'Thẩm quyền, trách nhiệm của TP.Thủ Đức phải cao hơn quận, huyện khác của TP.HCM'

31/10/2020 20:09 GMT+7

Chánh văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh cho rằng để TP.Thủ Đức tạo ra đột phát thì cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ cùng với thẩm quyền, trách nhiệm phải cao hơn quận, huyện khác của TP.HCM.

Đề án thành lập TP.Thủ Đức

Ngày 31.10, đoàn công tác của các bộ, ngành T.Ư đã khảo sát và góp ý đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2019 - 2021 với điểm nhấn là thành lập TP.Thủ Đức.
Ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, báo cáo tóm tắt đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định về quy mô dân số, diện tích tự nhiên. Cụ thể, TP.HCM sáp nhập 3 quận gồm: 2, 9 và Thủ Đức thành lập đơn vị hành chính mới là TP.Thủ Đức (rộng hơn 211 km2 và hơn 1 triệu dân), đồng thời sáp nhập 19 phường thuộc 6 quận: 2, 3, 4, 5, 10 và Phú Nhuận.

Ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, báo cáo đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã ở TP.HCM giai đoạn 2019 - 2021

Ảnh: Nguyên Vũ

Sau khi sắp xếp, TP.HCM giảm từ 24 quận huyện xuống còn 22 đơn vị hành chính cấp huyện (1 thành phố, 16 quận và 5 huyện), giảm 10 đơn vị hành chính cấp xã còn 312 phường, xã, thị trấn (gồm 249 phường, 5 thị trấn và 58 xã).
Bà Trần Thị Lan Anh, Phó cục trưởng Cục Phát triển đô thị (thuộc Bộ Xây dựng), nhìn nhận cơ sở pháp lý về phát triển đô thị và quy hoạch đô thị mới được Thủ tướng cho phép hồi tháng 8.2020 làm cơ sở điều chỉnh các quyết định khác. Về thẩm quyền phân loại đô thị, bà Lan Anh cho biết Bộ Xây dựng sẽ công nhận đô thị loại 3, còn đối với đô thị loại 1 và loại 2 thì thuộc thẩm quyền của Chính phủ trên cơ sở thẩm định của Bộ Xây dựng.
Về đề xuất của TP.HCM công nhận TP.Thủ Đức là đô thị loại 1, bà Lan Anh đặt vấn đề TP.HCM có lập một đền án khác trình Chính phủ hay không, nếu lập đề án thì cần rà soát lần cuối cùng.

Bà Trần Thị Lan Anh, Phó cục trưởng Cục Phát triển đô thị (thuộc Bộ Xây dựng) đề nghị TP.HCM làm rõ đề xuất TP.Thủ Đức là đô thị loại 1

Ảnh: Nguyên Vũ

Đại tá Nguyễn Chí Cường, đại diện Cục Tác chiến (thuộc Bộ Quốc phòng), đánh giá về công tác quốc phòng, trong tương lai, TP.Thủ Đức giữ vị trí chiến lược, giữ được TP.Thủ Đức là giữ được TP.HCM nên cần tăng cường đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực này sau khi thành lập.
Đại tá Cường thông tin đất quốc phòng ở khu vực này khoảng 1,5 km2 với các lực lượng phòng không không quân, hải quân, đơn vị kinh tế,… đóng quân trên địa bàn. Về quy hoạch, 8 trọng điểm phát triển của TP.Thủ Đức không ảnh hưởng đến công tác đảm bảo an ninh quốc phòng.
Ông Ngô Minh Dương, Phó vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Văn phòng T.Ư đảng đề nghị TP.HCM bổ sung giải pháp xử lý tài sản các trụ sở cơ quan hành chính bởi thời gian vừa qua, nhiều địa phương sáp nhập bỏ không trụ sở, rất lãng phí.

Giải quyết cán bộ dôi dư trong năm 2021

Ông Vũ Đăng Minh, Chánh văn phòng Bộ Nội vụ, nhận xét trong đề án mới đề cập đến chuyện sắp xếp lại bộ máy, cán bộ công chức dôi dư mà chưa nhắc đến nguồn lực con người. Về cơ chế chính sách cho TP.Thủ Đức, theo Hiến pháp 2013 thì đây là lần đầu tiên có “thành phố trong thành phố” với ý tưởng là thành phố vệ tinh, thành phố sáng tạo.
"Cần cơ chế nào để thực hiện được ý tưởng này thì tôi chưa thấy nói rõ lắm. Thẩm quyền và trách nhiệm của thành phố này phải cao hơn quận, huyện khác của TP.HCM. Bên cạnh đó, tôi cũng chưa thấy khác biệt về phương thức, quy chế làm việc trong đề án này", Chánh văn phòng Bộ Nội vụ nhận xét.

Chánh văn phòng Bộ Nội vụ cho rằng cần làm rõ cơ chế, chính sách để phát triển TP.Thủ Đức sau khi thành lập

Ảnh: Nguyên Vũ

Ngoài ra, ông Minh cũng đề nghị TP.HCM nêu rõ những kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ giải quyết những gì để tạo ra đột phá, giải quyết các điểm nghẽn để TP.Thủ Đức trở thành đô thị thông minh, sáng tạo.
Ông Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, đề nghị TP.HCM cần nêu rõ đánh giá tác động kinh tế xã hội khi thành lập TP.Thủ Đức mang lại hiệu quả gì trong tờ trình để cấp thẩm quyền khi xem xét có tính thuyết phục cao hơn.
Đối với đề án sắp xếp đơn vị hành chính, TP.HCM cần chú ý phương án sắp xếp cán bộ, công chức; giải quyết cán bộ, công chức dôi dư hợp lý để đảm bảo tính liên tục của cơ quan hành chính cũng như sự yên tâm của cán bộ, công chức. Trong đề án, TP.HCM đề nghị giải quyết cán bộ, công chức dôi dư kéo dài đến năm 2025 nhưng ông Tuấn đề nghị cần tập trung giải quyết dứt điểm trong năm 2021 để tiết kiệm ngân sách; cán bộ, công chức dôi dư có thời gian tìm việc làm mới thông qua các chính sách, sớm ổn định cuộc sống.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn đề nghị TP.HCM cần tập trung giải quyết cán bộ dôi dư trong năm 2021 thay vì kéo dài đến năm 2025

Ảnh: Nguyên Vũ

Về sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập, ông Tuấn đề nghị TP.HCM ổn định đơn vị hành chính trước rồi mới sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập, bởi vì các đơn vị sự nghiệp lập nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, nhất là y tế vào giáo dục.
Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cho biết sẽ phối hợp với TP.HCM hoàn chỉnh đề án để ngày 5.11 họp hội đồng thẩm định liên bộ cho ý kiến trước khi báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua nghị quyết.

Nếu thành lập, thành phố phía Đông (TP.Thủ Đức) trực thuộc TP.HCM sẽ như thế nào?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.