Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong mới ký ban hành báo cáo kết quả giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri gửi trước kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV. Nội dung được nhiều cử tri quan tâm là công tác phòng, chống tham nhũng.
Cử tri phản ánh việc nhiều cán bộ, đảng viên, nhất là người "có chức có quyền" thực hiện hành vi tham nhũng, gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước, giảm sút lòng tin của nhân dân. Những trường hợp này cần xử lý nghiêm minh.
Cử tri cũng kiến nghị tăng cường công tác giám sát, kiểm tra để sớm phát hiện và xử lý ngay đối với các vụ việc về tham nhũng, không để phát sinh thành vụ việc nghiêm trọng; sớm có biện pháp khắc phục tình trạng "tham nhũng vặt", nhũng nhiễu đối với doanh nghiệp và người dân.
Mầm mống gây hại nghiêm trọng
Trả lời các nội dung trên, Thanh tra Chính phủ cho biết, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã ngày càng đi vào chiều sâu; được thực hiện một cách bài bản, quyết liệt, theo đúng quan điểm "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào".
Trong 6 tháng đầu năm 2024, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 308 tổ chức đảng, 11.005 đảng viên. Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã thi hành kỷ luật 47 cán bộ diện T.Ư quản lý.
Kết quả cho thấy một bộ phận cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người có chức vụ, thậm chí chức vụ quan trọng vì chạy theo cám dỗ vật chất, địa vị mà quên đi lời thề với Đảng, với nhân dân, trở thành những "con sâu", mầm mống gây hại nghiêm trọng đến sự nghiệp cách mạng.
Điều này đặt ra yêu cầu cấp bách về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; mỗi cán bộ, đảng viên phải tự nhìn nhận, tự soi, tự sửa, tự tu dưỡng bản thân, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Thanh tra Chính phủ dẫn chứng một số vụ án đã bị xử lý nghiêm thời gian qua (kit test Việt Á, đăng kiểm, chuyến bay giải cứu…). Đây chính là lời răn đe, cảnh tỉnh đối với bộ phận cán bộ, đảng viên còn chưa vững vàng về bản lĩnh, còn dao động trước những cám dỗ về vật chất.
Vẫn theo Thanh tra Chính phủ, bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác phòng và chống, tình trạng tham nhũng trên nhiều lĩnh vực còn nghiêm trọng, phức tạp, với biểu hiện ngày càng tinh vi.
Một số cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương, nhất là người đứng đầu chưa thực sự gương mẫu, quyết liệt, nói chưa đi đôi với làm trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng; còn có nơi nể nang, né tránh.
Cạnh đó, nạn "tham nhũng vặt" đã làm cho nhiều doanh nghiệp và người dân phải chi trả những khoản chi phí ngoài quy định khi thực hiện các thủ tục hành chính…
Xây dựng nền công vụ minh bạch, liêm chính
Để công tác phòng, chống tham nhũng đạt nhiều kết quả hơn nữa, Thanh tra Chính phủ cho biết Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp trong thời gian tới.
Trong đó, hoàn thiện các quy định xây dựng nền công vụ minh bạch, liêm chính, phục vụ; phòng, chống tham nhũng ngay trong nội bộ các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng; xử lý nghiêm tình trạng "tham nhũng vặt", nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.
Đồng thời tập trung thanh tra vào những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng, kinh tế đã phát hiện.
Ngoài phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, Chính phủ cũng đã kiến nghị Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội tăng cường hoạt động chất vấn, giám sát chuyên đề về công tác phòng, chống tham nhũng; sửa đổi, bổ sung kịp thời các quy định của pháp luật.
Cùng đó, đề nghị TAND tối cao, Viện KSND tối cao, Kiểm toán Nhà nước, các cơ quan tố tụng tiếp tục tăng cường công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực, chú trọng thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát; kiên quyết không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan bảo vệ pháp luật…
Bình luận (0)