CNN biết.
|
Vụ hiệu phó trường trung học Danwon được cứu sống trong vụ chìm phà Sewol đã treo cổ tự sát dấy lên làn sóng quan ngại rằng nhiều thân nhân quẫn trí sẽ làm theo, CNN cho hay.
Cảnh sát phát hiện thi thể ông Kang Min-Kyu (52 tuổi) trong tư thế treo cổ trên một cái cây ở gần nhà thi đấu thể thao trên đảo Jindo kèm theo lá thư tuyệt mệnh, theo AFP.
“Một mình tôi sống sót là quá đau đớn trong khi còn trên 200 em học sinh mất tích. Tôi xin chịu hết mọi trách nhiệm. Tôi đã xúc tiến chuyến đi này. Tôi sẽ một lần nữa làm thầy giáo ở kiếp sau cho những học sinh mất tích”, Reuters dẫn lá thư tuyệt mệnh của thầy Kang.
Trong số 476 người trên phà có trên 325 học sinh của Trường trung học Danwon ở thành phố Ansan đến đảo Jeju trong một chuyến du lịch. Phà Sewol bị chìm vào ngày 16.4 khi đang đi từ Incheon để đến đảo Jeju.
Hiện vẫn còn 253 người mất tích và không có dấu hiệu cho thấy họ sống sót và trên 100 người được cứu thoát, theo Yonhap.
Các thợ lặn ngày 20.4 tìm kiếm và trục vớt thêm 13 thi thể nạn nhân mất tích mắc kẹt trong chiếc phà Sewol, nâng số người chết được xác nhận lên 49.
Các thân nhân đã tức giận, phát sinh đụng độ với cảnh sát trong một vụ biểu tình đòi gặp tổng thống Hàn Quốc và đề nghị đẩy mạnh công tác tìm kiếm nạn nhân mất tích, theo Reuters.
|
Các tàu lần lượt đưa thi thể nạn nhân bỏ trong túi đựng xác vào bờ ở đảo Jindo, trong tiếng khóc than và kêu gào từ thân nhân, theo mô tả của đài CNN (Mỹ) ngày 20.4. Các thi thể được đưa vào một ngôi lều và các thân nhân được mời vào trong để nhận dạng người thân của họ. Nhiều tiếng khóc than và gào thét đau đớn phát ra từ trong chiếc lều này. “Hãy tỉnh dậy đi! Hãy tỉnh dậy đi!”, một người đàn ông gào lên khi nhận diện người thân của mình.
|
Phúc Duy
>> Thảm kịch chìm phà ở Hàn Quốc: Thợ lặn tiến vào bên trong chiếc phà
>> Thảm kịch chìm phà: Chính phủ Hàn Quốc cân nhắc tuyên bố vùng thảm họa
>> Thảm kịch chìm phà ở Hàn Quốc: Một bé gái gốc Việt may mắn thoát chết
>> Thảm kịch chìm phà ở Hàn Quốc: 29 người chết, 273 người mất tích
>> Thảm kịch chìm phà ở Hàn Quốc: Đề nghị bắt trưởng phà Sewol
Bình luận (0)