Các cầu thủ nhí trước khi được tuyển chọn vào 'lò' bóng đá Viettel phải trải qua bài kiểm tra khắt khe, gồm kiểm tra IQ, sức khỏe, sau đó mới là trình độ chuyên môn.
Các cầu thủ tại lò đào tạo bóng đá Viettel phải huấn luyện nghiêm khắc
|
Thời gian qua, cùng với PVF, trung tâm thể thao Viettel nổi lên như một hiện tượng khi liên tục có những lứa cầu thủ xuất sắc. Các cầu thủ trẻ Viettel lần đầu tiên giành vé tham dự giải hạng Nhất 2016 và phấn đấu đến năm 2018 tham gia V-League. Không phải ngẫu nhiên “lò” bóng đá này tự tin như vậy.
Huấn luyện gắt gao như trong quân ngũ
“Có thể nhiều người sẽ nghĩ rằng các cầu thủ thì không cần học nhiều. Ở đây thì khác, các cháu phải học lực khá trở lên. Chúng tôi có sự kết nối chặt chẽ với các thầy cô giáo tại trường học. Nếu ai học lực kém, đá bóng hay tới đâu cũng phải loại thải”, Trung tá Hà Hữu Tám, Phó giám đốc Trung tâm thể thao Viettel nói.
Trung tá Tám cũng liệt kê một lịch trình dày đặc một ngày mà các VĐV phải thực hiện, bất di bất dịch:
“5 giờ sáng, các cháu phải đồng loạt thức dậy, vệ sinh cá nhân trong 15 phút, 5 giờ 30 phút sẽ xuống phòng ăn sáng. Từ 6 giờ đến 6 giờ 30 phút sẽ có xe đưa đón tới trường Trung Sơn Trầm, thị xã Sơn Tây. Các cháu học đến trưa, sẽ có xe đưa đón từ trường về nhà lúc 12 giờ. Ăn cơm xong lúc 12 giờ 30 về nghỉ ngơi. Đúng đến 15 giờ, các cháu sẽ ra sân tập luyện đến 17 giờ. 18 giờ đi ăn cơm. 19 giờ đến 21 giờ các cháu sẽ phải tự học dưới sự kèm cặp của các gia sư”.
“Các bạn có được sử dụng điện thoại di động không?”, chúng tôi hỏi Trung tá Tám. Ông đáp, với các lứa tuổi U.12, U.13, U.14, U.15, các VĐV không được sử dụng điện thoại di động, với các lứa tuổi lớn hơn sẽ được sử dụng điện thoại di động nhưng tùy theo giờ, sau 21 giờ phải nộp cho HLV.
HLV Đặng Phương Nam, trưởng phòng HLV của Trung tâm thể thao cho hay, khác với nhiều trung tâm huấn luyện các cầu thủ khác, các tiêu chí để đào tạo tuyển thủ trẻ tại đây là văn hóa xếp đầu tiên. Thứ hai là kỷ luật, thứ ba là thể lực, chuyên môn bóng đá xếp sau cùng.
Các cầu thủ trẻ phải trải qua thời gian tuyển chọn gắt gao mới được lựa chọn vào lò đào tạo bóng đá Viettel
|
Hiện tại, trung tâm thể thao Viettel có 171 cầu thủ được lựa chọn từ khắp 63 tỉnh thành, thuộc các lứa tuổi U.12, U.13, U.14, U.15, U.17, U.19. Những cuộc thi bóng đá được tổ chức để lựa chọn ra những tài năng nhí, tuy nhiên, các em bé này nếu trúng tuyển chưa được đưa vào thẳng “lò” lớn nhất đang đóng tại xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, Hà Nội mà được huấn luyện tại các trung tâm bóng đá vệ tinh của Viettel đóng tại Thái Bình, Hải Dương, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Đồng Nai. Nếu qua được sức ép của các lò vệ tinh này, các tài năng trẻ mới được chuyển tới lò chính. Đó, là thực tế, khi mà có thể cả một tỉnh thành, Viettel mới có thể tuyển chọn được 1 cầu thủ.
Song, một thực tế khắc nghiệt là quân số các VĐV có thể thay đổi, bất cứ lúc nào. Theo định kỳ, tại đây sẽ có các cuộc kiểm tra về sức khỏe, trình độ chuyên môn các cầu thủ. Nếu học viên gặp vấn đề thể lực, chuyên môn, việc bị thải loại là một điều tất nhiên. Đồng thời, nếu các học viên không đáp ứng được tiêu chí trình độ văn hóa và kỷ luật, ngay tức khắc các học viên khác cũng sẽ thế chỗ.
“Quan điểm của chúng tôi là phải liên tục đào thải mới có thể phát triển. Nước có chảy thì mới trong”, Trung tá Hà Hữu Tám nói.
Bắt buộc phải đi huấn luyện quân sự
HLV Đặng Phương Nam, Trưởng phòng HLV của Trung tâm thể thao Viettel
|
Ở trung tâm bóng đá này mỗi cầu thủ tối thiểu được 220.000 đồng tiền ăn một ngày, ở trong ngôi nhà đầy đủ tiện nghi, điều kiện chăm sóc sức khỏe, rèn luyện kỹ năng cực kỳ tốt, nhưng khi tham gia nghĩa vụ quân sự, các cầu thủ phải chấp nhận đóng quân ở nơi vùng sâu vùng xa, mỗi bữa ăn có thể chỉ 10-15.000 đồng, phải tăng gia sản xuất, có thể có kẻng báo thức giữa đêm, phải bật dậy để gấp chăn vuông và sắp xếp hàng ngũ…
“Chúng tôi kiên quyết không có ngoại lệ cho việc đi nghĩa vụ quân sự. Ai đến tuổi cũng phải đi. Vì đây là cơ hội để giáo dục cho các cầu thủ kỷ luật, ý thức trách nhiệm, tinh thần dân tộc”, Phó giám đốc trung tâm, Trung tá Hà Hữu Tám cho hay...
Bình luận (0)