Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, đến nay, người làng Mộ Trạch vẫn giữ được những nét truyền thống căn bản nhất để giáo dục cho các thế hệ con cháu sau này về truyền thống hiếu học của cha ông.
Huyền sử về ông tổ của ngôi làng khoa bảng
Một ngày hè tháng 6, phóng viên Báo Thanh Niên có dịp về làng Mộ Trạch (xã Tân Hồng, H.Bình Giang, tỉnh Hải Dương), ngôi làng cổ với lịch sử cả nghìn năm tuổi gắn liền với truyền thống hiếu học.
Tại miếu Mộ Trạch, xung quanh khuôn viên là những hàng cây cổ thụ xanh mát, bên trong nhà khách của miếu, ông Vũ Quốc Ái (75 tuổi), Chi hội trưởng Hội khuyến học thôn Mộ Trạch, đang sắp xếp tư liệu để tiếp chuyện chúng tôi (như đã hẹn trước đó).
Lật giở từng trang giấy cũ, ông Ái nói về khởi nguyên của làng Mộ Trạch. Theo ngọc phả của làng Mộ Trạch cuối thế kỷ thứ 8, đầu thế kỷ thứ 9, có vị quan chức thời nhà Đường, người tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc là Vũ Công Huy (vợ là Lưu Thị Phương, hai ông bà đã ngoài 60 tuổi nhưng chưa có con trai), đã từ quan, sang Việt Nam du ngoạn. Sau đó, cụ Huy đã nhờ người mối lái, kết duyên cùng cô thôn nữ ở trang Thanh Lâm, H.Nam Sách (Hải Dương) tên là Nguyễn Thị Đức.
Sau đó, cụ Vũ Công Huy đưa bà Đức về Phúc Kiến (Trung Quốc). Ngày 8.1 năm Giáp Thân (804), bà Đức đã sinh hạ một bé trai khôi ngô tuấn tú, vẻ mặt khác thường và đặt tên là Vũ Hồn. Đến năm 7 tuổi, Vũ Hồn đã tỏ ra là một đứa trẻ có trí tuệ khác thường với bạn bè cùng trang lứa, học đâu nhớ đấy. Năm 16 tuổi, khi tham gia kỳ thi Đình, Vũ Hồn đã đỗ bảng vàng. Vũ Hồn làm quan thời nhà Đường với nhiều chức khác nhau như Lễ bộ tả Thị lang, Đô đài Ngự sử, Giao Châu Thứ sử, rồi An Nam Kinh lược sứ.
Kinh lý nhiều nơi, trong thời gian làm quan ở phủ An Nam ông đã về bái mộ ông ngoại ở Nam Sách. Khi đi đến mảnh đất làng Lập Trạch, thấy nơi đây phong thuỷ thanh tú, ngũ mã chầu tiền, ắt sẽ phát về đường khoa bảng. Hơn nữa, Vũ Hồn trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, được coi là bậc thầy phong thuỷ thời đó, nên ông đã cắm đất đặt tên là trang Khả Mộ.
Làm quan được ngoài 20 năm, Vũ Hồn từ quan rước mẹ từ Trung Quốc trở về Việt Nam sinh sống tại trang Khả Mộ. Ông ra sức chiêu dân, khuyên bảo mọi người làm việc thiện, trừ việc hại, ban phát vàng bạc cho dân để dân mua ruộng, an cư lạc nghiệp.
Đến năm 850, thân mẫu của Vũ Hồn qua đời, ông đưa di hài thân mẫu an táng tại trang Kiệt Đặc (nay là P.Văn An, TP.Chí Linh, Hải Dương) nơi có thế đất địa linh nhân kiệt, có dãy núi Phượng Hoàng nhìn ra sông Lục Đầu.
"Ngày 3.12 năm Quý Dậu (853), Vũ Hồn không bệnh mà mất, hưởng thọ 49 tuổi. Người dân đã đưa linh cữu của ông an táng tại phía bắc của làng, ở một khu đất đã được lựa chọn từ trước. Nhưng lạ thay, chỉ sau một đêm, mối đã xông mộ Vũ Hồn thành ngôi mộ lớn.
