(TNO) Khi đoạn video về những chiến sĩ QĐND VN hy sinh anh dũng tại bãi Gạc Ma trước nòng súng quân Trung Quốc vào ngày 14.3.1988 được chiếu lên, những giọt nước mắt đã chực chảy, những cái ôm an ủi và những câu chuyện cũng được kể để nhắc nhở sự thật rằng: sau hơn 27 năm, nỗi đau và mất mát vẫn hằn sẹo vẹn nguyên trong lòng người ở lại.
Video: Những giọt nước mắt ba thế hệ nhớ các anh linh liệt sĩ Gạc Ma - Thực hiện: Bùi Thư
|
Bà Mai Thị Hoa và chị Trần Thị Thủy, gia đình liệt sĩ Trần Văn Phương không kìm được nỗi xúc động trong buổi lễ
|
Tối 22.7, tại chùa Vĩnh Nghiêm (quận 3, TP.HCM) đã diễn ra Lễ cầu siêu, tưởng niệm anh linh 64 liệt sĩ Gạc Ma đã hy sinh năm 1988.
“Anh hy sinh khi còn chưa biết mặt con…”
Bà Mai Thị Hoa, vợ của liệt sỹ Trần Văn Phương kể: “Cưới nhau chưa được bao lâu thì anh nhận nhiệm vụ công tác trên đảo Gạc Ma, 5 năm anh về thăm nhà chỉ có 3 lần. Lần lâu nhất là 10 ngày và cũng là lần cuối cùng tôi thấy anh. Những lá thứ viết về đều dặn tôi giữ gìn sức khỏe và đừng chờ tin anh. Đến khi người ta gửi giấy báo tử về tôi mới biết. Lúc ấy tôi khóc suốt, không nhờ gia đình, hàng xóm chăm sóc, tôi đã không sinh được đứa con duy nhất của anh ấy. Anh Phương hy sinh mà không hề biết tôi mang bầu con Thủy một tháng.”
Cùng chung nỗi đau mất chồng khi con chưa kịp chào đời, bà Trần Thị Liễu, vợ liệt sỹ Nguyễn Mậu Phong chia sẻ trong nước mắt: “Đến bây giờ đã 27 năm rồi mà tôi vẫn không thể nào quên được nỗi đau âm ỉ trong lòng, cứ nhắc đến hải quân, biến đảo là nước mắt lại rơi. Năm anh Phong mất, đứa con đầu chỉ mới 2 tuổi, đứa út được 50 ngày còn chưa biết mặt cha. Chiến tranh khốc liệt nên tôi đâu ngờ anh hy sinh khi còn trẻ và tôi chưa kịp báo tin về thằng út. Khi nhìn bức tranh Gạc Ma - Vòng tròn bất tử, tôi không cầm được nước mắt, sự xúc động trước biển đảo mênh mông sóng nước mà người chồng mình nằm nơi đáy biển, không còn xương thịt hay tro cốt gì, đứa con sau anh cũng chưa hề được gặp mà bế nó. Lần đầu tiên, tôi thấy có buổi lễ long trọng như vầy để tiễn đưa vong linh các anh, để các anh an nghỉ vì nỗi đau quá lớn rồi”.
Bà Mai Thị Hoa ôm lấy bà Trần Thị Liễu để chia sẻ nỗi mất mát khi xem video về các chiến sĩ Gạc Ma
|
Ba hy sinh vì cái gì, con sẽ sống vì cái đó
Dẫu chưa một lần được nhìn thấy, được ôm hôn hay gọi một tiếng ba nhưng hai người con trong hai gia đình liệt sĩ Trần Văn Phương và liệt sĩ Nguyễn Mậu Phong đều đau đáu một tâm niệm và khao khát khi lớn lên sẽ được làm việc tại đơn vị ngày xưa ba từng công tác - Lữ đoàn 146.
Chị Trần Thị Thủy và anh Nguyễn Tiến Xuân năm nay 27 tuổi. Từng đấy số tuổi cũng là từng ấy năm hai người ba đã cùng những đồng đội của mình nắm tay thành vòng tròn để bảo vệ bãi Gạc Ma, bảo vệ quần đảo Trường Sa và hy sinh trước nòng súng của quân Trung Quốc.
|
|
|
Khi nhìn bức tranh Gạc Ma - Vòng tròn bất tử, tôi không cầm được nước mắt, sự xúc động trước biển đảo mênh mông sóng nước mà người chồng mình nằm nơi đáy biển, không còn xương thịt hay tro cốt gì, đứa con sau anh cũng chưa hề được gặp mà bế nó. Lần đầu tiên, tôi thấy có buổi lễ long trọng như vầy để tiễn đưa vong linh các anh, để các anh an nghỉ vì nỗi đau quá lớn rồi
|
|
|
Bà Trần Thị Liễu
|
|
|
Có lẽ chính vì vậy mà những chiến công, những câu chuyện về ba được kể lại đã in sâu vào tâm thức của chị Thủy và anh Xuân, để khi lớn lên, hai người đều mang chung một ước nguyện được nối nghiệp ba chiến đấu và bảo vệ tổ quốc.
