Thảm nạn ở vùng cao Quảng Nam: Những giây phút giải cứu sinh tử

31/10/2020 06:34 GMT+7

Lực lượng cứu hộ cứu nạn từ bên ngoài vất vả 'xé' rừng để tiếp cận nơi 217 công nhân nhà máy thủy điện bị mắc kẹt do bão lũ. Còn bên trong hiện trường, các công nhân cũng tìm cách thoát hiểm…

* 80 công nhân thủy điện mắc kẹt đã thoát nạn

Sau hàng giờ đồng hồ vượt đường rừng, lội sình lầy hướng về hiện trường Nhà máy thủy điện Đăk Mi 2 (xã Phước Công, H.Phước Sơn, Quảng Nam) nơi có các công nhân mắc kẹt, PV Thanh Niên chứng kiến khung cảnh điêu tàn, thảm khốc sau cơn thiên tai.

Kinh hoàng cảnh lũ quét cuốn trôi hàng chục nhà dân ở Quảng Nam

Gian nan tiếp cận hiện trường

Sáng 30.10, PV Thanh Niên cùng đoàn công tác của tỉnh Quảng Nam trực tiếp “xé” rừng để tiếp cận khu vực Nhà máy thủy điện Đăk Mi 2. Đoàn công tác do ông Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Nam, dẫn đầu. Từ trụ sở UBND H.Phước Sơn, đoàn di chuyển hơn 10 km phải dừng lại vì đường bị chia cắt bởi sông Xa Ka chảy xiết. Lúc này, một tốp cán bộ UBND xã Phước Công đã chờ sẵn, dùng xe máy chở đoàn công tác vượt sông, đến trụ sở UBND xã bàn bạc việc tiếp cận hiện trường.
Khoảng 9 giờ cùng ngày, đoàn tiếp tục vượt qua các ngọn đồi, vì đường bộ bị hàng đống đất đá sạt lở gây chia cắt. Dọc đường đi, cảnh tượng sạt lở khủng khiếp hiện ra. Những tảng đá khổng lồ nằm lởm chởm, chằng chịt ven đường. Đất bùn đóng thành lớp cao đến đầu gối người lớn. Cây cối nằm rạp hai bên đường. Ở nhiều điểm sạt lở, PV Thanh Niên dường như không dám ngước mắt nhìn lên, vì tưởng tượng không may đất đá tiếp tục đổ xuống…
Khoảng 11 giờ 30, chúng tôi tiếp cận được hiện trường vụ số công nhân thủy điện Đăk Mi 2 bị cô lập. “Hôm nay trời nắng ráo, chứ tiếp tục mưa thì quá trình tiếp cận sẽ gian nan, nguy hiểm hơn nhiều”, một cán bộ trong đoàn công tác thở phào.

Công nhân thủy điện Đăk Mi 2 kể chuyện thoát ra khỏi vùng cô lập

“Như từ cõi chết trở về”

