Thảm nạn ở vùng cao Quảng Nam: Ám ảnh Trà Leng

31/10/2020 06:42 GMT+7

Phải đếm lui đếm tới mấy lần những người thân tử vong, mất tích trong vụ sạt lở, cụ ông Hồ Văn Đề mới chốt với tôi con số… 8 người.

“Rồi mai đây, mấy đứa cháu của bố còn sống sót, chúng nó sẽ ở đâu, học hành ra sao? Ba, mẹ chúng chết hết rồi...”, cụ Hồ Văn Đề là cha, là ông, là cụ của những nạn nhân trong vụ sạt lở ở thôn 1 (xã Trà Leng, Nam Trà My, Quảng Nam) khóc òa.

Những nước mắt tuyệt vọng đầy ám ảnh trong thảm nạn sạt lở ở Trà Leng

Thảm nạn giáng xuống đại gia đình

Phải đếm lui đếm tới mấy lần những người thân tử vong, mất tích trong vụ sạt lở, cụ ông Hồ Văn Đề mới chốt với tôi con số… 8 người. Người đàn ông M’Nông 77 tuổi này tuy còn minh mẫn nhưng bởi cú sốc quá lớn khiến ông không còn đủ tỉnh táo bấm đầu ngón tay.
Trưa 30.10, khi đang kể về đứa con rể Hồ Văn Công là người thân đầu tiên được tìm thấy thi thể, cụ Đề nghe phía dưới hiện trường báo tin tìm thấy thêm 1 thi thể. Mọi người xúm vào để xem đó là ai, riêng cụ ngồi một góc không dám chạy lại. Từ trong đống đất đá, thi thể được kéo ra, được vệ sinh sạch sẽ. “Hùng! Hùng đây rồi!”, một người dân la lớn. “Thế là thằng út nhà tôi về với Giàng rồi”, nước mắt cụ Đề giàn giụa: “Còn 6 đứa con, cháu nữa…”.
Khu vực sạt lở vốn là nơi tập trung sinh sống của nhiều gia đình con, cháu cụ Đề khoảng 20 năm qua. Ngoài 2 thi thể được tìm thấy là Hồ Văn Công, Hồ Văn Hùng, vợ chồng cụ Đề vẫn đang mòn mỏi chờ tin từ hiện trường về 6 người khác, gồm: Lê Hoàng Việt (con rể, Bí thư Đảng ủy xã Trà Leng), Hồ Thị Thắm (con gái, vợ ông Công), A Rất Thị Hà (con dâu, vợ ông Hùng), Hồ A Rất Thái Hữu (cháu nội, con trai ông Hùng), Hồ Quang Tuyền (cháu của bà Thắm) và Hồ Thị Lan Anh (con gái bà Thắm). Khi lực lượng tìm kiếm đặt thi thể ông Hùng bên cạnh nấm mồ đất vừa được đắp vào hôm 29.10, cụ Đề cứ ngồi bần thần. Còn cụ bà Hồ Thị Hồng (vợ cụ Đề) cứ khóc gào thảm thiết. Hai mái đầu bạc run rẩy cầm tay nhau, chờ tin những đứa con, cháu đang mất tích trong nỗi thấp thỏm…