Trò chuyện với chị Thủy, chị không giấu được niềm xúc động khi chúng tôi nhắc đến hình ảnh liệt sĩ Trần Văn Phương được họa trong bức tranh Gạc Ma – Vòng tròn bất tử: “Khi nhỏ tôi chỉ biết đến ba qua những câu chuyện của mẹ, vài lá thư và việc mình được miễn học phí. Lớn lên, tôi mới ý thức được ba mình đã vĩ đại như thế nào và hôm nay, khi nghe người ta đọc to tên ba, điều ba đã làm trước khi hy sinh, tôi thật sự đã bật khóc và chỉ biết gọi khẽ ba ơi. Tôi chưa một lần được nhìn thấy ba nhưng luôn giữ trong tim mình niềm tự hào về ông ngay từ khi còn nhỏ. Chính điều này đã thôi thúc tôi muốn được trở lại công tác tại đơn vị của ba và hiện tôi đã đạt được ước mong của mình. Đó là một niềm hạnh phúc.”
Cùng chung ước niệm như chị Thủy, anh Nguyễn Viết Xuân, con trai út của liệt sĩ Nguyễn Mậu Phong hiện đang là lính hải quân thuộc lữ đoàn 146, nơi ngày xưa ba anh đã công tác cho đến lúc hy sinh.
Mẹ anh, bà Trần Thị Liễu giơ tay lau đi nước mắt kể: “Khi nhỏ, thằng Xuân hay viết thư gửi ba với những dòng lủng củng: ba kính yêu, ba có khỏe không mỗi lần hắn thèm khát được gọi tiếng ba. Trường, anh cả của hắn cũng ra đảo ở hai năm mới yên lòng về lập gia đình. Hắn từ lớp 10 đã nhất quyết nói với tôi sẽ đi hải quân và giờ hắn đang công tác ngoài Cam Ranh, không vào đây tham dự được. Hắn bảo mẹ sợ chi, ba hy sinh vì cái gì con sẽ sống vì cái đó”.
Cựu binh Lê Hữu Thảo trò chuyện cùng bà Mai Thị Hoa về người đồng đội đã hy sinh đi vào lịch sử
|
Cựu binh Lê Hữu Thảo xúc động khi kể ngắm bức tranh và nhớ về những đồng đội đã nằm xuống - Ảnh: Bùi Thư
|
Kỷ vật gửi về cùng giấy báo tử
Ngay khi bài diễn văn được đọc đến đoạn: Trung úy Trần Văn Phương dù bị đạn bắn xuyên bả vai vẫn quyết giữ lá cờ trên đảo Gạc Ma và để lại câu nói: “Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo”, rồi cùng đồng đội mình nằm lại lòng biển quê hương", bà Mai Thị Hoa đã ôm lấy đứa con và cháu gái mình òa lên nức nở. Giọt nước mắt chảy xuyên qua ba thế hệ: người vợ, người con, người cháu thấm lại cùng một nỗi mất mát khiến cho mọi người không nén được xúc động.
Người vợ của liệt sỹ Nguyễn Mậu Phong cũng ôm lấy người phụ nữ cùng chung một nỗi đau mất chồng nói trong đứt quãng: “Hai anh chiến đấu cùng nhau, hy sinh cùng nhau...”.
Gặp lại người đồng đội của chồng còn sống sót trong trận chiến định mệnh ấy, bà Hoa xúc động cảm ơn vì ông Lê Hữu Thảo chính là người vớt thi thể liệt sĩ Phương, mai táng và đem tro cốt về để bà được thấy chồng mình.
Xoay vòng chiếc nhẫn nơi ngón áp út, bà khoe với chúng tôi: “Khi giấy báo tử gửi về, mẹ chồng khóc và đưa tôi một chiếc nhẫn nói khi anh Phương ra đi, lấy tiền lương và mua cho tôi chiếc nhẫn 2 phân 8 tặng tôi làm quà cưới. Nhà nghèo, ít tiền nên khi cưới hai vợ chồng chỉ có hai chiếc nhẫn inox mà lại không cùng kiểu với nhau nên chắc anh muốn tặng tôi để làm kỷ niệm. Nào ngờ lại thành kỷ vật. Chiếc nhẫn anh tặng tôi đeo không vừa vì ít phân, tháo ra tháo vô bị móp nhưng tôi vẫn giữ đến bây giờ. Đó là kỷ vật của anh, kỷ vật của cả đời mình”.
Cầm số tiền trên tay, bà Hoa nghẹn ngào nói: “Không thể không cảm tạ đoàn thể và những nhà hảo tâm nhưng thật lòng mà nói, mỗi lần nhận được sự hỗ trợ, tôi cảm thấy mình như đang ăn xương ăn máu của anh… càng nhận tôi lại càng đau khổ thêm và nhớ anh, sao mà có thể quên được. Hồi con Thủy còn bé, nó hay hỏi mẹ ơi ba con đâu rồi. Khi nó biết đường tới nhà nội, về tôi hỏi con thấy ai bên nhà ông bà nội, nó cứ kêu con thấy ba, thấy ba ngồi trên cao. Rồi khi đến trường, thấy bạn bè có ba nó hỏi tôi sao chỉ có mình con với mẹ. Những lúc ấy hai mẹ con chỉ biết ôm nhau mà khóc. Nhìn bức tranh vẽ anh, tôi tự hào nhưng đau lắm, máu chảy tôi cứ liên tưởng ngày đó anh cũng như vậy, làm sao mà quên được”.
Bình luận (0)