Dân làng kinh hãi tâu đến quan huyện, quan huyện cho là điều linh thiêng, là điềm lành với dân làng nên đã cho lập đền thờ, từ đó, Vũ Hồn trở thành Đức thần tổ, vị Thành hoàng của làng. Tên gọi của làng Mộ Trạch cũng xuất phát từ đây", ông Ái kể lại.
Năm 2009, di tích đình và miếu Mộ Trạch thờ Vũ Hồn, ông tổ khai sinh ra làng đã được Bộ VH-TT-DL cấp bằng công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia.
Hằng năm, để tưởng nhớ công ơn Vũ Hồn, dân làng Mộ Trạch đều tổ chức lễ hội truyền thống vào ngày 8.1 âm lịch, cũng chính là ngày sinh của ông.
Ngôi làng có nhiều tiến sĩ nhất Việt Nam
Không phải tự dưng danh xưng 'làng tiến sĩ' được gắn với làng Mộ Trạch. Theo tài liệu còn lưu giữ đến ngày nay tại Ban quản lý di tích Mộ Trạch, trong thời kỳ phong kiến, làng Mộ Trạch có 36 người đỗ tiến sĩ Nho học, trong đó có 1 trạng nguyên và 11 hoàng giáp. Tại nhà thờ Thế Khoa đường của làng, dòng họ Vũ chiếm tuyệt đối về tỉ lệ tiến sĩ với 29 người, 5 tiến sĩ thuộc dòng họ Lê, 1 tiến sĩ họ Nhữ và 1 tiến sĩ họ Nguyễn.
Trước đây, tất cả con trai trong làng đều chăm chỉ dùi mài kinh sử để mong có ngày đỗ đạt chốn khoa trường. Để được lên kinh dự thi, các thí sinh đều phải đăng ký vào sổ thi của làng và dứt khoát phải vượt qua kỳ thi thử tại quán Kỳ Anh nơi đầu làng. Tại kỳ thi này, những người có khoa bảng trong làng làm nhiệm vụ khảo xét bồi dưỡng lớp con em để họ có đủ năng lực và phẩm chất trước khi thi tài với thiên hạ.
Khoa thi đầu tiên mà người làng Mộ Trạch đỗ tiến sĩ là khoa thi năm Giáp Thìn (1304) đời vua Trần Anh Tông, cả 2 anh em ruột là Vũ Nghiêu Tá và Vũ Hán Bi đều đỗ tiến sĩ.
Đặc biệt, khoa thi năm Bính Thân (1656) thời nhà Lê trung hưng dưới thời vua Lê Thần Tông, cả nước có 3.000 thí sinh dự thi, chọn lấy 6 tiến sĩ thì làng Mộ Trạch có 3 tiến sĩ là: Vũ Đăng Long, Vũ Trác Lạc và Vũ Công Lương.
Đời chúa Trịnh Tráng (1623 – 1657), làng Mộ Trạch có 17 người đỗ đạt làm quan trong triều, nên có câu: "Mộ Trạch họp việc làng giữa kinh đô".
Làng Mộ Trạch còn nổi tiếng với gia đình cụ Vũ Quốc Sĩ có 5 người con làm quan cho triều đình, 3 người trong số đó học vị tiến sĩ, trong đó có quan tể tướng là Vũ Duy Chí, Thượng thư Vũ Phương Trượng, hoàng giáp Vũ Bạt Tuỵ, tiến sĩ Vũ Cầu Hối, quan đại thần Vũ Tự Khốt.
Ở làng còn có trường hợp 3 đời con trưởng cùng đỗ tiến sĩ và làm quan dưới triều vua Lê Thánh Tông, đó là Vũ Bạt Tụy (ông), Vũ Duy Đoán (cha), Vũ Duy Khuông (cháu). Chính vì truyền thống hiếu học trong gia đình nên đã được vua ban tặng trong từ đường 2 chữ "Thế Khoa".
Làng Mộ Trạch cũng là nơi chôn nhau cắt rốn của Trạng cờ - Vũ Huyến, Trạng toán - Vũ Hữu, Trạng vật - Vũ Phong, Trạng chạy - Vũ Cương Trực và Trạng chữ - Lê Nại.