Không để các đồng nghiệp phải tiếp tục đối diện tử thần, trưa 30.10, nhiều công nhân của Nhà máy thủy điện Đăk Mi 2 đã tìm cách bám theo đường dây cáp (dạng ròng rọc) để đưa số người mắc kẹt, cô lập thoát ra ngoài. Cuộc thoát hiểm có sự tiếp sức từ lực lượng cứu hộ cứu nạn bên ngoài, kể cả những lời động viên…
Khoảng 12 giờ 30 cùng ngày, các công nhân gặp nạn bắt đầu vượt lũ dữ. Bên dưới là dòng nước cuồn cuộn, lởm chởm đá. Hành trình vượt sông diễn ra hết sức thận trọng, vì nếu không may rơi xuống thật khó lường hết hậu quả. Mỗi khi nạn nhân được kéo qua, ai nấy hồi hộp đến nghẹt thở. Tiếng nhắc nhở, hướng dẫn vang lên liên tục. Có lúc, dòng lũ dữ còn bắn nước tung tóe lên người gặp nạn. Khung cảnh nhìn tưởng như trong… phim.
Chị Lô Thùy Mây (38 tuổi, quê Nghệ An) nở nụ cười hạnh phúc khi vượt dòng lũ thành công. Chị nói trưa 28.10, nước và đất đá bất ngờ đổ ập xuống lán trại, nơi chị và một số công nhân đang trú ẩn. Chị Mây chạy ra ngoài, sau đó theo chân các công nhân khác “tìm con đường sống”. “Đất đá vùi lấp hết các vật dụng. Tôi chẳng kịp mang gì cả. Mấy ngày lội bùn, dầm mưa, tôi phải lấy quần áo của các anh công nhân mặc đỡ”, chị Mây kể. Trong thời khắc được thoát nạn, chị Mây nói cả nhà chị ở nhà đang… khóc lóc, chắp tay cầu mong cho chị sống sót trở về. “Tôi phải gửi hình, phải gọi điện thông báo cho người thân ngay đây”, chị vội vã như chợt nhớ thứ gì đó.
Cũng vừa vượt dòng nước dữ thành công, ông Nguyễn Văn Huấn (52 tuổi, quê Nghệ An) ngồi trên tảng đá chắp tay cầu nguyện cho những đồng nghiệp đi sau tiếp bờ an toàn. Lúc ngọn núi sạt lở, ông Huấn cùng hàng chục người khác dắt díu nhau, lội sình cao ngang hông đi khoảng 5 km để đến một trạm khác của thủy điện Đăk Mi 2 tránh trú.
“Đoạn đường dài chỉ 5 km nhưng đi mất khoảng 8 tiếng đồng hồ. Lội sình lầy, vạch từng tán cây, chúng tôi chẳng khác nào người từ cõi chết trở về. Những ngày qua, chúng tôi chia nhau mì tôm ăn cầm cự. Thật sự quá khủng khiếp!”, ông Huấn cho hay.

Ông Nguyễn Văn Huấn (52 tuổi) là công nhân thủy điện Đăk Mi 2 kể lại hành trình thoát nạn.

Tối 30.10, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Quảng, Phó chủ tịch UBND H.Phước Sơn, cho biết việc giải cứu trực tiếp do chính công nhân của Nhà máy thủy điện Đăk Mi 2 thực hiện.
“Nhiều công nhân đã an toàn ra ngoài, việc giải cứu sẽ tiếp tục diễn ra vào những ngày tới”, ông Quảng nói. Hôm nay (31.10), đoàn công tác của UBND H.Phước Sơn sẽ vào xã Phước Kim (H.Phước Sơn) cứu trợ lương thực cho bà con bị chia cắt do bão lũ. Trong khi đó, việc tìm kiếm người mất tích ở xã Phước Lộc (cùng huyện) còn khó khăn. Vì vậy, việc tìm kiếm hiện sẽ do lực lượng địa phương trực tiếp đảm nhận.

Xé rừng băng suối, cõng thực phẩm cho 3.000 người đang kêu cứu vì sạt lở

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Nam, cho biết lực lượng cứu hộ cứu nạn cũng đã tiếp cận được các công nhân bị mắc kẹt. Đến chiều tối qua, có 80 công nhân đã ra ngoài an toàn, sức khỏe đều ổn định. Những người còn mắc kẹt cũng đang ở vị trí an toàn, lương thực thực phẩm đã đủ để có thể sử dụng trong thời gian khoảng 15 ngày.
Trước đó, lực lượng cứu hộ cứu nạn cũng sử dụng ròng rọc để chuyển lương thực, nhu yếu phẩm vào cho những người bị cô lập vì họ đã cạn kiệt lương thực và thông báo cầu cứu. Ngay sau đó, lực lượng này đã thực hiện việc cột dây cáp, để sáng nay 31.10 tiếp tục tiếp tế qua đường dây cáp này.
Trác Rin - Mạnh Cường
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.