Sáng 31.10, nỗ lực tìm kiếm những người mất tích vì sạt lở ở Trà Leng

Tương lai mù mịt

Tại hiện trường, bên cạnh không khí khẩn trương của lực lượng đào bới tìm kiếm, phía trên ngọn đồi là khung cảnh thê lương, quánh mùi nhang khói. Những người thân cứ ôm lấy nhau nức nở. Trong số đó, tôi đặc biệt chú ý đến 2 cậu học sinh cứ gục đầu vào nhau nấc từng hồi. Khi thoảng lại vỗ vai động viên nhau. Hai em là Lê Thanh Tú (con trai ông Lê Hoàng Việt) và Hồ Văn Hải (con trai ông Hồ Văn Công, cùng học lớp 11, Trường phổ thông Dân tộc nội trú Nam Trà My). Cha của 2 em làm rể cùng một nhà, các em lại học chung trường nên rất thân thiết.
Nhận tin dữ từ hôm 28.10, nhưng đến hôm qua nhà trường mới cử giáo viên đưa 2 em về nhận người thân và lo hương khói vì đường sá ách tắc. “Dượng Công chết rồi, còn ba Việt của em chắc cũng không qua khỏi. Suốt từ lúc biết tin, bọn em cầu trời cả nhà không sao nhưng không ngờ gia đình bọn em có người chết, người mất tích nhiều nhất…”, Tú gạt nước mắt. Cô giáo Nguyễn Thị Hạnh, người đưa các em đến hiện trường, mắt cũng đỏ hoe: “Hải đã mất ba mẹ, còn em gái mất tích. Nghĩ đến cảnh mai này em sẽ nương tựa vào đâu, tôi thấy quá thương cảm…”.
Chiều, cơn mưa rừng trút xuống. Bùn đất dần nhão nhoẹt không làm nặng thêm những bước chân người lính cứu nạn đang chạy đua với mưa gió, mà nặng lòng nhất là câu hỏi của cô giáo Hạnh: “Bão số 9 đã đánh gục nhà cửa, người thân, không lẽ nó còn đánh gục tương lai của những học sinh sống sót?”.
 

Tiếp tục tìm kiếm ở Rào Trăng 3

Chiều 30.10, Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng) cho biết tại hiện trường vụ sạt lở đất ở thủy điện Rào Trăng 3, Bộ Quốc phòng tiếp tục duy trì lực lượng 217 người và 47 phương tiện các loại, cùng đội chó nghiệp vụ phối hợp với các lực lượng tổ chức tìm kiếm người mất tích, nhưng chưa có kết quả.
P.Hậu 
 

Sạt lở đất ở H.Phước Sơn: Vẫn còn 6 nạn nhân mất tích

Kinh hoàng cảnh lũ quét cuốn trôi hàng chục nhà dân ở Quảng Nam

Chiều 30.10, các lực lượng tăng cường vẫn đang nỗ lực khơi thông những điểm sạt lở, mở đường vào 3 xã bị cô lập gồm: Phước Kim, Phước Thành, Phước Lộc (H.Phước Sơn, Quảng Nam).
Ngày 29.10, sau một đêm nỗ lực, đường ĐH1 từ xã Phước Chánh đến Phước Kim đã thông tuyến tới cầu Xà Oai. Tuy nhiên, từ cầu Xà Oai đi vào Phước Lộc còn tới 50 km và có nhiều điểm sạt lở rất nghiêm trọng; 2 đường tiếp cận đến xã đều bị chia cắt do lũ quét.
Hiện 6 trong tổng số 11 nạn nhân vụ sạt lở đất tại địa bàn thôn 3, xã Phước Lộc vẫn đang mất tích. Trước đó, tối 29.10, lực lượng CHCN tại chỗ đã tìm thấy 5 thi thể.
Chiều 30.10, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đã ký văn bản trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 5, Sư đoàn phòng không 372 về việc hỗ trợ tiếp tế lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm cho các hộ dân tại 2 xã Phước Lộc, Phước Thành (H.Phước Sơn) bằng đường không kịp thời trước khi bão số 10 sắp đến. Sau bão số 9, do bị sạt lở núi trên địa bàn H.Phước Sơn nên đã chia cắt giao thông, gây cô lập khoảng 3.000 hộ dân tại 2 xã Phước Lộc, Phước Thành từ ngày 28.10 đến nay. Do đoạn đường để di chuyển từ trung tâm huyện đến 2 địa phương này khá xa (trên 50 km), bị chia cắt bởi các điểm sông, suối và sạt lở đất rất phức tạp.
Mạnh Cường 
 

Xé rừng băng suối, cõng thực phẩm cho 3.000 người đang kêu cứu vì sạt lở

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.