Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM vừa tổ chức Hội thảo góp ý dự án luật Tổ chức TAND (sửa đổi).
Theo đó, tại khoản 2 điều 11 của dự thảo luật quy định: "tòa án, thẩm phán, hội thẩm và chức danh tư pháp khác của tòa án không phải giải trình, không được thông tin về quan điểm giải quyết vụ án, vụ việc đang trong quá trình thụ lý, giải quyết vụ án, vụ việc đó".
Tại hội thảo, luật sư Phạm Công Hùng (nguyên thẩm phán TAND tối cao) cho rằng, quy định trên "chưa ổn, chưa phù hợp với thực tế và quy định pháp luật của luật liên quan hiện hành". Việc thẩm phán không giải trình thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền của các đương sự. Bởi quá trình tiến hành tố tụng của thẩm phán, đương sự có thể khiếu nại, người giải quyết trả lời là chánh án. Tuy nhiên, nếu thẩm phán không giải trình thì chánh án khó có cơ sở xử lý.
Do đó, luật sư đề nghị bỏ cụm từ "không phải giải trình" trong dự thảo luật nêu trên. Mục đích là để tương thích với quyền và nghĩa vụ của thẩm phán, hội thẩm nhân dân trong quá trình xét xử các vụ án hình sự, dân sự và hành chính mà bị khiếu nại, dẫn đến phải giải trình đối với người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại.
Cụ thể, tại điểm a khoản 2 điều 473 bộ luật Tố tụng hình sự quy định: "Người bị khiếu nại có nghĩa vụ giải trình về quyết định, hành vi tố tụng bị khiếu nại; cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan khi cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền yêu cầu". Ngoài ra, điểm a khoản 2 điều 501 bộ luật Tố tụng dân sự; hay tại điểm a khoản 2 điều 329 luật Tố tụng hành chính, cũng quy định tương tự.
Trao đổi với PV Báo Thanh Niên, luật sư Nguyễn Văn Phước (nguyên Chánh án TAND tỉnh Khánh Hòa) cũng cho rằng, dự thảo quy định như trên chưa phù hợp.
"Khi bị cáo, đương sự khiếu nại, thẩm phán phải giải trình với chánh án để từ đó chánh án mới có căn cứ để giải quyết. Cho nên nếu quy định không cho thẩm phán giải trình thì làm khó chánh án rồi", ông Phước nêu.
Theo nguyên Chánh án TAND tỉnh Khánh Hòa, trong quá trình giải quyết vụ án, đương sự, bị cáo thấy có bất thường như tòa không tống đạt quyết định đưa vụ án ra xét xử, hoặc thành viên trong hội đồng xét xử có quen biết với người tham gia tố tụng… thì họ hoàn toàn được khiếu nại.
Khi có khiếu nại, chánh án sẽ là người phải giải quyết, do đó thẩm phán phải có trách nhiệm giải trình cho chánh án biết. Trên cơ sở giải trình đó, chánh án mới có căn cứ để trả lời chấp nhận, hay không chấp nhận đơn khiếu nại.
Ngoài ra, cũng theo ông Phước, khi Hội đồng nhân dân chất vấn tòa án về một vấn đề nào đó trong vụ án, thì thẩm phán cũng phải giải trình, cung cấp thông tin, thì chánh án nắm sự việc để trả lời.
"Tòa án, thẩm phán, hội thẩm và chức danh tư pháp khác của tòa án không phải giải trình với đương sự, nhưng phải giải trình cung cấp thông tin cho lãnh đạo và cấp trên", ông Phước khẳng định.
Luật sư - TS Nguyễn Thị Kim Vinh (Công ty luật TNJ, nguyên thẩm phán TAND tối cao) nhìn nhận, tại điều 473 bộ luật Tố tụng hình sự, điều 329 luật Tố tụng hành chính đều quy định người bị khiếu nại có nghĩa vụ giải trình về quyết định, hành vi bị khiếu nại khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.
Do đó TS Kim Vinh cho rằng, khoản 2 điều 11 dự thảo luật Tổ chức TAND (sửa đổi) quy định "tòa án, thẩm phán, hội thẩm và chức danh tư pháp khác của tòa án không phải giải trình" sẽ gây mâu thuẫn đối với các quy định về nghĩa vụ của người bị khiếu nại. Quy định này sẽ ảnh hưởng đến quyền khiếu nại đối với các quyết định, hành vi của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Ngoài ra, nếu thẩm phán không giải trình trong quá trình thụ lý, giải quyết vụ án, vụ việc thì sẽ không trình bày rõ được lý do và nội dung trong các quyết định, hành vi do mình ban hành phải thực hiện.
Từ đó, TS Kim Vinh đề xuất nên bỏ cụm từ "không phải giải trình" trong dự thảo trên. Có như vậy mới đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự khi tham gia quá trình tố tụng, phù hợp với quyền và nghĩa vụ của thẩm phán, hội thẩm nhân dân đã được quy định trong quá trình xét xử mà bị khiếu nại.
Dự thảo cần tránh bị trùng lặp với luật khiếu nại và tố cáo
Tại khoản 3 điều 18 dự thảo quy định: "Nghiêm cấm mọi hành vi xúc phạm, xâm hại đến sự tôn nghiêm, uy tín của tòa án; đe dọa, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, xâm hại đến tính mạng, sức khỏe của thẩm phán, hội thẩm, người có chức danh tư pháp khác của tòa án hoặc những người thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của tòa án; lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống thẩm phán, hội thẩm, công chức, viên chức và người lao động của tòa án".
Luật sư Phạm Công Hùng đề nghị không đưa nội dung "lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống thẩm phán, hội thẩm, công chức, viên chức và người lao động của tòa án" vào dự thảo. Bởi theo luật sư, nội dung trên đã được quy định tại khoản 10, 12 điều 8 luật Tố cáo và khoản 5, 7 điều 6 luật Khiếu nại.
Bình luận (0)