Theo Bloomberg, thành phố Trung Quốc ở đồng bằng Châu Giang phía bắc Hồng Kông, được xướng tên trong lễ kỷ niệm 40 năm cải cách kinh tế Trung Quốc diễn ra trong tuần này. Cải cách kinh tế lớn đó biến làng chài và làng nông ngày xưa thành đô thị thịnh vượng, nơi hàng trăm doanh nghiệp “đóng đô”. Trong số này có tám công ty được kiểm soát bởi top 500 tỉ phú giàu nhất thế giới. Tổng tài sản của họ đạt 110 tỉ USD, theo chỉ số Bloomberg Billionaires.
Trong số các tỉ phú kể trên có hai gương mặt nổi tiếng trong làng công nghệ là CEO Tencent Pony Ma và nhà sáng lập BYD Wang Chuan-fu. BYD là doanh nghiệp sản xuất nhiều xe điện hơn cả Tesla. Họ thuộc top những người giàu Trung Quốc, đã lèo lái doanh nghiệp vượt nhiều thách thức. Hiện tại, thuế quan mà chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump là thách thức mới nhất đè nặng kinh tế Đại lục.
|
Ngoài hai cái tên trên, Thâm Quyến còn có tỉ phú Zhang Zhidong - người giàu lên từ Tencent, Wang Wai - nhà sáng lập hãng giao nhận SF Express, Frank Wang - nhà sáng lập hãng máy bay không người lái DJI, Yao Zhenghua - chủ hãng tài sản và dịch vụ tài chính Baoneng, Hui Ka Yan - chủ China Evergrande và Kei Hoi - chủ hãng bất động sản Logan Proterty. Không ít tỉ phú Thâm Quyến thuộc top 500 người giàu nhất thế giới đi lên từ ngành công nghệ.
Chứng khoán Trung Quốc giảm mạnh đầu tháng này sau khi bà Mạnh Vãn Chu, giám đốc tài chính Huawei, bị bắt. Bà là con gái của nhà sáng lập tỉ phú Reng Zhengfei của Huawei. Chỉ số Shenzhen Composite hiện giảm 30% từ đầu năm đến nay và sắp hướng đến năm tệ nhất từ năm 2011.
|
“Giới doanh nhân tại Thâm Quyến và nhiều nơi khác sẽ đối mặt không ít thách thức trong vài năm tới. Họ đối mặt với khả năng thị trường toàn cầu không còn mở cửa và do đó, nhu cầu nội địa sẽ không đủ”, giáo sư kế toán, tài chính Liu Jing tại Cheung Kong Graduate School of Business ở Bắc Kinh cho hay.
Ngày 18.12.1978, cố lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình khởi động khai thác tiềm năng của Thâm Quyến. Sau sự kiện này, làng chài nhỏ bùng nổ, dân số tăng từ 30.000 người lên 12 triệu người trong chưa đầy 40 năm, tạo nên “Trung Quốc mới”. “Thâm Quyến giúp chúng tôi có cú hích lớn xét về đổi mới, mở ra chiếc bệ tuyệt vời để phát triển”, ông Wang Chuan-fu, sếp BYD, cho hay.
Nhiều người giàu sống ở Thâm Quyến, thành phố biểu tượng cho sự vươn lên của Trung Quốc. Sau khi trở thành đặc khu kinh tế đầu tiên của đất nước vào năm 1980, đầu tư nước ngoài ồ ạt đổ vào Thâm Quyến nhờ ưu đã về thuế và nhiều thứ khác.
|
Trong quá khứ, Thâm Quyến bùng nổ kinh tế và sản xuất được mọi thứ, từ máy điều hòa không khí cho đến smartphone. GDP thành phố dự kiến đạt 350 tỉ USD năm nay. Tuy nhiên hiện giờ, nhiều người giàu đô thị này bị tác động ở nhiều mức khác nhau bởi đợt lao dốc cổ phiếu internet do chiến tranh thương mại của ông Trump gây ra.
Các hãng internet Trung Quốc còn thiệt hại vì doanh thu quảng cáo cho các doanh nghiệp trực tuyến suy yếu, đi cùng lo ngại tăng trưởng kinh tế quốc gia giảm đi, theo nhà phân tích Chelsey Tam tại Morningstar Investment Service. Giới tỉ phú Đại lục cũng chịu áp lực trên “sân nhà” vì Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang nhấn mạnh tính bình đẳng và chính sách thuế mới đe dọa giám sát chặt chẽ hơn người giàu và doanh nghiệp của họ.
Dù chính quyền vẫn ủng hộ doanh nghiệp tư nhân và doanh nhân, họ dường như có thái độ mới với tài sản cá nhân và bất bình đẳng thu nhập. Trung Quốc giảm thuế với công dân có thu nhập thấp, trong khi đẩy cao thuế áp lên bất động sản và tài sản khác, gây áp lực lên nhóm nhà giàu.
Bình luận (0)