Thẩm mỹ viện dẫn đầu danh sách bị vu khống, nói xấu trên mạng xã hội

14/12/2019 15:04 GMT+7

" Thẩm mỹ viện không muốn làm lớn chuyện, nhưng nhân viên cũ tưởng vậy là hay nên lại tiếp tục nói xấu khiến doanh nghiệp mệt mỏi", Giám đốc Thẩm mỹ viện Holywood Beauty Dương Yến Ngọc cho hay.

Tại tọa đàm Doanh nghiệp nói không với vu khống trục lợi trên mạng xã hội do Báo Người Lao động tổ chức sáng 14.12, Phó giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông TP.HCM Từ Lương, cho biết TP.HCM có khoảng 14 triệu tài khoản trong số 62 triệu tài khoản mạng xã hội trên toàn quốc.

Phạt tối đa 30 triệu đồng

Theo thống kê, Sở TT-TT nhận đơn phản ánh, tố cáo, khiếu nại nhiều nhất là nhóm liên quan đến thẩm mỹ viện, phòng khám tư nhân, kế đến là nhóm bất động sản và cuối cùng là các tranh chấp khác về dân sự. Thực tế, nhiều người khi gặp chuyện thì gửi đơn tố cáo công an, nhưng công an lại chuyển về Sở TT-TT do không giải quyết các tranh chấp dân sự.
Về quy trình, khi tiếp nhận thông tin, Sở TT-TT giao thanh tra sở mời các đối tác lên, nếu chỉ vi phạm hành chính thì xử phạt hành chính, còn nếu đến mức hình sự thì chuyển Công an TP.HCM xử lý.
Liên quan đến mức phạt hành chính, ông Lương cho biết hành vi vu khống nói xấu trên mạng chỉ bị xử phạt tối đa 30 triệu đồng.

Ông Từ Lương, Phó giám đốc Sở TT-TT TP.HCM cho biết các thẩm mỹ viện, phóng khám tư nhân dẫn đầu danh sách gửi đơn khiếu nại, tố cáo về việc bị vu khống, nói xấu trên mạng

Ảnh: Sỹ Đông

Sáu tháng gần đây, người dân, doanh nghiệp đã thay đổi cách tiếp cận thông tin và không thỏa thuận, bắt tay hay đàm phán với những thông tin xấu về mình mà làm việc với cơ quan nhà nước. Văn minh hơn, sau khi có kết quả, họ đưa ra tòa.
Ông Từ Lương nhận định KOLs (người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội) trở thành một kênh thông tin song song với báo chí, thậm chí còn quyền lực hơn cả tổng biên tập một số tờ báo. Ông Từ Lương đề nghị các doanh nghiệp không bắt tay, thỏa hiệp, thương lượng với KOLs, bởi các sai phạm đã có pháp luật và các cơ quan nhà nước xử lý.
Ông Lê Quang Tự Do, Phó cục trưởng Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT-TT) nhận định việc các doanh nghiệp sử dụng KOLs để bảo vệ mình giống như dùng con dao hai lưỡi, giống như sử dụng “âm binh” nên rất nguy hiểm. Thay vào đó, doanh nghiệp nên đồng hành cùng các cơ quan báo chí có uy tín, hợp tác chặt chẽ với cơ quan quản lý nhà nước. Bởi nếu họ làm sai, cơ quan nhà nước có thể xử lý được, nhưng KOLs thì trách nhiệm về pháp lý của họ thấp hơn nhiều.
Bên cạnh đó, Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử sẽ tổ chức buổi làm việc giữa Cục với doanh nghiệp, hiệp hội tạo cơ chế riêng trong việc thông báo cho Facebook, Google để nhanh chóng xử lý các thông tin xấu.

Khó thi hành án người nói xấu, vu khống

Bà Dương Yến Ngọc, Giám đốc Thẩm mỹ viện Holywood Beauty cho biết bản thân bà và doanh nghiệp nhiều lần bị vu khống do kẻ khác hãm hại, hiểu sai. Dù việc khởi kiện rất đơn giản, nhưng doanh nghiệp cân nhắc không muốn thực hiện bởi còn nhiều việc phải làm. Thế nhưng, khi bỏ qua thì người vu khống lại nghĩ rằng họ đúng rồi "thay trời hành đạo".
Bà Yến Ngọc cho rằng cần có những bài báo nhân văn để con người trở nên lương thiện, có cái nhìn bao dung, tha thứ và sống tích cực. Để trước khi làm gì đó như tố cáo doanh nghiệp thì họ cần bình tĩnh, tìm hiểu kỹ thông tin kỹ chứ đừng cảm tính.
Hoan nghênh việc pháp luật phạt tù người vi phạm nhưng bà Yến Ngọc đề nghị cơ quan chức năng khi tiếp nhận phản ánh cần giải quyết nhanh chóng nhất, để tránh gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

Luật sư Trương Thị Hòa cho biết việc thi hành án đối với hành vi vu khống, nói xấu trên mạng gặp nhiều khó khăn

Ảnh: Sỹ Đông

Dẫn chứng trường hợp nhân viên cũ nói xấu thẩm mỹ viện, doanh nghiệp muốn khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình, nhưng không thể thực hiện vì không biết địa chỉ nhà. Sau đó, nhân viên này tiếp tục nói xấu.
Giải đáp thắc mắc này, luật sư Trương Thị Hòa cho biết các doanh nghiệp sử dụng lao động đều có hợp đồng thể hiện địa chỉ cư trú là nơi thường xuyên sinh sống. Theo luật Tố tụng dân sự sửa đổi, nếu người dân bỏ đi khỏi nơi ở cũ mà không khai báo, thì có thể khởi kiện tại địa chỉ cũ. Lúc này, tòa gửi thông báo về địa chỉ theo hợp đồng, nếu người lao động đã bỏ đi thì hỏi công an.
Tuy nhiên, luật sư Trương Thị Hòa cho biết nếu tòa xử thắng thì việc thi hành án cũng cực kỳ khó khăn. Do đó, nữ luật sư này đồng tình với quy định yêu cầu các công ty cung cấp sản phẩm mạng xã hội phải định danh được người dùng để giải quyết các tranh chấp phát sinh từ không gian mạng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.