Chánh văn phòng BCĐ Vũ Tiến Chiến cho biết, năm 2009 tham nhũng đã có xu hướng giảm, kiềm chế lại trên một số lĩnh vực như chi tiêu ngân sách nhà nước, xây dựng cơ bản, “các hiện tượng mua sắm xe công quá định mức, dùng ngân sách mua quà tặng, biếu xén nay đã giảm hẳn”. Cũng theo ông Chiến, dư luận quốc tế đánh giá, các chỉ số phòng, chống tham nhũng của VN liên tục tăng trong những năm gần đây, "nhưng còn rất chậm so với mong đợi".
Bên cạnh đó, "theo kết quả thăm dò dư luận xã hội của Ban Tuyên giáo Trung ương, tham nhũng vẫn xếp hạng “top” trong những vấn đề xã hội bức xúc", ông Chiến nhấn mạnh. Những lĩnh vực tham nhũng hoành hành hiện nay là đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng, thu hồi đất làm dự án... Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền cũng bày tỏ: “Đối với lĩnh vực đất đai đi chỗ nào cũng thấy có sai phạm, ngoài ra các lĩnh vực khác như khoáng sản, cổ phần hóa cũng rất phổ biến”.
Cũng theo đánh giá của BCĐ, hiệu quả thực hiện một số biện pháp phòng ngừa ở nhiều cơ quan, tổ chức còn thấp, như kê khai tài sản, thu nhập, luân chuyển cán bộ. Tình trạng cán bộ nhà nước nhũng nhiễu doanh nghiệp, người dân chậm được khắc phục. BCĐ cũng cho rằng, việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu còn ít so với vụ việc tham nhũng được phát hiện, xét xử, nhiều nơi còn có sự nể nang, né tránh. "Về khách quan, đối tượng tham nhũng là những người có chức vụ, quyền hành nên rất giỏi “né’’ cơ quan chức năng, cá biệt còn có những người có cống hiến, công trạng nên gây ra nhiều khó khăn cho việc phát hiện xử lý", báo cáo của BCĐ đánh giá.
Tại hội nghị, nhiều đại biểu cũng phàn nàn về tình trạng điều tra, xét xử các vụ án tham nhũng còn ít so với tình hình tham nhũng thực tế. Điều mà theo lý giải của Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình là do: các bị cáo tham nhũng thường có mối quan hệ rộng nên khi đưa ra xét xử thường có nhiều ý kiến khác nhau rất phức tạp. Một số vụ nghiêm trọng kéo dài là do phải qua nhiều cơ quan chức năng. Dù cho rằng cần phải đánh giá thận trọng hơn về việc xét xử tham nhũng, Chánh án TAND tối cao cũng cho rằng ngành tòa án ghi nhận và kiểm tra, có biện pháp đối với tình trạng trên.
Với tư cách là Trưởng BCĐ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhất trí về 8 nhóm giải pháp thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng mà BCĐ đề ra. Trong đó có đẩy mạnh hoạt động chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc để quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng nổi cộm đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách trên các lĩnh vực còn xảy ra tham nhũng nghiêm trọng như đất đai, thuế, hải quan, cải cách hành chính. “Năm nay chuẩn bị cho đại hội Đảng các cấp, lĩnh vực phòng, chống tham nhũng có kết quả sẽ nâng lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, góp phần xây dựng cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thái Sơn
Bình luận (0)