Dưới thời phong kiến, khoa thi cuối cùng có người làng Mộ Trạch đỗ tiến sĩ là khoa thi năm Giáp Tuất (1754), tiến sĩ Vũ Huy Đĩnh đã được vinh danh bảng vàng.
Trong 82 văn bia còn lại tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám ở Hà Nội, đã có đến 18 bia khắc tên 25 tiến sĩ làng Mộ Trạch.
Gìn giữ truyền thống hiếu học cho muôn đời sau
Theo ông Vũ Quốc Ái, từ thời kỳ đổi mới tính đến nay, làng Mộ Trạch có thêm 15 tiến sĩ, nâng tổng số tiến sĩ trong làng lên con số 36. Từ năm 2005, để phát huy truyền thống hiếu học của cha ông, làng Mộ Trạch đã thành lập chi hội khuyến học với mục đích nhằm giáo dục thế hệ con cháu nâng cao tinh thần học tập gắn liền với bề dày lịch sử nghìn năm của ngôi làng. Cả làng có hơn 10 dòng họ, dòng họ nào cũng thành lập quỹ khuyến học với phương châm: người người học tập, nhà nhà học tập, dòng họ học tập, xã hội học tập.
Hằng tuần, hằng tháng, chi hội khuyến học của làng đều đi đến từng hộ gia đình để động viên học sinh gắng học giỏi để thành tài, đóng góp cho sự phát triển của quê hương cũng như đất nước.
Ngoài ra, vào mỗi dịp hè, chi hội cũng vận động giảng viên, giáo viên, sinh viên là người trong làng mở các lớp học miễn phí cho các em học sinh từ bậc tiểu học đến trung học cơ sở.
Đối với học sinh lớp 11, lớp 12, trước mỗi kỳ thi hết năm học, chi hội đều mở hội nghị để tư vấn hướng nghiệp cho các em, để các em có sự lựa chọn đúng đắn cho sự nghiệp tương lai sau này.
"Làng Mộ Trạch có hơn 900 hộ với hơn 3.000 nhân khẩu, tính đến ngày 30.4.2023, cả làng có hơn 500 người đỗ đại học hệ chính quy. Làng Mộ Trạch là làng thuần nông, người dân chủ yếu sống nhờ cây lúa và các sản phẩm từ nông nghiệp, trong làng không có nghề truyền thống, vì vậy học tập là con đường duy nhất để phát triển bản thân, làm rạng danh cho gia đình, dòng tộc.
Với những con em thành đạt, họ đều có những đóng góp nhất định cho sự phát triển của địa phương như xây dựng trường học, đường sá. Cả 3 trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở đều đạt chuẩn quốc gia và luôn đứng đầu về chất lượng giáo dục trên địa bàn H.Bình Giang", ông Vũ Huy Cường, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Hồng, cho biết.
Đến nay, chi nhánh của họ Vũ toả đi khắp nơi, đỗ cao thành đạt khắp nơi, nhưng đâu đâu cũng nhớ về tổ tiên Vũ Hồn một thời khẩn hoang lập làng, lập xóm. Những lãnh đạo, trí thức người làng, hoặc gốc làng Mộ Trạch, gốc dòng họ Vũ ở Mộ Trạch phải kể đến nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Bộ Tư pháp Vũ Đình Hòe; tiến sĩ vật lý nguyên tử Vũ Khắc Thịnh; tiến sĩ Vũ Tuyên Hoàng; Đặng Vũ Phương Nghi, nữ giáo sư giảng dạy tại đại học Sorbonne ở Pháp…
Ngày nay, phía sau miếu Mộ Trạch có nhà bia, trong đó dựng 36 bia tiến sĩ theo chiều kim đồng hồ, mô phỏng theo dòng chảy của lịch sử, từ tiến sĩ đầu tiên đến tiến sĩ cuối cùng thời phong kiến. Đây cũng là nơi người làng Mộ Trạch ngày ngày dắt theo con trẻ đến để giáo dục, thấm nhuần tinh thần hiếu học của cha ông.
Bình luận (0)